Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 9/2020
Đăng ngày 02-09-2020 08:00, Lượt xem: 138

Hướng dẫn quy trình đăng ký hộ tịch trực tuyến; Giáo viên được nghỉ hè 8 tuần; Bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức; Hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp không quá 800.000 đồng/người/lần; Quy định mới về định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên đại học… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 9/2020.

Hướng dẫn quy trình đăng ký hộ tịch trực tuyến

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Thông tin được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bao gồm thông tin hộ tịch của cá nhân và thông tin hộ tịch của cha, mẹ, vợ hoặc chồng của cá nhân khi có sự biến động do kết hôn, thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc; nhận cha, mẹ, con; giám hộ; nuôi con nuôi; khai tử ….

Theo Nghị định số 87/2020/NĐ-CP , người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn. Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến cung cấp thông tin theo biểu mẫu tương tác, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định; nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến hoặc bằng cách thức khác theo quy định pháp luật.

Sau khi hoàn tất việc nộp hồ sơ, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến được cấp 1 mã số hồ sơ thủ tục hành chính để theo dõi, tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ hoặc truy cập để hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký hộ tịch.

Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch được nhận kết quả đăng ký hộ tịch theo một trong các phương thức: Nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi qua thư điện tử, Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân đó; nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi vào thiết bị số, thông qua phương pháp truyền số liệu phù hợp, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; nhận kết quả là giấy tờ hộ tịch thông qua hệ thống bưu chính; nhận kết quả là giấy tờ hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch.

Nghị định số 87/2020/NĐ-CP  có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2020 và bãi bỏ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ.

Giáo viên được nghỉ hè 8 tuần

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 84/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.

Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 6 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm. Còn đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học thì thời gian nghỉ hè thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hoặc cấp bách, thời gian nghỉ hè của các đối tượng trên sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.

Nghị định số 84/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2020.

Bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức

Có hiệu lực từ ngày 05/9/2020, Thông tư số 03/2020/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Thông tư số 03/2020/TT-BNV, bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức là việc bảo vệ công việc gắn với chức danh, chức vụ, vị trí việc làm của cán bộ, công chức; công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý của viên chức trong quá trình giải quyết tố cáo.

Cụ thể, sẽ không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.

Đồng thời, không thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp:

- Được sự đồng ý của người đó                                      

- Thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác;

- Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được người có thẩm quyền giải quyết tố cáo yêu cầu hoặc đề nghị thực hiện biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong trường hợp người tố cáo đó không thuộc thẩm quyền quản lý của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp không quá 800.000 đồng/người/lần

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, trong đó quy định hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.

Cụ thể, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau đây:

- Có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

- Đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Về mức hỗ trợ kinh phí khám nghề nghiệp, mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám nghề nghiệp tính theo biểu giá khám nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám nghề nghiệp sau khi đã được BHYT chi trả, nhưng không quá 800.000 đồng/người/lần khám. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.

Cũng theo Nghị định số 88/2020/NĐ-CP, người lao động được hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp  tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.

- Đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp.

- Có tham gia BHXH bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây bệnh nghề nghiệp.

Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh tại thời điểm NLĐ chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được BHYT chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người.

Quy định mới về định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học, trong đó bổ sung một số nội dung mới về định mức giờ chuẩn giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên.

Theo đó, bổ sung quy định cụ thể thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính) để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác, được xác định theo năm học sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định.

Cũng theo Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT, định mức giờ chuẩn được quy định có độ giãn từ 200 đến 350 giờ chuẩn giảng dạy. Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học được mở rộng để quy định cụ thể trong phạm vi cho phép về định mức giờ chuẩn, quy đổi ra giờ chuẩn và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo định hướng hoạt động của cơ sở. Cơ sở giáo dục đại học tùy thuộc vào ngành đào tạo, chiến lược phát triển thành đại học định hướng nghiên cứu hay định hướng ứng dụng mà xác định định mức cho từng nhóm nhiệm vụ phù hợp…

Đáng chú ý, Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT có bổ sung hình thức giảng dạy trực tuyến; theo đó, công nhận dạy học trực tuyến để được tính vào định mức giờ chuẩn. Các nội dung giảng dạy có tính chất đặc thù, các tiết giảng trình độ đại học trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến) trên 50 phút được giao thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quy đổi cho phù hợp.

Giảng viên trong thời gian tập sự, thử việc chỉ thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy. Đồng thời được miễn giảm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để dành thời gian tham gia dự giờ, trợ giảng và tham gia thực tập, thực tế.

Giảng viên trong thời gian nghỉ hưởng trợ cấp BHXH, nghỉ theo các quy định của Bộ luật Lao động hiện hành được miễn giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy theo tỷ lệ tương ứng với thời gian nghỉ.

Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 11/9/2020 và thay thế Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác