Hướng đến xây dựng thành phố "4 an"
Ngày 13-4, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lần thứ 4 (mở rộng) để đánh giá tình hình các mặt công tác Quý I và thảo luận việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Quý II năm 2016. Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí đồng chủ trì hội nghị.

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá

 

Báo cáo đánh giá về tình hình các mặt công tác trong 3 tháng đầu năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho biết, kinh tế thành phố vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2015, theo đó hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều tăng từ 20-25% và đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 21.700 tỷ đồng, tăng 16,1%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,88%; và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 316 triệu USD, tăng 11,7%. Lĩnh vực du lịch diễn ra khá sôi động, tiêu biểu như đã tổ chức thành công các hoạt động đón Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, qua đó đã góp phần quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch thành phố. Ngành du lịch đã thu hút hơn 1 triệu lượt khách, tăng 19,6%, mang lại tổng doanh thu hơn 3.016,5 tỷ đồng, tăng 17,5%. Đặc biệt, thu ngân sách đạt khá cao với tổng thu ước thực hiện hơn 4.690 tỷ đồng, đạt 31,4% dự toán; trong đó thu nội địa 4.039 tỷ đồng, đạt 32,1% dự toán, và thu thuế xuất nhập khẩu 565 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương trên cơ sở nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng ước thực hiện gần 3.892 tỷ đồng, đạt 26,4% dự toán. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục được chú trọng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt gần 5.600 tỷ đồng. Số doanh nghiệp dân doanh thành lập mới tăng 67% với số vốn đăng ký tăng 40,7%. Các công trình xây dựng cơ bản đều cơ bản đảm bảo tiến độ, đặc biệt là các công trình trọng điểm.

 

Về lĩnh vực văn hóa – xã hội, thành phố đã tập trung chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách và đối tượng xã hội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2016, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 140 tỷ đồng. Chủ trương Năm văn hóa văn minh đô thị 2016 với 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm quản lý đô thị, hành vi, nếp sống và văn hóa tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có những chuyển biến khá tích cực.

 

Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Thành phố đã chỉ đạo xử lý kịp thời, quyết liệt các vụ việc nổi cộm xảy ra trên địa bàn và được dư luận quan tâm như vụ trọng án nổ súng giết người Trung Quốc; vụ xâm hại rừng ở bán đảo Sơn Trà; các phương tiện vận chuyển đất cát thường xuyên quá tải, vi phạm ATGT dẫn đến các tai nạn giết người, và xử lý căn cơ tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn…

 

Trong công tác cán bộ, Thường vụ Thành ủy đã tiến hành phân công cấp ủy viên, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt của một số cơ quan thành phố và các địa phương, đơn vị.


Đầu tư FDI chưa có dấu hiệu lạc quan

 

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Đà Nẵng vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan, thậm chí còn đang trên đà giảm sút, tiếp tục là chủ đề trăn trở và được thảo luận sôi nổi tại Hội nghị. Trong Quý I-2016, thu hút FDI giảm cả về số dự án và quy mô vốn so với cùng kỳ.  Cụ thể, thành phố có 9 dự án được cấp mới GCN đầu tư với tổng vốn 2,53 triệu USD, như vậy đã giảm 10 dự án và giảm 5,75 triệu USD; 4 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 407,500 USD, giảm 6 dự án và giảm 6,29 triệu USD; và 1 dự án giảm vốn với số vốn giảm là 14,36 triệu USD.

 

Theo Phó Bí thư Võ Công Trí, tuy đạt kết quả hết sức ấn tượng với 6 lần đứng đầu bảng về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và là địa phương nằm trong nhóm tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất về Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giai đoạn 5 năm 2011–2015; song không đồng nghĩa là thành phố có một nền hành chính công phục vụ tốt và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Ông đơn cử như thủ tục hành chính còn chậm; thái độ phục vụ của một vài trường hợp CBCCVC, ở một số nơi còn chưa chuyên nghiệp; trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, chính quyền các cấp còn chưa thể hiện rõ; vẫn còn nhiều vướng mắc lớn ở các khâu kêu gọi đầu tư, thủ tục đăng ký cấp phép đầu tư...

 

 Thu hút đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan

 

Ông cho biết, theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2015, Đà Nẵng chỉ thu hút được 44,3 triệu USD trong tổng số hơn 24 tỷ USD vốn FDI cấp mới và tăng thêm rót vào Việt Nam, tức là chỉ chiếm 0,18%, xếp thứ 33/53 tỉnh, năm 2014, vốn FDI cam kết vào Đà Nẵng xếp 28/54 tỉnh thành. Hiện nay, thu hút FDI vào Đà Nẵng xếp 17/63 tỉnh, thành tính theo tổng vốn đăng ký, sau cả Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên ở khu vực miền Trung.  “Vì sao môi trường đầu tư và môi trường sống của thành phố đã được cải thiện khá và thông thoáng hơn nhiều so với các tỉnh thành khác trong khu vực và trên cả nước nhưng đầu tư của doanh nghiệp FDI có xu hướng giảm? Đất thì lành nhưng chim chưa đậu?”, ông Trí đặt câu hỏi.

 

Nhìn nhận vấn đề này, Phó Bí thư Thường trưc Thành ủy cho rằng, các hoạt động xúc tiến đầu tư chưa tập trung vào một đầu mối, còn qua nhiều khâu; sự phối kết hợp giữa các ngành chức năng trong hỗ trợ nhà đầu tư còn dàn trải, chồng chéo, phân tán nguồn lực; thông tin cung cấp cho nhà đầu tư còn chưa nhất quán; thời gian từ khi xác định địa điểm đến khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất còn kéo dài… đã làm cho nhà đầu tư nản lòng. Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư của Đà Nẵng còn chưa thật sự cạnh tranh, doanh nghiệp khi đầu tư vào các KCN chưa được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền thuê đất bằng các địa phương khác. Ông đơn cử, mức giá thuê đất bình quân tại KCN Hòa Khánh hiện nay là 1 USD/m2/năm; trong khi đó tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam) là 0,8 USD/m2/năm. Đà Nẵng cũng chưa có quy hoạch chi tiết về quỹ đất để kêu gọi đầu tư các dự án thương mại, nhà ở, giáo dục, y tế, logistics, tài chính… mà thực tế cho thấy việc quy hoạch tìm kiếm địa điểm phần lớn còn dựa vào đề xuất của các nhà đầu tư. Với quỹ đất hạn chế, quỹ đất sạch có sẵn để kêu gọi đầu tư lại không nhiều, lại chưa được công khai, minh bạch đã gây phiền phức và làm các nhà đầu tư phải mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm.

 

Để giải quyết bài toán thu hút FDI, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Xuân Anh đề nghị các ngành cần linh hoạt hơn nữa trong việc ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư, theo đó phải có sự vận dụng các giải phù hợp.

 

Thành lập lại Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm cấp thành phố

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất trước mắt được xác định là chuẩn bị tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vào ngày 22-5. Theo đó, yêu cầu các cấp, ngành phải tạo không khí sôi nổi để ngày này phải thật sự là “ngày hội của toàn dân”, các ứng cử viên được lựa phải thật tiêu biểu và bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh trước, trong và sau cuộc bầu cử.

 

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Xuân Anh tặng Cờ Thi đua của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng cho 3 Đảng bộ đạt thành tích xuất sắc nhiệm kỳ 2010-2015

Bí Thư Thành uỷ cũng phân công Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ là tổng chỉ huy trực tiếp chỉ đạo triển khai ba đột phá về phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXI của thành phố đã xác định; đồng thời phân công 3 Phó Chủ tịch UBND TP trực tiếp phụ trách, tham mưu xây dựng chuyên đề cụ thể tương ứng với đột phá mình được giao, trình Thành uỷ Đà Nẵng vào đầu tháng 7-2016, cuối tháng 9-2016 và cuối năm 2017, định kỳ hằng quý báo cáo về đột phá mình phụ trách. “Chủ tịch UBND TP phải chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành Đảng bộ TP, và 3 Phó Chủ tịch được phân công phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành uỷ nếu việc triển khai 3 đột phá không hiệu quả”, ông nhấn mạnh.

 

Bí thư Thành uỷ cũng yêu cầu các cấp, ngành tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, phát huy hiệu quả hoạt động của Vườn ươm doanh nghiệp, Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có giải pháp tích cực hỗ trợ thúc đẩy tiến độ ác dự án chậm  triển khai, kiên quyết thu hồi các trường hợp không thực hiện theo cam kết để bố trí cho doanh nghiệp có nhu cầu. Thực hiện quyết liệt chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016”, tập trung các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động của mỗi người dân.

 

Bên cạnh đó, ông cũng thống nhất triển khai xây dựng Đà Nẵng theo tiêu chí “4 an", bao gồm “an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và an sinh xã hội”. Đặc biệt, liên quan đến thực trạng mất ATVSTP trên địa bàn thành phố gây lo lắng, bất an cho người dân, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đã chỉ đạo thành lập lại Ban Chỉ đạo ATVSTP cấp thành phố do 1 Phó Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban, hoạt động theo cơ chế toàn quyền quyết định, toàn quyền đề xuất chủ trương, và báo cáo trực tiếp với Thường trực Thành uỷ. Đồng thời, sẽ áp dụng chế tài mạnh đối với những tiểu thương kinh doanh thực phẩm mất an toàn, không để những hộ tiểu thương này tiếp tục buôn bán tại tất cả các chợ trên địa bàn thành phố.

 

QUỲNH ĐAN

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác