Lắng nghe địa phương, tháo gỡ vướng mắc trong phân cấp, ủy quyền
Đăng ngày 29-05-2023 09:12, Lượt xem: 363

Từ ngày 1-7-2021, Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội (khóa XIV). Trên cơ sở đó, thành phố đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, các cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương. Tuy còn nhiều bất cập song thành phố đang nỗ lực tháo gỡ từng vấn đề vướng mắc, tăng tính chủ động cho các đơn vị, địa phương, tận dụng hết tính ưu việt của mô hình.

Bộ máy tổ chức gọn nhẹ, nhưng vẫn còn vướng mắc

 

Theo Nghị quyết số 119/2020/QH14, tổ chức bộ máy của thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các quận là UBND quận, không tổ chức HĐND quận. UBND quận là cơ quan hành chính Nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, chủ tịch UBND thành phố. Riêng huyện Hòa Vang vẫn tiếp tục duy trì HĐND cấp huyện, cấp xã.

Qua một thời gian thí điểm, mô hình chính quyền đô thị đã thể hiện nhiều tính ưu việt, bộ máy chính quyền thành phố được tổ chức gọn nhẹ, nhiều nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền cho các sở, ban, ngành, địa phương. Nhờ đó, cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương; góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước.


Qua một năm thí điểm, mô hình chính quyền đô thị đã thể hiện nhiều tính ưu việt, bộ máy chính quyền thành phố được tổ chức gọn nhẹ, nhiều nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền cho các sở, ban, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, thực tế triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị cùng Đề án phân cấp, ủy quyền đã bộc lộ một số vấn đề vướng mắc, hạn chế.

Khi triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị, UBND quận, phường chuyển từ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một cấp ngân sách sang thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách. Vì vậy, trong những trường hợp phát sinh nhiệm vụ chi ngoài dự toán thì các quận, phường khá lúng túng, bị động, chậm triển khai thực hiện; ngân sách thành phố phải xem xét bổ sung. Thực tế này dẫn đến khối lượng công việc của cơ quan tài chính cấp trên tăng lên so với mô hình cấp ngân sách trước đây.

Ngoài ra, khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, quyền đại diện của người dân trực tiếp thông qua đại biểu HĐND quận và HĐND phường được chuyển lên HĐND thành phố. Tuy nhiên, số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm chiếm đa số, nhiệm vụ của HĐND thành phố tăng lên đáng kể cũng ảnh hưởng đến việc xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân.

Về mặt tích cực, việc phân cấp, ủy quyền gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị giúp trả nhiệm vụ, chức năng về đúng cho cơ sở. Song, trong quá trình triển khai, một số nội dung phân cấp, do quy định của pháp luật chuyên ngành, cần phải xin ý kiến của các cơ quan Trung ương (về đầu tư, đất đai) và thực hiện quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên thời gian tham mưu ban hành quyết định quy phạm về phân cấp dài hơn so với dự kiến. Một số nội dung đã được quy định cụ thể tại đề án nhưng một số sở, ngành vẫn chậm triển khai.

Riêng đối với phân cấp quản lý đô thị có một số vấn đề phát sinh, khó khăn như công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình: tùy thuộc vào cơ quan trình thẩm định, công trình trình thẩm định thường tập trung vào một thời điểm nhất định làm khối lượng công việc tăng đột biến.


Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho biết, hiện nay các phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế hạ tầng các quận, huyện rất thiếu nhân lực

Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho biết, trong quá trình triển khai phân cấp cần có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ. Tuy nhiên, hiện nay các phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế hạ tầng các quận, huyện rất thiếu nhân lực, số cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng tại các Đội kiểm tra quy tắc đô thị có trình độ chuyên môn về xây dựng (kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng công hoặc cao đẳng xây dựng ...) chưa đảm bảo, nhất là cán bộ Lãnh đạo Đội. Bên cạnh đó, một số quận, huyện gặp khó khăn về nhân lực khi thực hiện nhiệm vụ phân cấp đô thị. Vì vậy, thành phố cần có chủ trương để đầu tư về nhân sự đảm bảo đủ nhân lực để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn cho rằng, Hòa Vang có khoảng 200 dự án nhưng không có cán bộ công chức quản lý trật tự xây dựng ở cấp xã dẫn đến câu chuyện “dự án nhiều, địa bàn rộng, quản lý không chặt”. Ngoài ra, việc thực hiện tinh giản biên chế đã dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ nhưng công việc ngày càng nhiều, không có cán bộ chuyên môn thì rất dễ xảy ra sai sót.

Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Nguyễn Hải Đường bày tỏ, mỗi năm quận thực hiện thủ tục cấp phép cả trăm giấy phép xây dựng nhưng nhân lực ở quận chỉ có 8 người. Nếu tiếp tục thực hiện tinh giảm biên chế đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức so với năm 2021 thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Qua 1 năm triển khai Đề án số 7796/ĐA-UBND về phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, có 16/18 nội dung trên 5 lĩnh vực trọng tâm hoàn thành phân cấp quản lý; 73/73 nội dung được Chủ tịch UBND thành phố ủy quyền cho các sở, ban, ngành, địa phương.

Ước tính tổng số lượng công việc các cơ quan, đơn vị nhận phân cấp, uỷ quyền quyết định hoặc phê duyệt trong năm 2022 là 7.997 hồ sơ (không tính những các nội dung tiếp nhận thông báo, báo cáo, đăng ký thông tin, không phát sinh hồ sơ đi). Ước tổng thời gian giảm của 89 nội dung phân cấp, uỷ quyền trên là 233 ngày.

Lắng nghe địa phương

Trong bối cảnh tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức so với năm 2021 thì các cơ quan, đơn vị, địa phương đều phải tích cực thực hiện các giải pháp về cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ nhân lực. Vì trên thực tế, đơn vị có khối lượng nhiệm vụ chuyên môn nói chung và nhiệm vụ phân cấp, uỷ quyền nói riêng sẽ thay đổi biến động tuỳ thời điểm do áp lực công việc.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh: “Quan điểm của thành phố là những vấn đề quận, huyện thực hiện tốt thì thành phố sẵn sàng phân cấp. Những vấn đề bảo đảm quyền lợi của nhân dân thì đơn vị, địa phương mạnh dạn thực hiện. Mục tiêu lớn nhất của phân cấp, ủy quyền là phục vụ người dân, trong đó vai trò của người đứng đầu đơn vị rất quan trọng, cùng chịu trách nhiệm với người ủy quyền. Phân cấp ủy quyền là công tác cải cách hành chính, hướng đến phục vụ người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ đúng là làm, không đùn đẩy”.


Phân cấp ủy quyền là công tác cải cách hành chính, hướng đến phục vụ người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Do đó, lãnh đạo thành phố đề nghị Sở Tài chính tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính của quận, phường, đổi mới cách thức, phương pháp để công tác điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách kịp thời, hiệu quả, nhất là thẩm quyền điều chỉnh dự toán của các cấp, các ngành trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị. Đồng thời hướng dẫn và phân bổ thêm ngân sách để các cơ quan, đơn vị tăng cường áp dụng cơ chế thuê ngoài đối với các công việc hỗ trợ, phục vụ quản lý nhà nước nhằm giảm bớt khối lượng công việc trong điều kiện tinh giản biên chế (các hoạt động khảo sát đánh giá, tư vấn, giám sát...).

Cùng với đó, người đứng đầu các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện tích cực thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ có tính chất hỗ trợ sang đơn vị sự nghiệp hoặc đơn vị ngoài công lập để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, chia sẻ các áp lực, khó khăn chung của thành phố.

UBND các quận, huyện phải chủ động rà soát thẩm quyền của mình để phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho UBND phường, xã, nhất là các công việc gắn liền với địa bàn dân cư để giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các sở, ngành tăng cường cơ chế hậu kiểm, có kế hoạch định kỳ thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cháp hành pháp luật và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền. Qua đó, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những vướng mắc, bất cập, ngăn ngừa sai phạm trong quá trình thực hiện.

Song song với đó, hiện nay, HĐND thành phố tổ chức các đoàn giám sát tình hình kinh tế - xã hội tại các phường trong bối cảnh thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Qua đó, lắng nghe, ghi nhận những thuận lợi, vướng mắc dưới cơ sở tiếp tục điều chỉnh hoạt động, tạo điều kiện cho địa phương phát triển thuận lợi, đóng góp chung vào sự phát triển thành phố.

THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác