Tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố
Đăng ngày 20-03-2023 16:29, Lượt xem: 348

UBND thành phố vừa ban hành Công văn số 956/UBND-CATP ngày 7-3-2023 yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố, với mục tiêu kiềm chế số vụ cháy, nổ làm giảm số người chết và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, không để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản do yếu tố chủ quan.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch số 3034/KH-UBND ngày 11-5-2020 triển khai thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14; Công văn số 3985/UBND-CATP ngày 21-7-2022 về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) để tỉếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 27-10-2021 về việc thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015; Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 3-10-2022 về tăng cường công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH); Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 13-2-203 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTG ngày 3-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế thiếu sót trong công tác PCCC và CNCH. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra liên ngành nhất là tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao. Kịp thời phát hiện những tồn tại thiếu sót để kiến nghị khắc phục, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm không bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC. Hướng dẫn, đôn đốc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở phải thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC và CNCH nhất là trong việc quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện, các chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ; chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH phù hợp quy mô, tính chất hoạt động của đơn vị, cơ sở theo quy định.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện có trách nhiệm bố trí nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác PCCC và CNCH trong dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn và hằng năm. Ưu tiên bố trí kinh phí tập huấn, trang bị phương tiện và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng. Quan tâm hỗ trợ đầu tư kinh phí cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH để xây dựng, cải tạo và sửa chữa trụ sở làm việc, trang bị, bảo dưỡng, sữa chữa, hiện đại hoá phương tiện PCCC và CNCH nhằm đáp ứng khả năng chữa cháy và CNCH, đặc biệt là chữa cháy đối với loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, gây thiệt hại nghiêm trọng như: cháy nhà cao tầng, cháy trên sông, cháy hoá chất...

UBND thành phố giao Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng, phối hợp với Công an thành phố trong công tác thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng gắn với thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; không cấp phép xây dựng và không chấp nhận kết quả nghiệm thu để đưa vào sử dụng đối với công trình, hạng mục công trình thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC mà chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định; không để phát sinh các cơ sở, công trình xây dựng đưa vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH.

Đồng thời, chủ trì, theo dõi việc xây dựng, lắp đặt và kiểm tra, rà soát tổ chức duy tu, sửa chữa kịp thời thường xuyên hệ thống trụ nước chữa cháy, các bể chứa, hố thu, bến lấy nước đảm bảo đáp ứng yêu cầu cấp nước chữa cháy theo quy định. Xây dựng phương án phòng chống, ngập úng; phương án ứng phó sự cố động đất, sập đổ nhà, công trình xây dựng.

Công an thành phố có nhiệm vụ tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện tham mưu UBND thành phố trong việc triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH; trong đó, tổ chức rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế chính sách, có văn bản phân công rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố, có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện và chế tài xử lý trách nhiệm.

UBND thành phố đề nghị Công an thành phố công khai các dự án, công trình không chấp hành quy định về PCCC và CNCH trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia giám sát. Mặt khác, chủ trì, phối hợp các cấp, ngành, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo, đài thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH bằng nhiều hình thức phong phú. Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng phong trào toàn dân PCCC, kịp thời thông tin đăng tải về tấm gương dũng cảm của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, quần chúng nhân dân trong công tác PCCC và CNCH sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tính mạng tài sản của nhà nước và nhân dân.

UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan nghiêm túc triển khai và báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố, qua Công an thành phố, trước ngày 30-8-2023. Đồng thời, giao Công an thành phố theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả về UBND thành phố và Bộ Công an theo quy định.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác