Góp ý dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và Luật Căn cước (sửa đổi)
Đăng ngày 19-09-2023 16:36, Lượt xem: 61

Sáng 19-9, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và Luật Căn cước (sửa đổi).

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh chủ trì hội nghị

Tại hội nghị, phần lớn ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đồng thời đề nghị làm rõ thêm về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, yêu cầu thực tiễn để thuyết phục hơn về sự cần thiết ban hành Luật; rà soát nội dung của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Hòa giải ở cơ sở.

Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, hiện nay, việc bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang có tình trạng không thống nhất. Bảo vệ dân phố được bố trí thành ban, tổ trên địa bàn phường; dân phòng được bố trí thành đội, tổ ở thôn, làng, ấp, bản, đơn vị dân cư tương đương; Công an xã bán chuyên trách được bố trí theo mô hình dân phòng. Trên một địa bàn cấp xã cùng tồn tại các lực lượng quần chúng với tên gọi khác nhau như dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách và đều do UBND cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động để cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự có tính chất tương đồng, từ đó dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, chồng lấn.

“Thống nhất, kiện toàn 3 lực lượng này sẽ tạo điều kiện cho việc tập trung bảo đảm nguồn lực, cơ sở vật chất, chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tốt hơn; khắc phục hạn chế, bất cập hiện nay khi người dân rất khó phân biệt tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn, trang phục, địa bàn, phạm vi hoạt động… của các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, Phó Chủ tịch HĐND thành phố phát biểu.

Đối với dự thảo Luật Căn cước (sửa đổi), phần lớn ý kiến tập trung thảo luận về tên gọi của Luật; phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với căn cước điện tử; đối tượng áp dụng của dự thảo Luật đối với cơ quan, tổ chức; nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước…

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu tại hội nghị

Theo Phó Giám đốc Công an thành phố Phan Văn Dũng, việc đổi tên Luật Căn cước sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; việc thay đổi tên luật thành Luật Căn cước không phát sinh việc sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết khác của Quốc hội, không có tác động xáo trộn, thay đổi về mặt pháp luật.

Ông Phan Văn Dũng thống nhất giữ nguyên các quy định về căn cước điện tử trong dự thảo Luật vì phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có tính khả thi, trong bối cảnh Bộ Công an đã cấp được 53,2 triệu tài khoản định danh điện tử, cả nước có 140 triệu thuê bao điện thoại đăng ký, hạ tầng mạng viễn thông phát triển. Qua đó, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh cho biết, việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan trong việc bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Dự án Luật đã được xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10, ý kiến tham gia của các cơ quan của Đảng, Quốc hội, bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức có liên quan, kết hợp với kết quả của nhiều cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm ở nhiều cấp với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng bị tác động.

Ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp, đề xuất tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố cho biết tất cả ý kiến sẽ được tổng hợp, làm cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia góp ý vào dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và Luật Căn cước (sửa đổi) atại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác