Bảo vệ sông Cu Đê - Bảo vệ nguồn nước của thành phố
Đăng ngày 22-03-2023 14:16, Lượt xem: 479

Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2023, chiều 21-3, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chung tay hành động bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Cu Đê” tại xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Quang Vinh và Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng.

Hội thảo khoa học “Chung tay hành động bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Cu Đê” tại xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang

Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, đại diện chính quyền địa phương, đại diện cộng đồng dân cư và các nhà khoa học chia sẻ, đóng góp các kiến thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết nhằm thu hút, kêu gọi, thúc đẩy sự chung tay hành động bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Cu Đê; đồng thời, đóng góp ý kiến đối với Kế hoạch hành động bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Cu Đê, đặc biệt là trên đoạn sông khai thác nước phục vụ cấp nước sinh hoạt.

Thách thức đặt ra trong việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sông Cu Đê

Nằm ở phía Bắc thành phố, chảy từ Tây sang Đông qua xã Hòa Bắc, Hòa Liên và phường Hòa Hiệp, với diện tích lưu vực tính đến cửa sông khoảng 417,2 km2, sông Vu Gia được xác định là nguồn nước vô cùng quan trọng, có thể khai thác để đáp ứng lên đến 40% nhu cầu dùng nước trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng, tầm nhìn đến năm 2050, tương ứng 400.000 m3/ngày đêm. Trong chiến lược phát triển và đảm bảo an ninh nguồn nước, hồ sông Bắc phía thượng nguồn sông Cu Đê được tính toán thiết kế với dung tích hữu ích lên đến 50 triệu m3, đóng vai trò là kho báu dự trữ nước chiến lược của thành phố Đà Nẵng.

Việc phát triển nguồn nước sông Cu Đê sẽ giúp Đà Nẵng giảm phụ thuộc vào nguồn nước sông Vu Gia, hiện đang chiếm khoảng 95% tổng nhu cầu dùng nước của thành phố Đà Nẵng. Điều này đồng nghĩa với việc Đà Nẵng sẽ giảm đối mặt với các thách thức liên quan đến hạn hán, xâm nhập mặn, vận hành của các nhà máy thuỷ điện trên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, việc các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… tham gia vào việc điều chỉnh thời gian phát điện xả nước về hạ du của các nhà máy thuỷ điện và ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động phát triển kinh tế xã hội trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Có thể nói, một trong những yếu tố đầu tiên tác động đến chất lượng nguồn nước lưu vực sông Cu Đê là hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn xã Hòa Bắc. Theo đó, hoạt động canh tác nông nghiệp sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật đã tác động, gây ô nhiễm nguồn nước từ tồn dư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; hoạt động chăn nuôi ở các hộ gia đình phân tán ở các thôn chưa đảm bảo về điều kiện môi trường, chuồng trại không có hệ thống xử lý, lượng xả thải gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.

Cùng với đó, việc khai thác rừng trồng, đốt thực bì tại vùng đầu nguồn, canh tác tự do trên đất dốc của người dân địa phương làm tăng sự rửa trôi, xói mòn đất, làm thay đổi độ che phủ rừng, đặc biệt là chất lượng lớp phủ rừng (độ tán che). Đây là yếu tố có ảnh hưởng khá lớn đến khả năng điều tiết dòng chảy mặt, thời gian truyền lũ, mức độ chuyển tải vật liệu vào sông suối và đồng bằng hạ lưu. Hoạt động này cũng có thể làm tăng khả năng cuốn trôi bùn cát và các thành phần ô nhiễm khác gây bồi lắng lòng hồ và ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.

Hiện nay, trên địa bàn xã Hòa Bắc bắt đầu phát triển các loại hình du lịch dã ngoại, thưởng ngoạn phong cảnh, vui chơi giải trí nhỏ lẻ dọc theo các sông suối tại thượng lưu sông Cu Đê; nếu không sớm có giải pháp quản lý tốt nguồn thải từ hoạt động này thì đây có thể sẽ là một trong các yếu tố gây tác động đến chất lượng nguồn nước khu vực khai thác. Ngoài ra, hoạt động xây dựng, giao thông, khai khoáng trên địa bàn huyện Hòa Vang nói chung, xã Hòa Bắc trong những năm gần đây cũng là yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước vực sông Cu Đê.

Tập huấn tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang

Đặc biệt, tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông gây nên tình trạng cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô diễn ra với tần suất ngày càng cao cho thấy tầm quan trọng của việc tìm ra giải pháp bảo vệ nguồn nước từ thượng nguồn sông Vu Gia, cả về số lượng và chất lượng nguồn nước, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, diễn biến khôn lường.

Chung tay hành động

Hiện nay, để đảm bảo ưu tiên cao nhất cho mục đích cấp nước sinh hoạt, Đà Nẵng đã lập bản đồ xác định phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực cấp nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt trên sông Cu Đê. Theo đó, trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực cấp nước sinh hoạt, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động có ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường và thực hiện các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ an toàn hồ chứa nước và các quy khác có liên quan. Đặc biệt, đối với cơ sở đang hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước phải có giải pháp để khắc phục hoặc sẽ bị chấm dứt hoạt động để đảm bảo ưu tiên cao nhất cho vấn đề bảo vệ an toàn, an ninh nguồn nước.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng Lương Thạch Vỹ cho biết, dự án Nhà máy nước Hòa Liên có tổng mức đầu tư 1.170 tỷ đồng, nhằm mục đích khai thác nước thô với công suất trong giai đoạn 1 là 120.000m³/ngày sử dụng 100% nguồn nước tại sông Cu Đê và dự kiến trong thời gian sắp tới, giai đoạn 2 sẽ nâng công suất lên 240.000m³/ngày. Để bảo vệ chất lượng nguồn nước sông Cu Đê, Ban Quản lý Đã tổ chức xác định và cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước (110 mốc), và tổ chức họp phổ biến cho người dân trong khu vực hành lang bảo vệ được biết và tuân thủ các quy định về bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, tổ chức lập, xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình các giải pháp về xử lý nước thải, bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông Cu Đê.

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng, để giảm sự bồi lắng lòng hồ, tăng tuổi thọ công trình cũng như đảm bảo chất lượng nước trên lưu vực sông Cu Đê, Ban quản lý đã đề xuất với cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch thực hiện gia cố các khu vực dễ xảy ra sạc lở, thực hiện vệ sinh, nạo vét lòng hồ định kỳ để duy trì, đảm bảo dung tích hồ; tăng cường công tác quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường lưu vực sông Cu Đê; đồng thời đề xuất chính quyền địa phương nghiên cứu, có kế hoạch phục hồi, tái tạo rừng tự nhiên, tăng diện tích đất trồng cây lâu năm nhằm giảm thiểu nguy cơ sạt lở, xói mòn trên lưu vực sông khi người dân thu hoạch đồng loạt cây sản xuất trên một khu vực lớn.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Huỳnh Vạn Thắng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho rằng, trong bối cảnh Đà Nẵng nói riêng và các địa phương nói chung đang còn hạn chế về nguồn lực về con người, thiết bị, kỹ thuật để đầu tư các hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm về tài nguyên nước, giám sát việc xả thải, giám sát, cảnh báo chất lượng nước thì việc huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư, sự chung tay của mỗi tổ chức, cá nhân trong vào việc bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Cu Đê là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Theo đó, ông Huỳnh Vạn Thắng đề xuất thành phố khẩn trương thành lập các nhóm, tổ cộng đồng dân cư bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê, trong đó trọng tâm tại khu vực vùng bảo hộ vệ sinh khu khu vực cấp nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt trên sông Cu Đê; xây dựng Quy chế phối hợp bảo vệ chất lượng nguồn nước sông Cu Đê và giám sát các các nguồn thải nguy hại có thể phát sinh từ hoạt động khai thác vàng trái phép phía thượng lưu. Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông về tài nguyên nước cho người dân bản địa để biết giá trị của nguồn nước sông Cu Đê; thực hiện giám sát chặt chẽ việc xả chất thải từ các hoạt động dã ngoại, du lịch sinh thái đang phát triển khá sôi động trên phía thượng lưu đập Nam Mỹ trong thời gian qua.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, trong mô hình cộng đồng dân cư bảo vệ tài nguyên nước, đại diện cộng đồng dân cư và các đơn vị khai thác, sử dụng tài nguyên nước là các đối tượng trọng tâm. Trong đó, các đơn vị khai thác, sử dụng tài nguyên nước sẽ gắn kết chặt chẽ với cộng đồng dân cư trong việc thực thi vai trò trách nhiệm của mình về bảo vệ tài nguyên nước thông qua các hoạt động như: công khai thông tin về kế hoạch, phương án khai thác tài nguyên nước, chất lượng nguồn nước; hỗ trợ và gắn kết các hoạt động bảo vệ nguồn nước thông qua tài trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước tại địa phương.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực và công khai thông tin để cộng đồng thực thi hiệu quả quyền giám sát chất lượng nước, các hoạt động xả thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, thúc đẩy du lịch sông nước gắn với công tác giáo dục, tuyên truyền bảo vệ tài nguyên nước và du lịch có trách nhiệm; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông bảo vệ tài nguyên nước và bảo vệ rừng đầu nguồn.

“Cộng đồng dân cư còn phát huy quyền và trách nhiệm, vai trò của mình thông qua việc đề xuất, phản ảnh ý kiến của mình đối với các đơn vị khai thác, sử dụng nước, chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông, các tổ chức phi chính phủ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên nước; thúc đẩy việc thực thi các hoạt động bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư một cách thiết thực, hiệu quả”, ông Huỳnh Vạn Thắng chia sẻ.

Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả các giải pháp bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê thì trước hết, các cấp chính quyền cũng như người dân cần phải đặt sông Cu Để vào vị trí đúng với tiềm năng và vai trò quan trọng đối với vấn đề an ninh nguồn nước của thành phố. “Xác định trách nhiệm của Hòa Vang trong việc bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê, hiện nay, một trong 5 tiêu chí xây dựng “5 có” của huyện là “người dân có trách nhiệm bảo vệ rừng và bảo vệ nguồn nước” với nhiều giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân”, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho hay.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác