Thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế
Đăng ngày 24-07-2022 06:31, Lượt xem: 509

Nhằm thúc đẩy các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo tiên phong áp dụng công nghệ số, nền tảng số, triển khai chuyển đổi số, thanh toán số, tạo môi trường hình thành thế hệ công dân số và doanh nhân số cho tương lai; thúc đẩy các bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số, thanh toán số, tạo môi trường y tế số văn minh, thuận lợi, an toàn, bảo vệ tốt nhất sức khoẻ của người dân, ngày 20-7, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND về Thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Mục tiêu trong năm 2022, 100% trường học, cơ sở giáo dục và 100% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác; Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục đạt 25% và trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn đạt 30%; 50% trường học, cơ sở giáo dục và 50% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ.

Mục tiêu đến năm 2025, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn đạt 75%; 100% trường học, cơ sở giáo dục và 100% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số; 100% bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám, chữa bệnh; 100% trường học, cơ sở giáo dục triển khai dạy và học trực tuyến, áp dụng tối thiểu 20% nội dung chương trình đào tạo; 100% trường triển khai tuyển sinh trực tuyến đầu cấp dựa trên dữ liệu số.

Kế hoạch số 136/KH-UBND cũng đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Về thực hiện thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục: Giải pháp đầu tiên là cần hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong trường học, cơ sở giáo dục.

Trong đó, cần thực hiện đánh giá, lựa chọn các nền tảng số xuất sắc phục vụ chuyển đổi số giáo dục (nền tảng số giáo dục) do doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, cung cấp để khuyến cáo, thông tin trên các trang, cổng thông tin điện tử về chuyển đổi số nhằm phổ biến rộng rãi đến các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo; Hỗ trợ các trường học và cơ sở giáo dục thuê, mua sử dụng các giải pháp, nền tảng số giáo dục và hạ tầng, lưu trữ, đường truyền, kết nối mạng và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trực tuyến, triển khai chuyển đổi số hoạt động giáo dục, đào tạo; Ứng dụng triệt để công nghệ số, nền tảng số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đồng thời, triển khai áp dụng nền tảng dạy, học trực tuyến, kết nối, phục vụ trực tuyến toàn trình cho công tác giảng dạy - học tập - thi cử cho học sinh, giáo viên, từ đó, hình thành hệ sinh thái phát triển giáo dục số, bảo đảm chất lượng cho việc thi cử trực tuyến; 100% các trường học, cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học trực tuyến, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình; Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học; Áp dụng các nền tảng số quản trị nhà trường, cơ sở giáo dục dựa trên dữ liệu số và công nghệ số, trong đó người học, giáo viên, cán bộ quản lý, người lao động và các hoạt động đều được quản lý bằng hồ sơ số thống nhất. Tăng cường kết nối liên lạc giữa nhà trường với phụ huynh, học sinh qua các ứng dụng, nền tảng số.

Thứ hai, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục, các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các trường học, cơ sở giáo dục phối hợp với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan để chấp nhận thanh toán học phí và phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Các hoạt động được triển khai phải đảm bảo: Các trường học, cơ sở giáo dục sẵn sàng phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho tối thiểu 03 trong 04 phương thức: Mã vuông QR (Chuyển khoản/Thanh toán), qua Website/App Mobile (Chuyển khoản/Thanh toán), Mobile Money và thẻ (POS); tích hợp sẵn sàng module thanh toán trong phần mềm quản lý trường học, cơ sở giáo dục;

Các trường học, cơ sở giáo dục và các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán thống nhất mẫu thông tin thanh toán không dùng tiền mặt đối với học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục có tối thiểu các trường thông tin sau để tạo thuận lợi đối với việc xử lý: Họ và tên người trả tiền; Họ và tên người thụ hưởng; Lý do thanh toán; Mã/số hóa đơn thanh toán; Các trường học, cơ sở giáo dục bố trí đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh, học sinh và các đối tác liên quan thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán học phí và các dịch vụ phục vụ nhà trường; tăng tối đa số lượng và giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong tổng số lượng và giá trị thanh toán của trường học, cơ sở giáo dục.

Để thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt cho các bệnh viện, cơ sở y tế, cần có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong bệnh viện, cơ sở y tế. Trong đó: Đánh giá, lựa chọn các nền tảng số xuất sắc phục vụ chuyển đổi số y tế (nền tảng số y tế) do doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, cấp để khuyến cáo, thông tin trên các trang, cổng thông tin điện tử về chuyển đối số nhằm phổ biến rộng rãi đến các bệnh viện, cơ sở y tế; Hỗ trợ, thúc đẩy các bệnh viện, cơ sở y tế thuê, mua sử dụng các nền tảng số y tế, trong đó chú trọng: nền tảng số quản lý bệnh viện, cơ sở y tế; nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; nền tảng quản lý đơn thuốc điện tử; nền tảng quản lý hồ sơ sức khoẻ cá nhân; nền tảng quản lý tiêm chủng; nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến; và các công cụ hỗ trợ khám chữa bệnh và nghiệp vụ y tế;

Hỗ trợ các bệnh viện, cơ sở y tế về hạ tầng, lưu trữ, đường truyền, kết nối mạng và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quản trị và hoạt động nghiệp vụ; Hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh góp phần giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, hình thành các bệnh viện thông minh.

Tiếp đến, cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện, cơ sở y tế. Các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các bệnh viện, cơ sở y tế phối hợp với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan để chấp nhận thanh toán viện phí và phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong đó, phải đảm bảo: Các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn sẵn sàng phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho tối thiểu 3 trong 4 phương thức sau: Mã vuông QR (Chuyển khoản/Thanh toán), Website/App Mobile (Chuyển khoản/Thanh toán), Mobile Money và thẻ (POS); tích hợp sẵn sàng module thanh toán trong phần mềm quản lý bệnh viện, cơ sở y tế;

Các bệnh viện, cơ sở y tế và các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán thống nhất mẫu thông tin thanh toán không dùng tiền mặt đối với viện phí và các khoản thu dịch vụ y tế có tối thiểu các trường thông tin sau để tạo thuận lợi đối với việc xử lý: Họ và tên người trả tiền; Họ và tên người thụ hưởng (nếu có); Lý do thanh toán; Mã/số hóa đơn thanh toán, tạo thuận lợi cho người dân trong thanh toán viện phí; Các bệnh viện, cơ sở y tế bố trí đầu mối, nhân lực hướng dẫn, hỗ trợ bệnh nhân và các đối tác liên quan thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí và các dịch vụ phục vụ bệnh viện, cơ sở y tế; tăng tối đa số lượng và giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong tổng số lượng và giá trị thanh toán của mình.

Về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng và bảo vệ người tiêu dùng trong chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt tại trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế, các đơn vị liên quan cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và các bệnh viện, cơ sở y tế.

Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và các bệnh viện, cơ sở y tế đến mọi người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, trang thông tin điện tử thành phố và các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp; ấn phẩm, tập san, bản tin...).

Nội dung tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và các bệnh viện, cơ sở y tế phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, có tính lan tỏa trong cộng đồng, hướng tới nhóm đối tượng mục tiêu của các trường học, cơ sở giáo dục và các bệnh viện, cơ sở y tế, qua đó giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng số, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.

Ngoài ra, tổ chức các hình thức thi đua, khen thưởng, vinh danh, xếp hạng, đánh giá các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế về chuyển đổi số, thành toán không dùng tiền mặt; Vận động, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp các nền tảng số giáo dục, nền tảng số y tế, các ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán trên địa bàn thành phố có các hình thức khuyến khích như miễn, giảm phí, khuyến mãi, giảm giá... đối với trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế và khách hàng các cơ sở này khi sử dụng nền tảng số, giải pháp, dịch vụ số và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; Lồng ghép các nội dung giới thiệu về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các buổi tập huấn tại UBND quận, huyện, phường, xã, khu dân cư, tổ dân phố, Tổ Công nghệ số cộng đồng và các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội địa phương.
 
Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục; Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng số, sử dụng các ứng dụng nền tảng số giáo dục, lập tài khoản thanh toán và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho đội ngũ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh trên địa bàn; Đẩy mạnh triển khai dạy và học về STEM/STEAM trong các trường học, cơ sở giáo dục tiểu học và phổ thông; tổ chức các cuộc thi về kỹ năng số, lập trình điều khiển tự động (robotics), giáo dục STEM/STEAM trong các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến phổ thông trung học; Tổ chức các hội thảo, tập huấn, hướng dẫn về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn; Hỗ trợ các hoạt động thông tin, quảng bá, phổ biến về các nền tảng số giáo dục xuất sắc, và giới thiệu, kết nối đến các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn để thúc đẩy sử dụng.

Về Tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở y tế: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng số, sử dụng các ứng dụng nền tảng số giáo dục, lập tài khoản thanh toán và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho đội ngũ quản lý, y bác sĩ, người lao động trong các bệnh viện, cơ sở y tế và người dân trên địa bàn; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về dịch vụ y tế điện tử, tư vấn sức khỏe từ xa, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện, cơ sở y tế; Tổ chức các hội thảo, tập huấn, hướng dẫn về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn; Hỗ trợ các hoạt động thông tin, quảng bá, phổ biến về các nền tảng số y tế xuất sắc, và giới thiệu, kết nối đến các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn để thúc đẩy sử dụng.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần có giải pháp để bảo vệ người tiêu dùng trong chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, triển khai thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động chuyển đổi số, thanh toán điện tử và cơ chế giải quyết tranh chấp có thể phát sinh trong các hoạt động sử dụng công nghệ số, nền tảng số, thanh toán không dùng tiền mặt nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ huynh, học sinh và các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo cũng như của bệnh nhân, và người sử dụng dịch vụ y tế và các bệnh viện, cơ sở y tế; Đẩy mạnh triển khai công tác truyền thông, phổ biến kiến thức về các hành vi lừa đảo, biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong sử dụng công nghệ số, nền tảng số, thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học, cơ sở giáo dục và các bệnh viện, cơ sở y tế; phối hợp giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Kinh phí thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

HỒNG QUÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác