Tuổi trẻ Đà Nẵng chung tay thực hiện chuyển đổi số: Bài 2: Hiệu quả từ các hoạt động chuyển đổi số trong công tác Đoàn
Đăng ngày 23-10-2022 17:51, Lượt xem: 544

Với phương châm “Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực”, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn cơ sở đã sáng tạo, triển khai nhiều mô hình, hoạt động nhằm lan tỏa tinh thần số trong cộng đồng dân cư, cùng hệ thống chính quyền đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Với phương châm “Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực”, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn cơ sở đã sáng tạo, triển khai nhiều mô hình, hoạt động nhằm lan tỏa tinh thần số trong cộng đồng dân cư, cùng hệ thống chính quyền đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Phát huy vai trò chủ động, nòng cốt thanh niên trong tham gia chuyển đổi số toàn diện gắn với nhiệm vụ chuyên môn, các cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trẻ thành phố không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, triển khai nhiều cách làm hay trong cải cách hành chính, gắn “Cuộc Vận động 03 hơn” (Nhanh hơn – Hợp lý hơn – Thân thiện hơn) với việc triển khai “Công cuộc chuyển đổi số”.

Anh Vũ Thanh Nguyên - Bí thư Chi đoàn Sở Nội vụ thành phố cho biết, thông qua Cuộc vận động “3 hơn”, có 899 thủ tục được thực hiện nhanh hơn với tổng số 392.649 hồ sơ giao dịch hành chính, ước tiết kiệm được cho công dân, tổ chức 312.063 ngày làm việc.

Trong đó, liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị đã triển khai 147 thủ tục hành chính với tổng số 26.564 hồ sơ giao dịch hành chính; ước tính tiết kiệm chi phí và khoảng 28.022 ngày làm việc cho doanh nghiệp.

Từ Cuộc vận động, nhiều mô hình hay, cách làm mới được triển khai tại các cơ quan, đơn vị, tạo sức lan tỏa rộng lớn tích cực, nâng cao đáng kể mức độ hài lòng của công dân, tổ chức đối với chất lượng cung ứng dịch vụ công cũng như công tác tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

“Cuộc vận động “3 hơn” đã góp phần vào việc đơn giản hóa, hợp lý hóa, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho cả đơn vị giải quyết và công dân, tổ chức tham gia giao dịch; tạo nên một bước đổi mới trong cải cách hành chính với cách làm và thiết thực, tiết kiệm về thời gian, chi phí trong thực thi công vụ và phục vụ người dân”, anh Vũ Thanh Nguyên đánh giá.

Có thể nói, việc phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ chỉ thực sự có hiệu quả trên cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về nhiệm vụ và trách nhiệm của đoàn viên là CBCCVC trẻ.

Với việc gắn các phong trào Đoàn với hoạt động cải cách hành chính nhà nước, mỗi đoàn viên có thể trau dồi kiến thức, kỹ năng, hoàn thiện hơn về thái độ thực thi công vụ, đổi mới phong cách làm việc, ứng xử, giao tiếp, biết vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phương thức quản lý vào thực tiễn công việc, mang đến sự hài lòng cho người dân.

Đồng thời, qua đó xây dựng được một đội ngũ CBCCVC là những đoàn viên vừa hồng, vừa chuyên, có tâm, có tầm; góp phần xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, một thành phố Đà Nẵng năng động và phát triển toàn diện.

Hơn 2 tháng nay, bạn Đoàn Thị Thái Bình (trú phường Nam Dương, quận Hải Châu) cùng các đoàn viên tham gia hướng dẫn, hỗ trợ người dân tạo tài khoản số và thực hiện các thủ tục hành chính. Đây là các hoạt động của đoàn viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng và thực hiện mô hình “Ngày thứ 7 tình nguyện”.

“Mình cảm thấy công việc này rất ý nghĩa, giúp người dân giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi khi thực hiện các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, mỗi lần tham gia tuyên truyền tại khu dân cư hay thực hành các thao tác trên các phần mềm, ứng dụng là thêm một lần mình được tiếp cận được các dịch vụ tiện ích, hiểu rõ hơn về chuyển đổi số”, Thái Bình bày tỏ.

Với Thái Bình và các bạn đoàn viên thanh niên, sự hài lòng, nụ cười hay những lời “Cảm ơn” của người dân chính là nguồn động viên thiết thực nhất để các bạn tiếp tục “sứ mệnh” lan tỏa tinh thần số trong cộng đồng dân cư, cùng thành phố thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số.

Trước đó, nhằm triển khai có hiệu quả nền tảng số, công nghệ số đến từng ngõ ngách, gắn với cuộc sống của người dân, từ tháng 5-2022 đến nay, các xã, phường trên địa bàn thành phố thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng.

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho biết, hiện, thành phố có 2.500 Tổ công nghệ số cộng đồng với 14.000 thành viên, trong đó, nòng cốt là đoàn viên thanh niên và nhân viên doanh nghiệp công nghệ số sẽ đi từng nhà, hướng dẫn từng người dân tạo lập tài khoản công dân số.

Từ khi thành lập đến nay, UBND các địa phương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp tổ chức hơn 50 buổi tập huấn các hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng.

Ngoài ra, một số địa phương cũng đã có các sáng kiến nhằm đẩy mạnh hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng như thành lập Tổ thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ chuyển đổi số; Tổ hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số cho Tổ công nghệ số cộng đồng…

Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho biết: “Hiện, tất cả các Tổ công nghệ số cộng đồng đều có sự tham gia của các đoàn viên thanh niên. Các bạn rất nhiệt huyết, có kỹ năng sử dụng các nền tảng số, giúp người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Thành Đoàn cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, trang bị, nâng cao kỹ năng để các bạn thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được giao”.

Ấn tượng chuyển đổi số tại Đại hội Đoàn thành phố lần thứ XIX

Tiếp nối tinh thần đổi mới, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức Đại hội Đoàn các cấp, tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Đà Nẵng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2022 – 2027 diễn ra vào ngày 9, 10-10, Thành Đoàn Đà Nẵng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào các quy trình, công đoạn của công tác tổ chức.

Trong đó, Thành Đoàn đã tổ chức triển lãm không gian thực tế ảo “Khát vọng Thanh niên”. Đây là mô hình được tạo ra trên nền tảng kỹ thuật số hiện đại, thể hiện tinh thần sáng tạo, làm chủ công nghệ 4.0, chuyển đổi số, góp phần quảng bá Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Đà Nẵng theo hướng đổi mới và sáng tạo.

Tại Đại hội, Ban Tổ chức đã xây dựng mã QR-Code và phát thẻ đại biểu bản mềm cho đại biểu tham dự; sử dụng phần mềm “Đếm phiếu tự động” hỗ trợ kiểm số lượng phiếu với độ chính xác tuyệt đối và minh bạch. Cùng với đó, các nội dung văn kiện đại hội, thông tin Đại hội sẽ được tích hợp trong một mã QR và đại biểu sẽ sử dụng điện thoại di động để quét mã QR để xem, đọc văn kiện.

Trong khuôn khổ các hoạt động triển lãm tại Đại hội, đại biểu còn tham gia trải nghiệm Triển lãm “Một chạm đến Đà Nẵng” với đầy đủ các điểm ảnh 360 mãn nhãn và sống động gắn với các vị trí, địa danh nổi tiếng bậc nhất Đà Nẵng.

MAI QUANG – THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác