Dấu ấn công tác Hội và phong trào nông dân thành phố nhiệm kỳ 2018 – 2023 - Bài 2: Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu
Đăng ngày 19-09-2023 21:10, Lượt xem: 32

Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp Hội nông dân nỗ lực hỗ trợ nông dân phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua, triển khai hiệu quả các nguồn vốn vay. Từ đó, xuất hiện nhiều gương nông dân tiên phong trong ứng dụng khoa học - công nghệ, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư với quy mô sản xuất lớn, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị hàng hóa và lợi nhuận, góp phần phát triển kinh tế thành phố.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào trọng tâm Hội Nông dân.

Với sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, phối hợp của Mặt trận và đoàn thể chính trị-xã hội, sự hưởng ứng của hộ gia đình hội viên, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp, phong trào đã và đang đem lại nhiều kết quả thiết thực.

Từ đó, góp phần phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan toả trên nhiều lĩnh vực, tạo động lực lôi cuốn, khích lệ, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nông dân thoát nghèo bền vững. Đồng thời thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại, hình thành các hình thức hợp tác tự nguyện của nông dân, góp phần đổi mới hợp tác xã nông nghiệp, tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, liên kết “4 nhà” (Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học).

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết cho biết, nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiên phong trong ứng dụng khoa học - công nghệ, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư với quy mô sản xuất lớn, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị hàng hóa và lợi nhuận.

Các “Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” đã tích cực trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về cây, con giống, vật tư nông nghiệp với giá trị 53 tỷ đồng để giúp đỡ cho 4.000 lượt hộ nghèo; giúp cho 1.800 hộ nông dân thoát nghèo, có thu nhập, việc làm ổn định.

“Trong 05 năm, có 26.500 lượt hộ nông dân đăng ký hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua bình xét, trung bình mỗi năm có hơn 5.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó đạt danh hiệu cấp thành phố và trung ương chiếm 6%; cấp huyện chiếm 24% và cấp xã chiếm 70%. Nhiều gương điển hình “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được thành phố, trung ương biểu dương, khen thưởng. “, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết thông tin.

Hoạt động hỗ trợ nông dân về khoa học công nghệ gắn liền với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân thành phố phối hợp với các Ban của Trung ương Hội, các sở ngành thành phố, Trung tâm khuyến Nông – Lâm - Ngư, Trung tâm khuyến công thành phố mở hơn 306 lớp đào tạo nghề, tập huấn, hướng dẫn cho 7.760 hội viên kiến thức về kinh tế, công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, về công nghệ chế biến, bảo quản nông sản.

Đồng thời, đã tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm cho hơn 4.463 nông dân; đào tạo nâng cao tay nghề cho gần 1.000 lao động tham gia chương trình hợp tác xuất khẩu lao động giai đoạn 2018-2022.

Tổ chức hơn 1.053 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 30.826 lượt hội viên; hỗ trợ xây dựng hàng chục mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, theo chuỗi giá trị để hội viên tham quan, học tập và làm theo.

Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ cho hội viên về vốn, vật tư, xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ hiệu quả để tổ chức cho hội viên tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm như: Mô hình Trồng cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán rừng; Sản xuất rau, quả trong nhà màng, hệ thống tưới tự động, tưới phun mưa; nuôi Cá nước ngọt an toàn sinh học, Nuôi gia súc, gia cầm đệm lót sinh học, sử dụng phân bón vi sinh, ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý rơm rạ, trong xử lý chất thải chăn nuôi, trong xử lý nước nuôi hải sản.

Nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân thành phố có 01 hộ được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III, 03 hộ được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen, 05 hộ được tôn vinh là nông dân tiêu biểu xuất sắc toàn quốc, 15 hộ nông dân tiêu biểu được vinh danh tại hội nghị tổng kết “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2021.

Song song đó, các cấp Hội thường xuyên nắm bắt nhu cầu, hướng dẫn hội viên xây dựng Dự án, giới thiệu nguồn vốn, phối hợp với Trung tâm khuyến Nông – Lâm - Ngư, Trung tâm khuyến công hỗ trợ cho hội viên, nông dân các loại máy móc, thiết bị, hệ thống tưới tiêu tự động, hệ thống thiết bị công nghệ sản xuất nấm, rau trong nhà kính nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần đẩy mạnh quá trình cơ giới hoá - hiện đại hoá nông nghiệp.

“Nhiều gia đình hội viên, nông dân đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm đã đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động”, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết nói.

Cùng với việc hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, Hội Nông dân thành phố triển khai nhiều giải pháp giúp nông tìm đầu ra cho sản phẩm. Hội Nông dân thành phố phối hợp Sở Công thương, Bưu điện thành phố tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên, nông dân tiếp cận phương thức giao dịch thương mại điện tử và đã có 216 cơ sở sản xuất, hộ gia đình đưa sản phẩm lên sàn giao dịch. Các cấp Hội chủ động phối hợp tổ chức 102 hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các “Phiên chợ nông sản”, hội chợ xúc tiến thương mại, các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài thành phố để giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản, góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giúp nông dân hiểu biết các nội dung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hình thành các chương trình, dự án khởi nghiệp; vận động nông dân xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP. Tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giúp nông dân định hướng hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, góp phần triển khai hiệu quả Đề án số 03-ĐA/HNDTW của Trung ương Hội về “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2021-2025”.

Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân thành phố đã ký kết chương trình phối hợp với UBND thành phố và 15 đơn vị, cơ quan, ban, ngành nhằm tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp thực hiện các dự án, chương trình phát triển kinh tế-xã hội.

Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, tập huấn, tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm, tham quan mô hình giúp hội viên, nông dân thay đổi tư duy, trang bị kiến thức trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết cho biết: “Trên cơ sở Chuyên đề “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới”, Hội Nông dân các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả”.

Trong đó, nổi bật như: 04 mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao cho các hộ trồng hoa, tại các vùng chuyên canh hoa tại các xã Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Phong, huyện Hòa Vang; Các mô hình sản xuất nấm dược liệu, nấm ăn, nấm đông trùng hạ thảo tại xã Hòa Phong; 12 mô hình tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho cây rau, cây ăn quả; 10 mô hình sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ, trong đó 07 mô hình lúa, 03 mô hình trồng rau, 02 mô hình nông nghiệp gắn với phục vụ du lịch tại xã Hòa Phú và các mô hình sản xuất gắn với liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chuỗi liên kết sản phẩm OCOP, chủ lực, đặc trưng.

Nhằm nâng cao vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong tình hình mới, Hội Nông dân thành phố phối hợp với Liên minh Hợp tác xã và các ngành chức năng tổ chức 345 buổi tuyên truyền, 60 lớp tập huấn, hội thảo về Luật Hợp tác xã; tổ chức hội nghị chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tham quan đầu bờ để nông dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, triển khai chương trình OCOP; hỗ trợ giống cây trồng, vật tư nông nghiệp.

Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố đã triển khai hỗ trợ 147 dự án với 30,028 tỷ đồng cho 674 hộ vay tại các chi, tổ hội nghề nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo phương pháp hữu cơ, gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và phát triển bền vững.

Các cấp hội phối hợp vận động thành lập 48 tổ hợp tác, 11 hợp tác xã trên các lĩnh vực trồng trọt, kinh doanh dịch vụ, sản xuất, chế biến hàng nông sản.

“Các Tổ hợp tác, Hợp tác xã đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hội viên, nông dân và thu hút nông dân vào các tổ chức kinh tế tập thể”, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết đánh giá.

Cùng với việc xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, các cấp Hội kip thời củng cố Ban điều hành, hoàn chỉnh mô hình quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân theo quy định; xây dựng kế hoạch cho vay, giải ngân, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn hội viên lập dự án, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát để sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Nhờ đó nguồn vốn được bảo toàn và phát triển.

“Các nguồn vốn vay đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới; nhiều mô hình điển hình đã và đang được nhân rộng”, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết nói.

Theo thống kê, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố đạt 45,489 tỷ đồng, doanh số cho vay hơn 79,9 tỷ đồng, xây dựng được 349 dự án với 2.809 hộ vay vốn phát triển kinh tế. Tăng trưởng nguồn vốn đạt 21 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ.

Các cấp Hội chủ động phối hợp, nhận ủy thác với ngân hàng Chính sách - Xã hội, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại giúp hội viên, nông dân tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tích cực phối hợp, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp bảo lãnh, trợ giá cung cấp phân bón, cây, con giống trả chậm giúp nông dân chủ động trong sản xuất.

THANH NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác