Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt 81,15%
Đăng ngày 19-05-2022 15:51, Lượt xem: 403

Sáng 19-5, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ làm Trưởng đoàn làm việc với Thành ủy Đà Nẵng về khảo sát kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5-11-2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” trên địa bàn thành phố. Tham dự buổi làm việc có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Xuân Hiếu cho biết, trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, làm việc đối với lao động nông thôn được triển khai thường xuyên bằng nhiều hình thức. Việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW hiệu quả đã góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân nông thôn, đồng thời góp phần hoàn thành sớm chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.


Quang cảnh buổi làm việc

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 70 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với tổng quy mô tuyển sinh đào tạo hơn 57 ngàn học sinh, sinh viên với 284 ngành, nghề đào tạo ở cấp trình độ đào tạo khác nhau. Bình quân mỗi năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tuyển mới gần 50.000 học sinh, sinh viên.

Về dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội. Từ năm 2012 đến nay, có 28 cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã tuyển sinh hơn 9.000 học viên để đào tạo trình độ sơ cấp cho lao động nông thôn, lao động đặc thù, nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 81,15% và số lao động được doanh nghiệp hoặc đơn vị tuyển dụng khoảng 24%; khoảng 70% tự tạo việc làm; khoảng 5,5% được doanh nghiệp hoặc đơn vị bao tiêu sản phẩm và làm việc trong các hợp tác xã.

Hoạt động dạy nghề đáp ứng xây dựng nông thôn mới cũng được thành phố triển khai, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương, hợp tác xã xây dựng mô hình tổ hợp tác, các nhóm hộ gia đình sản xuất để giải quyết việc làm ngay tại địa phương. Một số mô hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm có hiệu quả cao: mô hình trồng nấm, mô hình trồng hoa, mô hình mây tre đan, mô hình nuôi cá nước ngọt,…


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, những năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy luôn quan tâm việc đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn; ưu tiên, huy động hệ thống chính trị xây dựng nông thôn mới cho Hòa Vang và đào tạo lao động ở nông thôn. Việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu được thực hiện thường xuyên. Cơ sở dạy nghề được đầu tư; lao động sau đào tạo có việc làm ổn định.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, thời gian đến, Thành ủy sẽ tập trung triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương; chú trọng dạy nghề phát triển kinh tế tập thể; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong người dân; định hướng tập trung chuyển đổi ngành nghề cho người dân theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; rà soát, đánh giá nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề; tăng cường liên kết thị trường – cơ sở đào tạo; nâng cao chuyển đổi số trong đào tạo nghề;…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết kiến nghị Trung ương quan tâm các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; giải quyết những bất cập về chức năng của cơ sở đào tạo nghề; có hướng dẫn để nhân rộng mô hình hay và ban hành chương trình đổi mới thay cho chương trình hiện nay.


Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của Đà Nẵng về triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW trong 10 năm qua, trong đó đáng chú ý là tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề đạt khá cao, bảo đảm yêu cầu Chỉ thị số 19-CT/TW đặt ra.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ cho biết, vấn đề quan trọng là phải nâng cao nhận thức của người học, đào tạo nghề phải gắn với xã hội học tập và áp dụng công nghệ thông tin và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW.  

Trên cơ sở các kiến nghị của thành phố Đà Nẵng, đoàn công tác sẽ tập hợp, tổng hợp để đưa vào dự thảo trình Trung ương xem xét, có định hướng về ban hành chỉ thị mới trong thời gian tới sau khi có hội nghị tổng kết toàn quốc về Chỉ thị số 19-CT/TW. 

NGUYÊN THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác