Khai mạc Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam”
Đăng ngày 28-11-2022 15:40, Lượt xem: 258

Sáng 28-11, Bộ Thể thao Văn hoá và Du lịch, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp Sở Văn hoá và Thể thao thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức khai mạc Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam”. Triển lãm diễn ra từ ngày 28-11 đến hết ngày 4-12. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến.

Nghi thức cắt băng khai mạc Triển lãm

Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam” nằm trong kế hoạch thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy Nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Tại Triển lãm trưng bày hơn 100 sản phẩm và bộ sản phẩm sơn mài đặc sắc, được tuyển chọn từ hơn 300 sản phẩm, bộ sản phẩm sơn mài của nhiều họa sĩ, nghệ nhân và các hội viên làng nghề trong cả nước. 


Các đại biểu tham quan triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam”

Các sản phẩm tham gia triển lãm được lựa chọn từ các làng nghề truyền thống, là sản phẩm tiêu biểu của các nghệ sĩ sơn mài, những người đã và đang thể nghiệm những kỹ thuật mới, chất liệu mới trong sáng tạo sản phẩm. Mục tiêu của triển lãm là góp phần bảo vệ những giá trị cốt lõi của mỹ thuật truyền thống, cũng như quảng bá rộng rãi đến công chúng trong nước và trên thị trường quốc tế.

Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam”  là hoạt động nằm trong Đề án quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”

Nghề sơn cổ truyền của Việt Nam được hình thành và phát triển từ thế kỷ XV-XVI. Với kỹ thuật pha chế sơn bằng phương pháp thủ công của phường thợ, nghệ nhân xưa đã tạo ra chất liệu màu có đặc tính độc đáo, quyến rũ. Khi Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu và đặc biệt dùng kỹ thuật mài để tạo nên nghệ thuật sơn mài độc đáo. Thuật ngữ sơn mài cũng xuất hiện từ đó.

Đa số các sản phẩm sơn mài sử dụng các vật liệu truyền thông như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính; cùng với các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trứng, vỏ trai... Các sản phẩm trưng bày trong triển lãm rất phong phú, đa dạng về hình thức và cách thức thể hiện; mang tính thẩm mỹ cao, thể hiện sự tỉ mỉ, tinh xảo của sơn mài Việt Nam.

Các sản phẩm sơn mài thể hiện giá trị thẩm mỹ đặc biệt, vẻ đẹp kỳ diệu ẩn sâu dưới lớp sơn vừa sang trọng, vừa lộng lẫy vừa đằm thắm tinh tế

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam” là hoạt động ý nghĩa để giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật sơn mài trong nước và nước ngoài được tiếp cận, thưởng lãm. Từ đó, phát huy sự sáng tạo, quảng bá thương hiệu và giá trị của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, xây dựng nền công nghiệp văn hoá.

"Triển lãm nhằm đẩy mạnh giao lưu, quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua việc giới thiệu các sản phẩm tác phẩm sơn mài Việt Nam. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề, nghệ sĩ, nghệ nhân chế tác, sáng tác các sản phẩm, tác phẩm sơn mài trở thành những sản phẩm hàng hoá tiêu thụ ở trong nước và quốc tế," Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nói.

Sơn mài của Việt Nam có đặc điểm riêng biệt với các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… từ sơn thếp đến sơn phủ, khảm trai và những kỹ thuật khác

Từ những giá trị truyền thống độc đáo, nghệ thuật sơn mài được xác định là một trong những lĩnh vực trọng tâm nằm trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hơn 100 sản phẩm sơn mài độc đáo giới thiệu tại Triển lãm “Sản phẩm Sơn mài Việt Nam”, tạo tiền đề trong hành trình khẳng định thương hiệu "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" trên thị trường thủ công mỹ nghệ quốc tế

Triển lãm “Sản phẩm Sơn mài Việt Nam” là bước mở đầu trong đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” đến năm 2030. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, phát triển văn hoá, quảng bá đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế qua các hoạt động giao lưu nghệ thuật, trao đổi tác phẩm, sản phẩm văn hoá.

Song song với đó, hỗ trợ phát triển vùng trồng cây sơn ở Phú Thọ và các vùng, làng nghề làm nguyên vật liệu để chế tác sơn mài, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội về vị trí, vai trò cây sơn; tiếp thêm niềm đam mê sáng tác các sản phẩm sơn mài truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa của nghệ thuật tạo hình Việt Nam trong giai đoạn mới.

KIM PHƯỢNG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác