Bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ quá trình phục hồi kinh tế
Đăng ngày 25-05-2022 10:47, Lượt xem: 444

Chiều 24-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến có buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn, về tình hình việc làm, quan hệ lao động, tiền lương, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khắc phục khó khăn do COVID-19, phục hồi sản xuất kinh doanh, thị trường lao động trên địa bàn thành phố.

Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, trải qua hai đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Đà Nẵng trong năm 2020-2021, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và thị trường lao động trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng khá nặng nề. Khoảng 80% tương đương với khoảng 42 ngàn lao động trực tiếp ngành du lịch và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp liên quan du lịch đã, đang thất nghiệp và chuyển sang làm ngành nghề khác. Đặc biệt, có hơn 223.000 lao động tự do ở lĩnh vực phi chính thức bị ảnh hưởng nhất, ước tính có hơn 58.000 người bị mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 8,3% (cuối năm 2021). Tính đến ngày 31-12-2021 đã có hơn 15.460 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thực hiện chủ trương vừa phòng chống dịch vừa duy trì phát triển sản xuất, thành phố đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế để phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động. Sở đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm kết nối giải quyết việc làm, nhằm kịp thời phân tích, đánh giá cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động, dự báo nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động trước mắt và lâu dài; xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện việc nắm bắt thông tin về tình hình tuyển dụng, nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp (quy mô từ 100 lao động trở lên), với các thông tin cơ bản về quy mô hoạt động và nhu cầu về lao động (số lượng, trình độ) theo từng quy mô, thời gian, khả năng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để cung cấp cho người lao động được biết.

Trong gần 6 tháng đầu năm 2022, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu hoạt động trở lại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 16 phiên giao dịch việc làm, thu hút 1.663 đơn vị tham gia, với tổng số lượt vị trí cần tuyển tại các phiên giao dịch là 87.713 lượt người, đã giải quyết 1.287 lao động có việc làm.

Ngoài ra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố và các địa phương tổ chức thực hiện và phát huy hiệu quả công tác cho vay vốn, giải quyết việc làm cho người lao động. Kết quả đến ngày 10-5-2022, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố đã thực hiện giải ngân 480.276 triệu đồng, với 9.112 dự án, góp phần giải quyết việc làm cho 9.153 lao động, bình quân mỗi lao động được vay trên 52,7 triệu đồng.

Thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp và UBND các quận, huyện tổ chức tuyên truyền chính sách đến các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn thành phố. Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, hiện nay, các địa phương đã tổ chức thành lập bộ phận thẩm định, tổ chức mời các doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn, hướng dẫn hồ sơ thủ tục triển khai thực hiện.

Đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, thành phố đã tích cực triển khai kịp thời những chủ trương, chính sách của Trung ương, với số tiền hơn 268 tỷ đồng; đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ thêm đối với 16 nhóm đối tượng người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố, với tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng.

Đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về tiền lương, quan hệ lao động

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ngô Thị Kim Yến nhìn nhận, thị trường lao động của thành phố có sự biến động sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch, nhưng không biến động quá lớn so với các tỉnh, thành phía Nam; tuy nhiên, do đặc thù nền kinh tế có tỷ trọng nhân lực hoạt động trong ngành du lịch dịch vụ khá cao, nên sự biến động thể hiện rõ nét nhất trong lĩnh vực này.

Để bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ quá trình phục hồi kinh tế, thời gian đến, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động nhằm khuyến khích người lao động trong các khu công nghiệp quay lại thị trường lao động.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến phát biểu tại buổi làm việc

Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện việc thu thập và cập nhật thông tin cung - cầu lao động theo Thông tư số 01/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25-1-2022 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động. Tiếp tục nắm bắt thông tin và điều tiết cung - cầu lao động, trong đó chú trọng đến việc đưa phần mềm kết nối giải quyết việc làm vào hoạt động, trên cơ sở này phân tích, đánh giá cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động, dự báo nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động trước mắt và lâu dài; ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm trực tuyến.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục giải quyết tốt các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng tiêu chí đào tạo lại để đưa lao động sớm trở lại thị trường lao động. Tiếp tục chủ động phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, thiếu việc làm chuyển sang tự tạo việc làm, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tạo việc làm mới cho người lao động được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác dạy nghề, chuyển đổi ngành nghề cho người lao động; nhất là tập trung vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực. Triển khai thực hiện chính sách giáo dục nghề nghiệp miễn phí tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đến các đối tượng chính sách.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chia sẻ với những khó khăn của Đà Nẵng khi là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch; đồng thời ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của thành phố trong công tác quản lý việc làm, quan hệ lao động, tiền lương, cũng như thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khắc phục khó khăn do COVID-19, phục hồi sản xuất kinh doanh, thị trường lao động thời gian qua.

Để chuẩn bị sẵn sàng lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu phục hồi kinh tế nói chung, phục hồi ngành du lịch dịch vụ trên địa bàn thành phố nói riêng, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, thành phố cần chú trọng đến công tác đào tạo, nhất là đào tạo tay nghề, nghiệp vụ cho lực lượng lao động; cũng như tăng cường quản lý lao động là người nước ngoài, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp thực sự có nhu cầu, góp phần là phong phú thị trường lao động.

“Thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động; tăng cường quản lý, yêu cầu các doanh nghiệp phải ký hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm duy trì, ổn định lực lượng lao động. Đồng thời tiếp tục triển khai hoàn thành các chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đã được ban hành”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ rõ.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu kết luận buổi làm việc

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng đề nghị Công đoàn các cấp vào cuộc, đẩy mạnh thông tin, phổ biến đến người lao động gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, nhằm khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc, ổn định thị trường lao động. Ngoài ra, thành phố cần tiếp tục kiểm tra, giám sát, đảm bảo doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh lao động; quan hệ tiền lương; đối thoại với người lao động nhằm tránh đình công, lãng công, ngừng việc.

“Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng phần mềm kết nối thị trường lao động, dự kiến hoàn thành trong năm 2022, với mục tiêu tạo ra cơ sở dữ liệu về lao động cung – cầu nhằm hỗ trợ các địa phương ổn định và phát triển thị trường lao động. Mong rằng với tiềm lực sẵn có, cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa của Bộ  Lao động, Thương binh và Xã hội, trong thời gian đến thị trường lao động của Đà Nẵng sẽ có sự khởi sắc, giúp phục hồi du lịch Đà Nẵng, góp phần phát triển ngành du lịch cả nước”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác