Nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Đăng ngày 29-09-2022 16:21, Lượt xem: 221

Phát triển các chủ thể trong thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) có ý nghĩa quan trọng kích thích cung cầu, thúc đẩy mua bán, chuyển giao hàng hóa công nghệ, tài sản trí tuệ, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tại Đà Nẵng, thị trường KH&CN được định hình và từng bước phát triển với sự hỗ trợ từ chính quyền thành phố thông qua các cơ chế chính sách và sự phát triển của các chủ thể trong thị trường.

Hiệu quả từ những cơ chế, chính sách

Trong 10 năm qua (2012-2022), thành phố Đà Nẵng đã ban hành, sửa đổi, bổ sung 73 văn bản trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển nguồn cung hàng hóa KH&CN từ các Viện, trường và gia tăng nhu cầu, năng lực tiếp cận, hấp thu và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN.

Cùng với đó là sự phát triển không ngừng về tổ chức cũng như nguồn nhân lực KH&CN - chủ thể chính tạo ra nguồn cung hàng hóa KH&CN với 12 trường đại học; 68 tổ chức KH&CN và nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện của các tổ chức KH&CN trung ương cùng 20 doanh nghiệp KH&CN. Đây là ưu thế, tiềm năng lớn trong công tác nghiên cứu phát triển, là nguồn cung chính cho thị trường KH&CN trên địa bàn thành phố.

Sản phẩm máy lốc thép tấm dày 20-80 mm của Công ty CP cơ khí Hà Giang Phước Tường

Về nguồn cầu sử dụng hàng hóa KH&CN, hiện nay,các doanh nghiệp thường mua hàng hóa KH&CN thông qua các hình thức nhận chuyển giao công nghệ độc lập, mua thiết bị máy móc công nghệ. Có các doanh nghiệp tự nghiên cứu, giải mã công nghệ để tạo ra công nghệ, thiết bị máy móc phục vụ phát triển sản xuất.

Với sự tham gia tích cực, chủ động của doanh nghiệp, đã có nhiều công nghệ được chuyển giao, mua bán và ứng dụng trực tiếp vào sản xuất. Đồng thời, việc xác lập và đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng ngày càng gia tăng hỗ trợ việc thương mại hoá các sản phẩm.

Giai đoạn 2012-2021, thành phố đã có 5.817 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và tính đến ngày 31/12/2021, thành phố Đà Nẵng có 4.197 văn bằng được cấp. Số lượng văn bằng của những năm gần đây đã gia tăng hơn so với thời gian trước cho thấy đã có sự quan tâm của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, qua đó làm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với phát triển tài sản trí tuệ.

Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh trao kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ cho Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường và Công ty CP Công nghệ QCM

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN trên địa bàn thành phố cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cung - cầu, cung cấp các dịch vụ môi giới, tư vấn chuyển giao công nghệ, đánh giá, định giá, thẩm định, giám định công nghệ.

Hiện, thành phố có 68 tổ chức KH&CN hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm, dịch vụ KH&CN, môi giới, tư vấn, hỗ trợ về KH&CN. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng tập trung phát triển các tổ chức trung gian để hỗ trợ, kết nối. Sở KH&CN cũng đã phát triển Sàn giao dịch công nghệ - thiết bị giúp gắn kết người mua, người bán công nghệ - thiết bị, giới thiệu và quảng bá sản phẩm công nghệ - thiết bị; Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chia sẻ thông tin của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố, kết nối mạng lưới khởi nghiệp.

Theo thống kê, giai đoạn 2016-2021, có 1.587 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quôc tế uy tín; 144 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế và có 55 văn bằng độc quyền sáng chế đã được cấp.

Thành phố đã 74 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ với kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng; ươm tạo được 147 dự án KNĐMST và thành lập khoảng 57 doanh nghiệp KNĐMST.

Năm 2020-2022, thành phố đã hỗ trợ trực tiếp cho 22 dự án, doanh nghiệp KNĐMST và vườn ươm với tổng kinh phí là 3,939 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố hỗ trợ các dự án/doanh nghiệp KNĐMST/doanh nghiệp KH&CN sử dụng các dịch vụ về KNĐMST và  tham gia các sự kiện, cuộc thi về KNĐMST, giải thưởng, triển lãm về KH&CN để kết nối đầu tư.

Các giải pháp phát triển thị trường KH&CN

Nhìn chung, thị trường KH&CN trên địa bàn thành phố đang từng bước hình thành và phát triển, tuy nhiên vẫn chưa sôi động, thiếu vắng các tổ chức trung gian mạnh, nhất là các tổ chức có năng lực về tư vấn, định giá, xúc tiến, kết nối chuyển giao công nghệ cũng như các tư vấn viên, môi giới chuyên nghiệp để hỗ trợ giao dịch trong mua bán hàng hóa KH&CN; sự gắn kết, lưu thông các kết quả nghiên cứu từ các Viện, trường, tổ chức KH&CN sang khu vực doanh nghiệp tuy đã có nhưng còn rất khiêm tốn... Bên cạnh đó, cơ chế quản lý và vận hành thị trường KH&CN còn chưa rõ nét và chuẩn hóa nên thực tế các địa phương vẫn còn lúng túng.

Để phát triển thị trường KH&CN, trước tiên cần phải hoàn thiện quy định về chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục đánh giá kết quả nghiên cứu để chuyển giao cho doanh nghiệp, tạo ra nhu cầu về công nghệ.


Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng - đơn vị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ươm tạo công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học

Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp thành lập tổ chức KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Có biện pháp để doanh nghiệp thành lập và sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục thuận lợi trong việc quản lý và sử dụng quỹ nhằm thúc đẩy hoạt động tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Có biện pháp tổ chức triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa KH&CN trên thị trường.

Cùng với đó, cần hỗ trợ tăng cường đầu tư nâng cao năng lực các tổ chức khoa học và công nghệ có chức năng tư vấn chuyển giao công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở KH&CN.

Khuyến khích thành lập các tổ chức trung gian đặc biệt là các tổ chức trung gian trong các trường đại học, viện nghiên cứu để đẩy mạnh việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ, khơi thông dòng chảy công nghệ từ khu vực nghiên cứu tại các Viện, trường đến khu vực ứng dụng tại các doanh nghiệp.

LÊ ĐỨC VIÊN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác