Sở Văn hóa và Thể thao phản hồi thông tin Báo Tuổi trẻ Online phản ánh tình trạng quảng cáo rao vặt sai quy định
Đăng ngày 29-03-2023 11:18, Lượt xem: 87

Ngày 24-3, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố có văn bản số 764 /SVHTT-NSVHGĐ phản hồi thông tin Báo Tuổi trẻ Online phản ánh tình trạng quảng cáo rao vặt sai quy định trên địa bàn thành phố.

Trước đó, ngày 14-8-2022, Báo Tuổi trẻ Oline có bài viết “Bùng phát rao vặt trái phép ở Đà Nẵng”, phản ánh tình trạng quảng cáo rao vặt sai quy định trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Về vấn đề này, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, hiện nay, quảng cáo rao vặt (QCRV) sai quy định là một vấn nạn nhức nhối của cả nước nói chung và ở thành phố Đà Nẵng nói riêng, làm mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc trong nhân dân.

Tại thành phố Đà Nẵng, năm 2015 và 2016, thực hiện chủ đề “Năm văn hóa, văn minh đô thị” với nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, đưa ra các nhóm hành vi trọng điểm với mục tiêu hạn chế tối đa tiến tới dứt điểm. “Quảng cáo rao vặt sai quy định” là 1 trong 3 hành vi trọng điểm đó. Tình trạng QCRV sai quy định trên địa bàn thành phố có những bước sự chuyển biến rõ rệt. QCRV các tuyến đường lớn được xử lý triệt để; các kiệt, hẻm giảm đến 90%.

Sau năm 2016, khi thành phố chủ trương không tiếp tục thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, và đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tình trạng quảng cáo rao vặt sai quy định tái xuất hiện nhiều và có chiều hướng gia tăng với các biểu hiện tinh vi hơn, khó kiểm soát; nội dung chủ yếu là quảng cáo về cho vay tiền.

Trước tình hình đó, thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo và Sở cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, xử lý nhằm hạn chế tối thiều hành vi QCRV sai quy định.

Cụ thể, về công tác tham mưu, chỉ đạo, Sở VHTT đã tham mưu UBND thành phố ban hành Công văn số 6191/UBND-SVHTT ngày 16/11/2022 về tăng cường công tác quản lý tình trạng QCRV sai quy định trên địa bàn thành phố, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, hội, đoàn, địa phương thể thực hiện những giải pháp quyết liệt từ công tác tuyên truyền đến ra quân tháo gỡ, xử lý, xử phạt, cắt số điện thoại quảng cáo rao vặt sai quy định...; trong đó giao chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm trước UBND cấp trên về tình trạng QCRV xảy ra trên địa bàn mình.

Sở cũng đã có Báo cáo số 462/BC-SVHTT gửi Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố về Quy trình xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quảng cáo rao vặt.

Trong năm 2022, Sở VHTT ban hành 03 văn bản đề nghị các quận, huyện tăng cường công tác quản lý, xử lý hành vi QCRV sai quy định: công văn số 144/SVHTT-NSVHGĐ ngày 18/01/2022; CV số 1873/SVHTT-NSVHGĐ ngày 06/7/2022 và CV số 2417/SVHTT-TT ngày 23/8/2022.

Về xử lý các hành vi vi phạm, trong năm 2022, các địa phương đã tổ chức 12 đợt ra quân tẩy xóa QCRV (quận Liên Chiều đã tổ chức 03 đợt, quận Ngũ Hành Sơn 3 đợt, quận Sơn Trà: 3 đợt, quận Hải Châu 3 đợt) với gần 1300 người tham gia (gồm cán bộ công chức, viên chức, các hội đoàn thể và nhân dân sinh sống tại khu dân cư. Tiến hành xử phạt hành chính 15 trường hợp với số tiền 6 triệu đồng. Các địa phương cũng thống kê số điện thoại vi phạm gửi Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị ngừng cung cấp dịch vụ đối với 28 số điện thoại quảng cáo, rao vặt sai pham.

Đối với các biện pháp lâu dài để khắc phục tình trạng QCRV sai quy định, tại Công văn số 6191/UBND-SVHTT ngày 16/11/2022, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương để xử lý tình trạng QCRV sai quy định.

Trong đó, Công an thành phố thực hiện các giải pháp quyết liệt với nạn tín dụng đen để qua đó hạn chế được tình trạng dán quảng cáo nội dung này. Chỉ đạo Công an các phường, xã phát huy vai trò của lực lượng tuần tra đêm được thành lập theo Quyết định 8394/QĐ-UBND ngày 09/11/2015 trong việc xử lý QCRV sai quy định, thực hiện trích xuất camera giám sát an ninh tại các tuyến đường, khu dân cư để theo dõi, truy tìm và xử lý đối tượng dán, vẽ QCRV sai quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tự giác tháo gỡ, tẩy xóa QCRV sai quy định nơi cư trú và nơi công cộng; đưa nội dung tẩy xóa QCRV vào chương trình ngoại khóa của học sinh, sinh viên.

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ và không cấp lại cho các chủ nhân có sổ thuê bao có hành vi QCRV sai quy định, triển khai việc phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có thông báo tin nhắn tuyên truyền cho chủ thuê báo có số điện thoại vi phạm về hành vi QCRV sai quy định, sau đó tiến hành cắt số điện thoại theo quy trình; Tuyên truyền và có phương án hỗ trợ cho đơn vị, cá nhân có nhu cầu quảng cáo đăng ký và tiếp nhận thông tin QCRV qua đường dây tổng đài 0263.1022 của thành phố.

UBMTTQVN thành phố, Thành đoàn Đà Nẵng và các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tích cực tham gia tháo gỡ QCRV sai quy định.

Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Quản lý và vận hành điện chiếu sáng công cộng đồng loạt ra quân thực hiện việc tẩy xóa QCRV sai quy định trên trụ đèn, trụ điện, tủ điện (như Công ty Công viên cây xanh đồng loạt thực hiện quét vôi cây xanh mỗi dịp Tết nguyên đản).

Sở Tài nguyên và Môi trưởng thông báo đến các đơn vị kinh doanh dịch vụ hút hầm cầu yêu cầu không dán, vẽ QCRV sai quy định; nếu đơn vị nào vi phạm sẽ có biện pháp xử lý khi cấp phép đổ chất thải tại các bãi rác của thành phố.

Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng QCRV sai quy định trên địa bàn thành phố để nhắc nhở các địa phương có các giải phát xử lý hiện tượng QCRV tái diễn. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc xử lý số thuê bao có hành vi QCRV sai quy định

UBND các quận, huyện chỉ đạo các UBND các phường, xã và các hội, đoàn thể địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp xử lý QCRV theo Chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tẩy, xóa QCRV sai quy định để việc tẩy xóa, tháo gỡ mẫu QCRV trở thành tự giác và thành phong trào trong toàn dân. Tuyên truyền, vận động các cơ sở thực hiện dịch vụ in, photocopy không thực hiện in, photocopy các sản phẩm QCRV.

Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường lập đường dây nóng nhận thông tin phản ảnh của nhân dân trên địa về QCRV; Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng 8394 trong việc kết hợp tuần tra đêm phát hiện, xử lý các đối tượng dán QCRV sai quy định; Căn cứ tình hình thực tế của địa phương có chế độ thưởng nóng cho các lực lượng và cá nhân, người dân trong việc phát hiện, tố giác, xử lý đối tượng QCRV sai quy định.

Đưa công tác quản lý QCRV sai quy định vào tiêu chí thi đua hàng quý đối với các phường, xã trên địa bàn thành phố;

Chỉ đạo các đơn vị liên quan có giải pháp truy tìm tận gốc và xử lý chủ cơ sở thực hiện sản phẩm QCRV sai quy định. Thực hiện xử phạt theo quy định của Nghị định 28/2017/NĐ-CP về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013.

Chỉ đạo UBND các phường, xã định kỳ thực hiện tháo gỡ, tẩy xóa QCRV sai quy định; đồng thời tích cực đề xuất Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện ngừng cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao QCRV sai quy định. Ra soát, quản lý và sử dụng có hiệu quả các bảng QCRV miễn phí do địa phương quản lý.

Với những giải pháp đồng bộ trên, trong thời gian tới, tình trạng QCRV sai quy định trên địa bàn thành phố sẽ được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, đây là một vấn nạn lâu dài chung của xã hội, chúng ta chỉ có thể hạn chế ở mức tối đa chứ khó có thể xóa bỏ triệt để.

CỔNG TTĐT TP

File đính kèm
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác