Kết quả đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện năm 2021
Đăng ngày 23-11-2022 16:16, Lượt xem: 905

Ngày 22-11, UBND thành phố ban hành văn bản số 6733/UBND-TTTP về kết quả đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện năm 2021, đề nghị trên cơ sở kết quả đánh giá, các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, có biện pháp chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại, tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp PCTN để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác này.

Công tác đánh giá phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện được triển khai theo Quyết định số 1159/QĐ-UBND ngày 28/4/2022 của Chủ tịch UBND thành phố về việc ban hành Bộ chỉ số và Tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác PCTN cấp sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện thành phố Đà Nẵng. Ngày 04/11/2022, Hội đồng thẩm định đã ban hành Báo cáo số 111/BC-HĐTĐ về kết quả đánh giá công tác PCTN cấp sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện thành phố Đà Nẵng năm 2021.

Qua thẩm tra, rà soát công tác đánh giá PCTN năm 2021 cho thấy các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều cố gắng trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCTN, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, góp phần quan trọng vào nỗ lực chung của thành phố trong công tác PCTN. Nhận thức về công tác PCTN của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng được nâng cao và chú trọng hơn, thể hiện qua sự quan tâm chỉ đạo đối với công tác này ở các khâu như: xây dựng kế hoạch thực hiện công tác PCTN hằng năm; các nội dung về công khai minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác; việc minh bạch tài sản, thu nhập được thực hiện khá nghiêm túc; sự phối hợp tích cực của các đơn vị trong việc cung cấp tài liệu chứng minh trong quá trình đánh giá công tác PCTN cũng góp phần giúp việc đánh giá hoàn thiện hơn.

Một số đơn vị đã chủ động và thống nhất trong việc ban hành các chương trình, kế hoạch PCTN hàng năm; trong việc biên soạn, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin báo cáo về PCTN.

Tuy nhiên, công tác PCTN cấp sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện thành phố năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: một số đơn vị chưa ban hành kế hoạch PCTN năm và các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện những nội dung khác có liên quan đến công tác PCTN; công tác thông tin báo cáo về PCTN tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn chưa đầy đủ và kịp thời; việc thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương trong một số lĩnh vực vẫn chưa bảo đảm yêu cầu; việc phát hiện tham nhũng vẫn chủ yếu qua công tác điều tra, truy tố và xét xử; việc xử lý hành vi tham nhũng tại các sở, ngành còn có sự e dè, chưa quyết liệt; thu hồi tài sản tham nhũng cũng là khâu yếu trong công tác PCTN.

Để công tác PCTN hằng năm đạt chất lượng, hiệu quả và thực chất, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị trên cơ sở kết quả đánh giá công tác PCTN năm 2021, các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, có biện pháp chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại, tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp PCTN để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác này tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

* Cụ thể, trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách về PCTN: các đơn vị, địa phương tập trung rà soát, tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác PCTN cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ, tình hình cụ thể tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình trên cơ sở văn bản triển khai của Thành ủy, Ban chỉ đạo về PCTN, tiêu cực các cấp, UBND thành phố và cơ quan tham mưu công tác quản lý nhà nước về PCTN trên địa bàn thành phố.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiên nghiêm việc tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân 2013; Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân và kiểm tra, đôn đốc việc xử lý sau tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Đồng thời, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về công tác PCTN theo đúng quy định tại Quyết định số 2206/QĐ-UBND ngày 25/6/2021 của UBND thành phố.

Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, chỉ đạo để nâng cao chất lượng báo cáo, các biểu mẫu cần được xây dựng đầy đủ thông tin, chính xác, kịp thời. Đội ngũ CBCCVC tham mưu tổng hợp báo cáo tại cơ quan, đơn vị, địa phương cần đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ, chuyên môn, nắm vững các quy định của pháp luật về PCTN, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo với cấp trên; có ý thức tích lũy thông tin ngay từ triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác PCTN, đồng thời có phương pháp thu thập, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác PCTN của chính cơ quan, đơn vị, địa phương mình và yêu cầu đột xuất của cấp trên.

*Trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa: Các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa theo quy định của Luật PCTN năm 2018 gồm: Thực hiện tốt việc công khai minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo cụ thể hóa bằng văn bản triển khai phù hợp với thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong việc thực hiện: kiểm soát xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện và tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Quán triệt, chỉ đạo CBCCVC thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, việc ban hành làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với CBCCVC trong khi thực thi nhiệm vụ công vụ, bảo đảm ngăn chặn tình trạng lạ dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doan nghiệp trong thực thi công vụ.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của CBCCVC với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực để theo dõi, giám sát thường xuyên.

Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của CBCCVC để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện đầy đủ các giải pháp tại Kế hoạch số 6466/KH-UBND ngày 24/9/2020 của UBND thành phố.

*Trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng: Các đơn vị thường xuyên chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của CBCCVC trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và CBCCVC khác do mình quản lý, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng; đồng thời thường xuyên đôn đốc người đứng đầu đơn vị trực thuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của CBCCVC do mình quản lý.

Chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng nể nang, xử lý không nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị để khuyến khích mọi người tham gia phát hiện hành vi tham nhũng; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động, tạo điều kiện để mọi người tham gia phát hiện hành vi tham nhũng;

Thực hiện thường xuyên, nghiêm túc trong công tác thanh tra việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ CBCCVC, nhất là những lĩnh vực liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra sai phạm để chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Quá trình thanh tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng thì cơ quan, đơn vị, địa phương phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định, không chờ đến khi kết thúc quá trình thanh tra mới chuyển hồ sơ vụ việc.

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư tố cáo qua đó để giải quyết những tâm tư nguyện vọng của người dân, nắm được thông tin quan trọng trong phát hiện tham nhũng. Phân loại, theo dõi riêng đối với đơn thư, phản ánh có nội dung tố cáo ngay từ khâu tiếp nhận và quá trình giải quyết để có cơ sở so sánh kết quả giải quyết đối với các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Cùng với đó, các đơn vị chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, TC; xem xét, xử lý kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp và người dân do Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên yêu cầu; phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông tham gia giám sát việc thực hiện công tác PCTN, TC theo quy định của pháp luật.

Sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, các cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét, xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và Điều lệ Đảng hoặc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền quản lý CBCCVC và tổ chức Đảng để xem xét, xử lý kỷ luật theo đúng quy định.

Thanh tra sở, ngành, quận, huyện làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân cùng cấp trong việc theo dõi tiến độ, kết quả xử lý, giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng. Qua đó, cơ quan Thanh tra kiến nghị, tham mưu, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật hoặc báo cáo để cấp có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu có trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới để xảy ra tham nhũng.

Quá trình thanh tra, kiểm tra và giải quyết tố cáo tham nhũng, sử dụng kịp thời biện pháp hành chính để thu hồi ngay tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tham nhũng gây ra.

Đồng thời, văn bản kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, làm cơ sở để xử lý thu hồi tiền.

Các đơn vị, địa phương lưu ý thực hiện tốt cơ chế giám sát, xử lý sau thanh tra gắn liền với hoạt động giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc thu hồi tài sản tại các vụ án tham nhũng.

* Về việc đánh giá công tác PCTN hằng năm: Các cơ quan, đơn vị, địa phương khi thực hiện tự đánh giá phải tổ chức rà soát, đánh giá lại các nội dung liên quan đến công tác PCTN đã triển khai; có phương án phân công bộ phận đầu mối chủ trì, các bộ phận tham gia phối hợp để báo cáo và cung cấp thông tin tài liệu kịp thời, chính xác. Bố trí cán bộ có kinh nghiệm, nắm được tình hình triển khai công tác PCTN để giao nhiệm vụ thực hiện công tác lập hồ sơ đánh giá cũng như có sự phối hợp tốt với thành viên trực tiếp thẩm tra để có thể nắm vững cách thức chấm điểm.

 UBND thành phố giao Thanh tra thành phố thông báo kết quả đánh giá đến từng sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố, trong đó nêu rõ các tiêu chí không có điểm, điểm thấp, các tồn tại do nguyên nhân chủ quan; đồng thời, thông tin kết quả đánh giá đến cấp ủy của các cơ quan, đơn vị, địa phương và HĐND địa phương để chỉ đạo, theo dõi, giám sát. 

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung các tiêu chí mới do Thanh tra Chính phủ ban hành, điều chỉnh một số tiêu chí thành phần trong Bộ Chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện ban hành theo Quyết định số 1159/QĐ-UBND ngày 28/4/2022 của Chủ tịch UBND thành phố cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, địa phương được đánh giá nhưng vẫn bám sát các quy định của pháp luật về PCTN.

THANH NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác