Hai mươi năm tín dụng chính sách đồng hành, thực sự làm thay đổi đời sống của đại bộ phận hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn
Đăng ngày 19-09-2022 18:05, Lượt xem: 164

Sự ra đời của Nghị định số 78/2002/NĐ-CP đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, từ đó có điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống; chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, mở rộng sản xuất; học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn để tiếp tục học tập… Chủ trương này thực sự làm thay đổi đời sống của đại bộ phận hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách khác.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và sau gần 8 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cả hệ thống chính trị đã tạo sự chuyển biến tích cực để kết nối sức mạnh trong công tác này. Sự tăng cường vai trò trách nhiệm của cấp ủy Đảng lãnh đạo, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, Ban Đại diện Hội đồng quản trị các cấp, sự tham gia giám sát, phối hợp chặt chẽ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, sự thống nhất ban hành các chính sách, Nghị quyết của HĐND thành phố và sự đồng lòng của toàn xã hội cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên, thay đổi cuộc sống, khẳng định rõ nét tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội.

Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Trưởng Ban Đại diện NHCSXH thành phố Đà Nẵng, kiểm tra thực tế tại điểm giao dịch quận Ngũ Hành Sơn

Đến nay, tổng nguồn vốn từ ngân sách các cấp chuyển sang Chi nhánh NHCSXH thành phố để cho vay lũy kế đạt 1.697 tỷ đồng, trong đó, số vốn chuyển sang sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW là 1.606 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường. Trong 20 năm qua, NHCSXH đã triển khai cho vay gần 420 nghìn lượt khách hàng, với số tiền giải ngân gần 10 nghìn tỷ đồng. 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Giai đoạn 2003 - 2022, NHCSXH đã giúp gần 200 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo bổ sung nguồn vốn sản xuất kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững; duy trì, mở rộng và tạo việc làm mới cho hơn 156 ngàn lao động; gần 68 ngàn học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; cho vay xây dựng hơn 51 ngàn công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường ở huyện Hòa Vang…, góp phần thực hiện thành công đề án giảm nghèo, góp phần thực hiện tốt các chủ trương xây dựng thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” và hạn chế tình trạng “tín dụng đen”. Đây chính là những con số khẳng định thêm một lần nữa hiệu quả của việc ban hành chính sách nhân văn của thành phố trong thời gian qua.

Cùng với đó, Đảng đoàn HĐND thành phố luôn lãnh đạo, chỉ đạo Thường trực HĐND thành phố tổ chức giám sát và báo cáo kết quả giám sát việc ban hành chính sách an sinh xã hội nói chung, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội nói riêng để tiếp tục có sự đồng hành trong việc đánh giá tác động và đề xuất xây dựng chính sách. Chi nhánh NHCSXH thành phố chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, quản lý các nguồn vốn ngày càng chặt chẽ hơn, bảo đảm đồng vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, hầu hết các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích.

Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thành phố thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục phát huy vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp Nhân dân. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác luôn đề cao trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; qua đó, chất lượng thực hiện các nội dung ủy thác, chất lượng tín dụng được quan tâm củng cố và nâng cao, đến nay nợ quá hạn chỉ còn 0,04% và luôn được kiểm soát ở mức thấp dưới 0,1%/tổng dư nợ.

Lãnh đạo Hội Nông dân thành phố thăm mô hình trồng rau thủy canh từ nguồn vốn tín dụng chính sách tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Trưởng Ban Đại diện NHCSXH thành phố Đà Nẵng, việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội thể hiện sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với nhân dân trên địa bàn, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, khẳng định mục tiêu mà Đảng, Nhà nước luôn hướng tới đó là chung tay, đồng hành cùng người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội.

“Cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân, việc triển khai tín dụng chính sách xã hội đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết tại cộng đồng dân cư, giúp cho các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tập hợp quần chúng, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; đồng thời, giúp chính quyền gần dân hơn, sâu sát với dân hơn, qua đó, góp phần củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố nhận định.

Tín dụng chính sách thực sự làm thay đổi đời sống của đại bộ phận hộ nghèo

Thuộc diện hộ cận nghèo phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, có chồng làm thợ nề, vợ trồng trọt, nuôi heo, gia đình chị Nguyễn Thị Lai vô cùng khó khăn trong việc duy trì việc học hết cấp 3 cho 5 con nhỏ, chưa kể đến việc học cao hơn như cao đẳng, đại học. “Nỗi lo lớn nhất của vợ chồng tôi là cứ vào đầu năm học phải tìm mọi cách góp tiền, rồi vay mượn anh em, bà con để mua đồ dùng học tập, sách vở, quần áo và đóng tiền đầu năm học để các con được đến trường như bao đứa trẻ khác”, chị Lai cho biết.

Năm 2008, con gái chị Nguyễn Thị Lai nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường đại học Đại học Y Khoa Huế. Cùng với niềm hạnh phúc, vui mừng, gia đình chị Lai đứng trước nỗi lo không thể cho con theo học đại học khi hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn. Được sự quan tâm, động viên của chính quyền, Hội Phụ nữ phường Thanh Khê Tây và Tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình chị Nguyễn Thị Lai được tiếp cận và vay vốn theo chương trình tín dụng ưu đãi dành cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội quận Thanh Khê, số tiền 8 triệu đồng.

“Số tiền vay được dùng để đóng học phí và trang trải chi phí học tập cho cháu. Gia đình tôi như được trao chìa khóa mở ra hy vọng mới trong tương lai. Vợ chồng tôi nói với các con, giờ đây đã có nhà nước giúp đỡ, không nghĩ đến chuyện bỏ học nữa mà việc của các con là hãy cố gắng học, chỉ có con đường học và học thật giỏi mới thoát khỏi cái nghèo, cái vất vả như gia đình mình”, chị Nguyễn Thị Lai xúc động chia sẻ.

Giảm đi gánh nặng chạy lo từng ngày các khoản tiền học phí, 4 người con tiếp theo của chị Lai đều phấn khởi, nỗ lực vươn lên trong học tập, và đều học hết cấp 3, thi đỗ vào các trường đại học. Tổng cộng, gia đình chị Nguyễn Thị Lai được vay chương trình học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn  cho 3/5 người con với tổng số tiền là 128,7 triệu đồng. Hiện nay, các con chị đã ra trường, đều đã có công việc ổn định và đã phụ gia đình trả nợ hoàn tất cho NHCSXH. “Nhờ có chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà các con tôi tiếp tục được bước vào giảng đường đại học, trở thành người có ích cho xã hội, gia đình tôi bớt khó khăn vươn lên thoát nghèo”, chị Lai bày tỏ.

Việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội thể hiện sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, chung tay, đồng hành cùng người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau

Những năm trước đây, gia đình anh Lê Bình, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, rất khó khăn, 3 thế hệ cùng chung sống trong căn nhà cấp 4 chật chội, đã xuống cấp, mưa dột, ẩm thấp. Trước tình cảnh đó, UBND phường, các hội đoàn thể, NHCSXH… đã đến tận nhà động viên, hướng dẫn tạo điều kiện, nhờ đó gia đình anh Bình đã mạnh dạn vay số tiền 330.000.000 đồng để xây nhà để ở. Căn nhà xây dựng xong vào tháng 7-2021 trong niềm vui, hạnh phúc của cả gia đình.

“Khi tiếp cận được nguồn vốn của NHCSXH, tôi đã mạnh dạn vay vốn để làm nhà. Mức lãi suất thấp 4,8%/năm, thời hạn vay 20 năm là rất hợp lý, tạo điều kiện để tôi và các thành viên trong gia đình có thể chủ động trong việc lên kế hoạch trả nợ và tập trung phát triển kinh tế gia đình. Đây là căn nhà mơ ước của cả gia đình tôi mấy chục năm qua đến giờ này mới trở thành hiện thực”, anh Lê Bình chia sẻ.

Theo anh Bình, chương trình cho vay nhà ở xã hội đã thấu hiểu đúng nhu cầu của người dân, rất hợp với lòng dân. Đồng vốn vay đến tay đối tượng vay đồng nghĩa với việc ít nhất hộ dân cũng có được căn nhà cấp 4 để ở sạch, đẹp hơn. Chính sách đúng và kịp thời làm nên điều đặc biệt. Bản thân anh Bìnhh hy vọng sẽ có thêm nhiều người như gia đình anh, được tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để hiện thực hóa ước mơ về nhà ở, góp phần ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân diện hộ nghèo tại thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, ông Võ Văn Thành luôn ý thức muốn thoát được nghèo thì không chỉ cần siêng năng lao động mà còn phải có cách làm phù hợp. Tuy ruộng rẫy của gia đình cũng có nhiều, nhưng vì không có vốn nên đa phần đều bị bỏ hoang. Năm 2012, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của hội đoàn thể xã, ông Thành được hướng dẫn làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang  số tiền 15 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình đã đầu tư chăn nuôi heo, nuôi gà…; sau gần 3 năm công việc chăn nuôi đã giúp gia đình có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo, qua đó hoàn trả vốn cho ngân hàng đúng thơi hạn.

Với quyết tâm vượt khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng, năm 2016 gia đình ông Võ Văn Thành tiếp tục được NHCSXH huyện Hòa Vang cho vay số tiền 50 triệu đồng chương trình mới thoát nghèo. Bằng nguồn vốn này, ông Thành đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò để tận dụng thức ăn tại chỗ, mua máy cày để phục vụ lao động tại chỗ, mở rộng chăn nuôi gà thả vườn. Với phương châm: “Lấy ngắn nuôi dài”, gia đình tận dụng các thu nhập từ bán con gà, con lợn cùng với khoản thu từ việc trồng cây lúa, cây hoa màu để tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng. Đến năm 2021, gia đình ông Thành tiếp tục mạnh dạn vay vốn 200 triệu đồng để giải quyết thêm việc làm cho 2 lao động.

Mô hình nuôi gà từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách đem lại hiệu quả cao của hộ ông Võ Văn Thành

Từ đó, mô hình nuôi gà thả vườn, vịt thả đồng, chăn nuôi bò và trồng rừng của gia đình ngày càng phát triển. Đến nay, từ một hộ làm ăn nhỏ lẻ bắt đầu trở thành một mô hình kinh tế ổn định với 50 con bò và hơn 800 con gà, 200 con vịt, cùng với 5 ha rừng keo lá tràm sắp thu hoạch. Việc chăn nuôi gà, nuôi bò và trồng rừng đem lại thu nhập cao cho gia đình. Sau 3 năm nữa rừng keo sẽ cho thu nhập giá bán khoản 100 triệu đồng, gia đình sẽ có tiền trả nợ Ngân hàng. Hiện nay, gia đình đang đầu tư mở rộng xây dựng chuồng trại nuôi gà thả vườn diện tích hơn 1.000 m2, dự kiến đàn gà sẽ được thả nuôi khoảng 1000 đến 1.500 con, vịt thả đồng khoảng 1.000 con.

“Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình tôi có được một nguồn lực ổn định để làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh trên chính quê hương của mình, bám đất giữ rừng, vươn lên làm giàu”, ông Võ Văn Thành bày tỏ.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp để hoạt động tín dụng chính sách thực sự là một trụ cột trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội

Phát huy những thành quả đạt được về thực hiện tín dụng chính sách xã hội, góp phần vào sự phát triển của thành phố trong 20 năm qua, theo Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, thời gian đến, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, xem đây là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, địa phương. “Thành phố sẽ dành nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Hoạt động cho vay vốn của NHCSXH phải phối hợp giữa các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ để giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả”, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố nêu rõ.

Đối với các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang triển khai, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh đề nghị NHCSXH chủ động rà soát, nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và phối hợp với các cơ quan liên quan đề nghị thành phố hoặc tham mưu thành phố đề nghị Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung, chỉnh sửa đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách kịp thời, thuận lợi và sử dụng vốn vay đạt hiệu quả.

Giao ban định kỳ tại Điểm giao dịch phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu

Bên cạnh đó, tục chủ động rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay của NHCSXH thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, thường xuyên rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn, đảm bảo hoạt động của Tổ theo đúng quy định. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Điểm giao dịch NHCSXH tại xã, phường.

“Một mặt, cần đảm bảo duy trì, phát huy tối đa tiềm lực của đội ngũ cán bộ hiện có, mở rộng một cách bền vững nguồn nhân lực để đáp ứng các mục tiêu Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 – 2030; mặt khác, cần quan tâm tạo cơ hội để phát huy những điểm mạnh, năng lực vượt trội của nguồn nhân lực sẵn có để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, có chính sách thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao, quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ NHCSXH tinh thông nghiệp vụ, yêu ngành, yêu nghề, triển khai thực hiện tín dụng chính sách với phương châm thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

Song song với đó, cần tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ kiêm nhiệm làm công tác tín dụng chính sách xã hội (cán bộ ngoài hệ thống NHCSXH) để đảm bảo hiểu rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách, nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội và làm tốt công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện, quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, để hoạt động tín dụng chính sách thực sự là một trụ cột trong việc thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, cân đối nguồn lực và đề xuất giải pháp, nhất là các chính sách giảm nghèo bền vững, chính sách có việc làm, nghiên cứu chính sách tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình theo Nghị quyết số 11/NQ-TU ngày 5-7-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, cân đối nguồn lực và đề xuất giải pháp, nhất là các chính sách giảm nghèo bền vững

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách, đặc biệt là bí thư chi bộ khu dân cư; thực hiện báo cáo kết quả hằng năm theo quy định. Các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. NHCSXH tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách…

“Riêng đối với các chính sách đã ban hành của thành phố, các ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; chú trọng đến tính hiệu quả của các chính sách phát triển an sinh xã hội. Đặc biệt, cần xác định tính hiệu quả của tín dụng chính sách trong vấn đề giải quyết việc làm nói chung và cho hộ nghèo nói riêng trong giai đoạn 2022-2025 là đòn bẩy, mang tính quyết định giúp công tác giảm nghèo của thành phố đạt kết quả đề ra một cách bền vững” Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Đồng thời, tăng cường giám sát, kiến nghị xem xét lại một số chương trình tín dụng chưa hiệu quả, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, qua đó đề xuất các chủ trương, chính sách phù hợp vừa đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, vừa góp phần phát triển bền vững kinh tế - chính trị - xã hội của thành phố vừa đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tế.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác