Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong 5 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều nội dung quan trọng, Cổng Thông tin điện tử thành phố có buổi trao đổi với ông Đoàn Ngọc Hùng Anh - Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 35 thành phố về một số kết quả đã đạt được và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian đến.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 35 thành phố Đoàn Ngọc Hùng Anh
PV: Ông có thể cho biết một số kết quả thực hiện Nghị quyết 35 trên địa bàn thành phố trong 5 năm qua?
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đoàn Ngọc Hùng Anh: Trong 5 năm qua, Ban Chỉ đạo 35 thành phố Đà Nẵng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương kịp thời thông tin đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình chính trị, kinh tế - xã hội; âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Hệ thống tuyên giáo, truyền thông đã chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; kịp thời tuyên truyền, cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội; tăng cường “dòng chảy thông tin xanh” theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”; nâng cao chất lượng hiệu quả, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, đặc biệt tập trung tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế, xã hội, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thành phố; gương điển hình về người tốt, việc tốt.
Công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện đạt hiệu quả tích cực. Ban Chỉ đạo 35 các cấp chỉ đạo và duy trì hoạt động của các trang, nhóm trên Internet, mạng xã hội và tổ chức đăng tải, chia sẻ các văn bản chỉ đạo, định hướng, các bài viết, các video clip, những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt trên các trang thông tin điện tử, các, nhóm facebook, Mocha35, Zalo của các cơ quan, địa phương, đơn vị, đã có sức lan tỏa sâu rộng, kịp thời trong các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời chỉ đạo lực lượng đấu tranh phản bác, phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; lấy thông tin chính thống, chống thông tin sai lệch.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 35 thành phố chỉ đạo các thành viên, nhóm chuyên gia, cộng tác viên, nhà nghiên cứu, nhà báo, phóng viên, cán bộ, đảng viên tham gia viết bài tuyên truyền, đấu tranh phản bác, thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch theo các chủ đề, chủ điểm.
Các cơ quan báo, đài thành phố xây dựng chuyên mục, đăng tải các bài viết, video clip trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn thành phố. Đội ngũ cộng tác viên ban chỉ đạo 35 các cấp đẩy mạnh chia sẻ, đăng tải các bài viết tuyên truyền sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn cũng như đấu tranh phản bác các bài viết, thông tin sai sự thật, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, nhất là vào dịp diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và thành phố, tình hình công tác, phòng, chống dịch Covid-19.
Mặt khác, Ban Chỉ đạo 35 thành phố phối hợp các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tập trung theo dõi, phát hiện, xử lý các trường hợp sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin xấu, độc, phức tạp về chính trị và sai sự thật; phối hợp Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và các tỉnh, thành phố khác tổ chức đấu tranh với các tài khoản đăng tải các thông tin, bài viết, video có nội dung sai lệch, nhạy cảm, bôi nhọ, nói xấu lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và thành phố...
PV: Ông đánh giá như thế nào về sự tác động của mạng xã hội đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay?
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đoàn Ngọc Hùng Anh: Ngày nay, những ứng dụng trên không gian mạng như facebook, Zalo, Youtube, Instagram, Linkedin,… đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều tiện ích đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, với đặc trưng không biên giới, ranh giới giữa thực và ảo ngày càng mong manh, không gian mạng đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, khủng bố. Đó cũng còn là diễn đàn để các thành phần cơ hội chính trị, bất mãn, tự diễn biến, tự chuyển hoá sử dụng làm công cụ lôi kéo, kích động người dùng mạng xã hội trong và ngoài nước.
Đối với thành phố Đà Nẵng, trong những năm gần đây, các trang, nhóm mạng xã hội của cơ quan, địa phương, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố được thành lập và phát triển mạnh nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, nắm bắt thông tin, định hướng dư luận xã hội. Qua đó, lan tỏa thông tin tích cực, góp phần đấu tranh phòng, chống âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc.
Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hoạt động của đa số các trang mạng còn hạn chế, một số trang còn mang tính hình thức, không hoạt động thường xuyên, không mang lại hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục.
Cùng với đó, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có những hành vi, lời nói bộc lộ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, chia sẻ, bình luận trên Internet, mạng xã hội với những nội dung trái với quan điểm, đường lối của Đảng, hướng lái dư luận với những nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, tiêu cực, thậm chí xuyên tạc, đả kích, nói xấu đối với tổ chức, cá nhân các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố…
Chính vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành và quán triệt, triển khai Đề án “Tuyên tuyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm tạo bước chuyển biến tích cực, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tại thành phố Đà Nẵng.
PV: Ông có thể cho biết thêm một số nội dung về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án?
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đoàn Ngọc Hùng Anh: Về mục tiêu, đến năm 2025, xây dựng mạng lưới chuyên gia, cộng tác viên tham gia viết bài có chất lượng về lý luận và thực tiễn, có sức thuyết phục; xây dựng kho dữ liệu các bài viết tuyên truyền và phản bác quan điểm sai trái, thù địch với các chủ đề lớn để có thể biên tập, sử dụng bất cứ lúc nào. Báo, đài thành phố xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc
100% quận ủy, huyện ủy và tương đương thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; xây dựng lực lượng tổ chức đấu tranh, phản bác, tạo sự thống nhất, thông suốt, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội. 100% tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố xây dựng, vận hành trang chính thức trên mạng xã hội Vcnet, Mocha35, facebook và các trang mạng xã hội khác phù hợp theo thời điểm để cung cấp thông tin chính thống.
Đến năm 2030, 100% quận ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Thường vụ Thành đoàn chủ động xử lý được hoạt động đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội; bảo đảm tỷ lệ thông tin tích cực, trung tính đạt trên 90% lượng thông tin; tỉ lệ thông tin tiêu cực không quá 10% trên báo chí, mạng xã hội viết về thành phố
Đề án đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo, tuyên truyền cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thành phố sử dụng mạng xã hội lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ hai, phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng, lan tỏa thông tin tích cực của báo chí cách mạng. Trong đó, Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, Trang Thông tin điện tử Đảng bộ thành phố, Cổng Thông tin điện tử thành phố xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chủ động, tăng cường thông tin tích cực, định hướng dư luận xã hội, giải thích, phản bác các thông tin trái chiều, các vụ việc phát sinh trên địa bàn thành phố kịp thời đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Thứ ba, xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội tích cực, chính thống và lực lượng nòng cốt chính trị của hệ thống chính trị thành phố trên mạng xã hội.
Thứ tư, gắn hoạt động tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc trên Internet và mạng xã hội với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác xây dựng Đảng nói riêng, xây dựng hệ thống chính trị nói chung thực sự trong sạch, vững mạnh.
Thứ năm, đầu tư các giải pháp công nghệ, các biện pháp kỹ thuật phù hợp để giám sát thông tin, bắt kịp với sự phát triển của Internet, mạng xã hội.
Thứ sáu, phát huy đồng bộ vai trò của các cơ quan chức năng thành phố, cơ chế phối hợp với các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố khác trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá thông tin sai sự thật, xấu, độc trên Internet và mạng xã hội.
Thứ bảy, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng liên quan đến việc đăng phát thông tin trên Internet, mạng xã hội; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận thông tin phản ánh; xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân phát tán thông tin sai sự thật, xấu, độc trên Internet và mạng xã hội…
PV: Để công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn thành phố đi vào chiều sâu, đáp ứng các yêu cầu được đặt ra trong tình hình mới, Đà Nẵng sẽ triển khai những nội dung cụ thể như thế nào?
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đoàn Ngọc Hùng Anh: Thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn số 02-HD/BCĐTW ngày 10/10/2022 của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương về kiện toàn ban chỉ đạo 35 cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tiến hành lựa chọn những đồng chí thật sự có năng lực, bản lĩnh chính trị, trách nhiệm để tham gia vào hệ thống ban chỉ đạo 35 các cấp.
Đồng thời, xây dựng tổ chức lực lượng tác chiến trên không gian mạng bảo đảm tác chiến trong mọi điều kiện trên không gian mạng để kịp thời theo dõi, giám sát, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Cùng với đó, tăng cường công tác nắm bắt, phối hợp xử lý, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn thành phố; bảo đảm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy đảng trong công tác nắm bắt tình hình, xử lý, cung cấp thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội. Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cơ quan, địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra khủng hoảng truyền thông liên quan đến ngành, lĩnh vực và địa bàn phụ trách.
Các lực lượng chức năng của thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ trang facebook của một số đối tượng có nội dung gây dư luận trái chiều trong xã hội, tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý các hành vi vi phạm theo quy định. Tập trung đấu tranh có hiệu quả với các hành vi tội phạm trên không gian mạng; tăng cường thông tin, tuyên truyền cảnh báo cho người dân về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng.
Quán triệt, triển khai thực hiện Hướng dẫn số 99-HĐ/BTGTW ngày 20 tháng 3 năm 2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về hướng dẫn thực hiện Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội đến từng chi bộ, cán bộ, đảng viên.
Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải thường xuyên lan tỏa các thông tin tích cực bằng cách chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội của mình các bài viết trên các cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, các trang, nhóm mạng xã hội của thành phố, của địa phương, đơn vị.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
HOÀNG PHAN