Chuyển đổi số phải là xu thế tất yếu, khách quan, mang tính chất toàn cầu, toàn dân và toàn xã hội
Đăng ngày 26-05-2023 19:40, Lượt xem: 374

Chiều 26-5, UBND thành phố tổ chức Hội thảo chuyển đổi số “Dữ liệu số - Thách thức và định hướng”. Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh và Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Nguyễn Quang Thanh đồng chủ trì Hội thảo.

Sớm triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình

Tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Trần Ngọc Thạch đã báo cáo kết quả chuyển đổi số thành phố trong thời gian qua, kế hoạch chuyển đổi số năm 2023.

Theo đó, chủ đề chuyển đổi số của Đà Nẵng năm 2023 là “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới”. Thành phố đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện thành công chủ đề này, nhưng còn nhiều vướng mắc.

Ông Trần Ngọc Thạch cho biết, cơ chế chính sách, khung pháp lý chưa thay đổi kịp đã trở thành rào cản, điểm nghẽn trong triển khai chuyển đổi số.


Quang cảnh Hội thảo

Các hệ thống thông tin khi kết nối, chia sẻ dữ liệu cần đảm bảo nguyên tắc đồng đẳng, không phải nguyên tắc thứ bậc, áp đặt nhằm đảm bảo ổn định hệ thống của địa phương, tạo nguồn lực phát triển.

Song song đó, việc xây dựng thành phố thông minh hiệu quả cần triển khai một số mô hình mới. Tuy nhiên các mô hình này chưa có quy định cụ thể.
Đồng thời, nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan Đà Nẵng mỏng, chưa đảm bảo năng lực trong tham mưu, triển khai, vận hành các hệ thống ứng dụng thông minh.

Hội thảo cũng lắng nghe các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số đến từ các đơn vị đã tham luận, chia sẻ các nội dung trọng tâm, như: Một số nhiệm vụ chuyển đổi số theo chủ đề dữ liệu số cần triển khai tại Đà Nẵng; Chuyển đổi số lĩnh vực bảo tàng, văn hóa; Blockchain phục vụ Trung tâm tài chính số;…

Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục chuyển đổi số quốc gia, trong năm 2023, Đà Nẵng cần tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình.
“Vì vậy, Đà Nẵng phải thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả ba trụ cột ở tất cả các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số”, ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, về dữ liệu số, Đà Nẵng cần triển khai để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.


Phó Cục trưởng phụ trách Cục chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến phát biểu tại Hội thảo

Theo Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Phạm Định Phong, chuyển đổi số trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong việc bảo tồn, quảng bá, nghiên cứu và phát triển các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Đơn cử như Bảo tàng số/ Bảo tàng ảo có thể là phần mở rộng của bảo tàng vật lý sang lĩnh vực kỹ thuật số hoặc tổ chức trực tuyến được thiết kế để thu thập, nghiên cứu và trưng bày bằng chứng kỹ thuật số về con người và tự nhiên hoặc kết hợp cả hai.

Bảo tàng ảo có thể được truy cập từ mọi nơi trên thế giới, vào bất kỳ lúc nào bằng máy tính hoặc thiết bị di động. Điều này giúp những người sống xa bảo tàng hoặc những người có khả năng di chuyển hạn chế dễ dàng trải nghiệm các cuộc triển lãm và bộ sưu tập hơn.

“Các bảo tàng ảo có thể giúp bảo tồn di sản văn hóa bằng cách tạo các bản sao kỹ thuật số của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, tài liệu và các trưng bày. Điều này giúp bảo vệ những tài nguyên quý giá này khỏi bị hư hại, xuống cấp hoặc mất mát”, ông Phong chia sẻ.

Chuyển đổi số tạo không gian phát triển mới cho thành phố

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả chuyển đổi số thành phố đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, gởi lời cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp tham dự Hội thảo và có nhiều bài phát biểu, ý kiến góp ý mang tính chiến lược, khoa học, giá trị thực tế cao.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị, Sở Thông tin và Truyền thông  cùng các cơ quan tiếp thu toàn bộ các góp ý, tư vấn, đề xuất, tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, xác định thời gian hoàn thành và có kết quả, sản phẩm đầu ra.

Trong đó, chú trọng chuyển đổi số phải là xu thế tất yếu, khách quan, mang tính chất toàn cầu, toàn dân và toàn xã hội. Nếu không chuyển đổi số nhanh, mạnh, toàn diện, hiệu quả thì sẽ bị tụt hậu. Thành phố Đà Nẵng cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị, các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị chuyển đổi số mang lại; phải xác định chuyển đổi số là động lực mới, tạo ra không gian phát triển mới cho thành phố.


Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu kết luận

“Đặc biệt là thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2023, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về dữ liệu, xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng, càng chia sẻ, khai thác dùng chung thì càng tạo ra giá trị, đưa dữ liệu trở thành thành phần cốt lõi trong mọi hoạt động chỉ đạo, điều hành và ra quyết định của mỗi cơ quan, đơn vị”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nói.

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp. Hiện nay cũng chưa có mô hình kiểu mẫu, điển hình và có điều kiện, hoàn cảnh tương tự để Đà Nẵng học tập, tham khảo, nhất là trong bối cảnh thành phố đang vừa triển khai song song mô hình thành phố chuyển đổi số và mô hình chính quyền đô thị.

“Tuy nhiên, không vì khó mà không làm, không vì phức tạp mà làm chậm tiến độ và kéo lùi quá trình phát triển của thành phố. Do đó, tôi đề nghị các cơ quan, đơn vị phải có tư duy đột phá, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; phải đổi mới cách làm gắn với trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị, Sở Thông tin và Truyền thông,  Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố sớm trình, ban hành Kế hoạch quản trị và phát triển hạ tầng dữ liệu, trong đó xác định rõ mô hình quản trị dữ liệu với nguyên tắc dữ liệu số là tài sản chung của thành phố, phải được chia sẻ, khai thác, sử dụng chung.

Đồng thời, sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng hiệu quả Trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh trong tháng 6/2023 để phục vụ chỉ đạo, điều hành và ra quyết định của lãnh đạo thành phố dựa trên dữ liệu số. Các sở, ban, ngành, địa phương phải cung cấp, chia sẻ dữ liệu về Trung tâm IOC để phục vụ phân tích, khai thác, dự báo, hỗ trợ ra quyết định.  

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho rằng, chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ. Phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn; không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định, nhân lực số là yếu tố then chốt quyết định thành công của chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong bối cảnh tinh giản biên chế, khối lượng công việc ngày càng lớn, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, việc đào tạo và phát triển nhân lực số trong các cơ quan thành phố và cả cộng đồng xã hội cần được quan tâm, chú trọng.

“Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ và các cơ quan tổ chức thường xuyên các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhất là số hóa, tạo lập dữ liệu số cho cơ quan, đơn vị mình. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng chuyên sâu cho đối tượng cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin để hỗ trợ tham mưu chuyển đổi số trong ngành, địa phương mình”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nói.

THỦY THANH - KHÁNH NHI

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác