Du lịch đường sông – hướng đi đầy tiềm năng của du lịch Đà Nẵng
Du lịch đường sông là sản phẩm du lịch đầy tiềm năng mà Đà Nẵng đang thúc đẩy đầu tư và quảng bá. Nhiều tour, tuyến du lịch đã và đang được hình thành cùng với việc xúc tiến xây dựng cầu tàu và bến du thuyền đã mở ra hướng mới cho phát triển du lịch đường sông, đưa sản phẩm du lịch này trở thành sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng.
Đầu tư hàng loạt cơ sở hạ tầng
 
Theo đại diện nhiều hãng lữ hành chuyên khai thác khách du lịch hội nghị thì trên bản đồ du lịch Việt Nam, Đà Nẵng đang được xem là điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách. Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng lượng khách đến Đà Nẵng ước đạt trên 2,2 triệu lượt, tăng 24,9% so với cùng kỳ 2014; trong đó, khách nội địa ước đạt 1,6 triệu lượt, tăng 22% so với cùng kỳ 2014, khách quốc tế đạt khoảng 600.000 lượt, tăng đến 33,1% so với cùng kỳ năm 2014. Hiệu quả tích cực từ các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đến với thị trường trong nước, quốc tế và việc tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa, du lịch, giải trí liên tục trong thời gian qua đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại đây.
 
Cùng với tăng cường khảo sát, mở rộng tour tuyến điểm đến mới của các hãng lữ hành và báo chí trong nước, quốc tế; bằng nhiều hình thức khác nhau, sản phẩm du lịch đường sông đã và đang là một trong những thế mạnh lớn của ngành du lịch Đà Nẵng, góp phần làm phong phú thêm sự lựa chọn cho du khách. Với lợi thế có sông chảy quanh thành phố, có cửa biển sông Hàn và những hòn đảo xinh đẹp nằm trong vịnh Đà Nẵng, giờ đây, các tour du lịch đường sông bằng du thuyền, thưởng ngoạn cảnh quan hai bên bờ sông Hàn hay khám phá các hòn đảo xinh đẹp đã không còn lạ lẫm với du khách trong và ngoài nước. Đặc biêt, dọc theo con sông gắn liền với sự phát triển, đổi thay của thành phố là các công trình ấn tượng mới  như: Tượng cá chép hóa rồng, Tòa nhà trung tâm hành chính, Cảng sông Hàn, Cầu tàu tình yêu, Phố đi bộ Bạch Đằng…
 
 
Sông Hàn - điểm nhấn đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố, thu hút du khách, bạn bè đến với Đà Nẵng
 
Nhận thức tầm quan trọng của sông Hàn - nét văn hóa, biểu tượng của Đà Nẵng, điểm nhấn để phát triển kinh tế, chính quyền thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng các cầu tàu, điểm đến khai thác du lịch từ nay đến hết năm 2016 như: nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, cải tạo lại đường đi tại khu vực K20, Làng Túy Loan và Thái Lai, Làng Phong Lệ; tháo dỡ đập Đồng Nò, đập Bờ Quang để mở rộng tuyến tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn; cải tạo mặt bằng và xây dựng cầu tàu, bến bãi khu vực phía bắc cầu Nam Ô, kêu gọi xã hội hóa từ các tổ chức cá nhân đầu tư cầu tàu, bến bãi dọc tuyến sông Cu Đê; nâng cấp cảnh quan và dịch vụ bổ sung phục vụ du khách tại Bãi Cát Vàng, đầu tư cầu tàu và dịch vụ bổ sung tại Bãi Đá Đen – Bán đảo Sơn Trà….Cùng với đó, ngành du lịch đã triển khai các kế hoạch phát triển các tour, tuyến phát triển đường sông, biên soạn và ban hành bản thuyết minh trên sông cho các thuyền cũng như phát triển các cảng Thuận Phước, Sông Thu, cải tạo cảng Sông Hàn thành cảng du lịch cố định phục vụ du khách.
 
Đa dạng các sản phẩm dịch vụ hấp dẫn
 
Hiện tổng số tàu du lịch trên sông Hàn là 25 tàu; trong đó nổi bật có các tàu được đầu tư chất lượng cao, chuyên về du lịch như Tàu Rồng sông Hàn (250 chỗ), 3 tàu du thuyền sông Hàn của 4U (4U 1 và 2 - 42 chỗ), (4U 3 - 48 chỗ), du thuyền Seahores (30 chỗ) và Du thuyền Harems. Du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chủ yếu hoạt động theo các tuyến chính: Tuyến sông Hàn – Cửa biển: Tour du ngoạn Bãi Cát Vàng – Bán đảo Sơn Trà 2 ngày 1 đêm; Tour câu cá - lặn ngắm san hô tại Bán đảo Sơn Trà đi về trong ngày ; Tour khám phá Hòn Chảo – Đảo Ngọc đi về trong ngày. Đặc biệt, ở tuyến dọc sông Hàn, tập trung khai thác các tour cung cấp nhiều dịch vụ phong phú cả ban ngày và ban đêm bao gồm: Tour ngắm bình minh/ hoàng hôn; Tour thưởng ngoạn sông Hàn về đêm; Tour chèo thuyền kayak trên sông Hàn….
 
Theo chị Lê Uyên, một hướng dẫn viên du lịch của Công ty TNHH Một Thành Viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, “hình ảnh dòng sông Hàn đã, đang và sẽ mãi là niềm tự hào của mỗi người dân Đà Nẵng, đồng thời trong một tương lai không xa, nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Những sản phẩm du lịch đặc trưng tại dòng sông này sẽ gắn với hình ảnh “trên bến dưới thuyền”, được xây dựng trên cơ sở chọn một địa điểm có các yếu tố cần thiết về mật độ dân cư, về lịch sử, văn hoá, hệ thống cơ sở hạ tầng, không gian kiến trúc và những yếu tố khác về tổ chức dịch vụ du lịch nhằm tạo ra một điểm tham quan du lịch - điểm nhấn đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố, thu hút du khách, bạn bè đến với Đà Nẵng và góp phần tăng thời gian lưu trú của du khách.” Tuy nhiên, chị Lê Uyên và một số HDV lâu năm trên địa bàn thành phố cũng cho biết, từ những năm trước, nhiều hãng lữ hành đã tổ chức khai thác, giới thiệu sản phẩm du lịch đường sông song vẫn chưa thật sự thu hút, hấp dẫn du khách. Để du lịch đường sông phát triển bền vững thì thành phố cần tiếp tục đầu tư đồng bộ và có sự liên kết chặt chẽ với các hình thức du lịch khác; đặc biệt cần nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ độc đáo, nhiều hoạt động nghệ thuật, văn hóa, lễ hội được tổ chức ngay trên sông để níu chân du khách đi tour. “Cần có nhiều sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn đi kèm để kéo du khách đến với tour đường sông sao cho hấp dẫn.” – Chị Lê Uyên nhấn mạnh.
 
Về vấn đề này, đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng khẳng định, trong thời gian tới, Sở và các đơn vị liên quan sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong việc mở thêm 3 tuyến mới: Tuyến du lịch sông Hàn – sông Cổ Cò (tham quan Làng văn hóa K20, chùa Quán Thế Âm, danh thắng Ngũ Hành Sơn, Làng đá Mỹ Nghệ,...), tuyến du lịch sông Cu Đê – Trường Định (tham quan cụm văn hóa Nam Ô như Giếng Cổ, mộ Tiền hiền, miếu thờ bà Bô Bô, Làng nghề nước mắm Nam Ô,...) và tuyến du lịch sông Hàn – Túy Loan (tham quan Làng chiếu Cẩm nê, Làng sinh hoạt cộng đồng, đình làng Túy Loan,...). Bên cạnh đó, thu hút các hoạt động du lịch đường sông hấp dẫn theo tuyến Bảo tàng Chăm – cửa biển; Bảo tàng Chăm – Bán đảo Sơn Trà, Bảo tàng Chăm – K20; đầu tư thêm các bến bãi để các doanh nghiệp cùng vào khai thác; xây dựng tiêu chuẩn cụ thể của các tàu thuyền tham gia hoạt động trên sông; nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc tổ chức các chương trình nghệ thuật trên tàu. Đặc biệt, chú trọng đa dạng các dịch vụ trên thuyền như ăn uống; bar – café, xây dựng bản thuyết minh du lịch đường sông, đào tạo và nâng cao nghiệp vụ cho các lái tàu, nhân viên phục vụ…cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch đường sông đến với người dân và du khách mạnh mẽ hơn.
CÔNG TÂM
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác