Tập huấn nghiệp vụ công tác cải cách tư pháp
Đăng ngày 04-11-2022 17:53, Lượt xem: 182

Sáng 4-11, Ban Nội chính Thành ủy tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác cải cách tư pháp, với sự tham dự của các cán bộ thuộc Toà án, Cục thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát và đơn vị sở ngành, đoàn thể, địa phương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Trần Thị Kim Oanh nhấn mạnh quá trình cải cách tư pháp trong những năm qua đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực tư pháp. Hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động tư pháp tương đối đầy đủ, đồng bộ, cơ bản đã thể chế hoá các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp.

Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều hoạt động bổ trợ tư pháp được xã hội hoá, đạt kết quả tích cực, hợp tác quốc tế về tư pháp được mở rộng. Nền tư pháp có bước phát triển quan trọng, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.


Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Trần Thị Kim Oanh phát biểu

Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, bổ trợ tư pháp và tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp vẫn thiếu đồng bộ, chưa sát thực tiễn. Hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử, thì hành án có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn xây ra oan đai, bỏ lọt tội phạm. Chuyên gia đầu ngành còn ít, hợp tác quốc tế về tư pháp hiệu quả chưa cao. 

Tại hội nghị tập huấn, các đại biểu tập trung trình bày những vấn đề cơ bản về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng liên quan đến công tác nội chính, cải cách tư pháp; sự lãnh đạo của cấp ủy đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.

Theo Vụ trưởng Vụ cải cách Tư pháp, Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Cảnh Lam, các quốc gia trên thế giới luôn chú trọng đổi mới về nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp. Trong đó, xác định cải cách tư pháp là hoạt động cần được tiến hành cùng với cải cách hành chính, cải cách pháp luật và cải cách kinh tế. Mục tiêu chung là xây dựng tư  pháp độc lập, tiến bộ, mình bạch, khách quan, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.

Bên cạnh tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy và cải cách thủ tục xét xử, nâng cao chất lượng hoạt động của toà án, việc mở rộng nguồn thẩm phán là xử hướng cải cách đang được các quốc gia trên thế giới thực hiện. Các thẩm phán thường được bổ nhiệm từ các luật sư có kinh nghiệm, uy tín và vào ngành toà án thông qua thi tuyển chặt chẽ.

Toàn cảnh hội nghị tập huấn

Để phục vụ mục đích truy tố chính xác, đúng pháp luật, các nước chú trọng cải cách hoạt động công tố theo hướng cơ quan công tố phải nắm được toàn bộ tiến trình điều tra vụ án để bảo đảm quá trình điều tra toàn diện, khách quan, tuân thủ đúng trình tự luật định, bảo đảm quyền con người. Do đó, cơ quan điều tra và cơ quan công tố thực hiện chức năng nhiệm vụ một cách độc lập nhưng mối quan hệ điều tra và công tố là quan hệ chế ước, phối hợp, gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Xu hướng cải cách tư pháp ở nhiều nước trên thế giới còn tập trung vào cải cách công tác quản lý, đào tạo, bổ nhiệm, giám sát. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp. Cán bộ tư pháp phải vô tư, liêm chính, không thiên vị, tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng của người dân và thích ứng với xu hướng toàn cầu hoá.

Song song với nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong thời gian tới, công tác cải cách tư pháp sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ: hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với cơ quan tư pháp.

KIM PHƯỢNG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác