Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, ngày càng bản lĩnh, lớn mạnh
Đăng ngày 11-08-2022 17:46, Lượt xem: 168

Sáng 11-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", nhằm lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững"

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, niềm tin của doanh nghiệp tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới thời gian qua biến động phức tạp, khó lường, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhất quán chỉ đạo, triển khai các chính sách, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý. “Các con số tăng trưởng ấn tượng trong 7 tháng đầu năm đã phản ánh sự đúng đắn và kịp thời của các chính sách trong thời gian vừa qua”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đến hết tháng 7-2022, cả nước có khoảng 871.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4%; trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,2% và trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 67,4%. Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường cùng nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh, với trên 130.000 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; tổng số vốn đăng ký bổ sung đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37 % so với cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cho thấy, hiện nay, thị trường của doanh nghiệp đặc biệt là thị trường nội địa trong một số ngành phục hồi trên 75-85% so với thời điểm trước dịch bệnh COVID-19. Doanh thu trong 2 quý đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch. Thị trường du lịch và vận tải hàng không nội địa phục hồi tương ứng là gần 100% và 85%, đặc biệt là sự bùng nổ trong quý 2 năm nay. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một điểm đáng mừng trong bối cảnh hiện nay là niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực, với 70-80% doanh nghiệp đánh giá cao mức độ hữu ích trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ, quyết định mở cửa nền kinh tế theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế, phí, tiền thuê đất, giảm tiền điện, chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế. Gần 92% doanh nghiệp cho rằng sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong quý 3-2022; 85% doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 3-2022 sẽ ổn định và có xu hướng tốt lên so với quý 2-2022.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Lê Trung Chinh cho biết, thực hiện chủ trương của Trung ương và Chính phủ, ngay từ đầu năm thành phố Đà Nẵng đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, triển khai đồng bộ, nhận được sự ủng hộ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, thành phố cũng có những chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp như giảm tiền thuê đất, thuê mặt bằng, giảm phí thuế…, với quan điểm “sự phát triển của doanh nghiệp chính là sự phát triển của thành phố, những khó khăn của doanh nghiệp cũng chính là những khó khăn của thành phố”.

Thành phố đã thành lập 2 tổ công tác do lãnh đạo UBND thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, Thành phố luôn tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, đồng thời tổ chức đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhờ đó, hầu hết doanh nghiệp của Đà Nẵng hiện đã đi vào hoạt động có hiệu quả.

“Kinh tế thành phố ổn định và phát triển, nhiều dự án được triển khai, nhiều doanh nghiệp được thành lập mới, các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh nay đã quay trở lại hoạt động. Tăng trưởng 6 tháng đầu năm của thành phố đạt 7,23%, thu ngân sách tính đến thời điểm này là hơn 80%. Đời sống của nhân dân, tình hình an ninh chính trị được bảo đảm”, Chủ tịch UBND thành phố thông tin.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế số

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ chia sẻ với những khó khăn, thách thức cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian qua, cũng như ghi nhận, biểu dương tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên, đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực; đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực cùng đất nước và nhân dân, phát huy truyền thống càng khó khăn, thách thức càng đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, chủ động, sáng tạo.

Điểm lại những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt trong thời gian đến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung, quyết liệt thực hiện một số nội dung lớn mang tính chất nền tảng để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Theo đó, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy các loại thị trường phát triển mạnh mẽ, an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, như thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động.

Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân. Thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn vốn trong xã hội, trong đó có nguồn vốn của doanh nghiệp.

“Các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình doanh nghiệp; có kế hoạch xử lý, kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, cần làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các loại thị trường, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị

Trước mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết, còn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là thần tốc hơn nữa trong tiêm chủng vaccine theo mục tiêu đã đề ra.

Nhấm mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã dành một khoản ngân sách cho nhiệm vụ này trong chương trình phục hồi và phát triển, và đang yêu cầu các cơ quan liên quan chuẩn bị tổ chức hội nghị về vấn đề này trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh triển khai thủ tục trực tuyến, tránh giao tiếp trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, không gây khó khăn mà tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, chống tham nhũng, tiêu cực, thủ tục lòng vòng, sách nhiễu, kể cả tham nhũng vặt.

Đối với cộng đồng doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn hiện nay, thích ứng với giai đoạn mới; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng; nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh tranh.

“Yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bền vững là con người, cùng với công nghệ và phương thức, mô hình kinh doanh. Do vậy, cần quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị doanh nghiệp; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bản lĩnh, lớn mạnh, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

“Vì một cộng đồng doanh nghiệp chủ động thích ứng, phát triển bền vững, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, nhân dân ấm no và hạnh phúc, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, tiếp thu tối đa các ý kiến của tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, của doanh nghiệp, đồng thời, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường vượt qua khó khăn”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác