Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Đăng ngày 22-01-2022 18:37, Lượt xem: 376

UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 30-12-2021 triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021-2027” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, với lực lượng nồng cốt là Công an thành phố và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương.

Kế hoạch nhằm tổ chức triển khai nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ sở và đặc thù của các nhóm đối tượng để Đề án được thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2027 cơ bản đạt được các mục tiêu của Đề án. Đồng thời, đặt mục tiêu đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) gắn với công tác vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20-6-2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cuờng sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Theo đó, UBND thành phố giao Công an thành phố chủ trì xây dựng, ban hành kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp triển khai thực hiện Đề án; kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án. Đồng thời, cùng với Sở Tư pháp chủ trì tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin về pháp luật của các đối tượng thông qua báo cáo, đánh giá quá trình thực hiện công tác PBGDPL của các sở, ban, ngành, địa phương liên quan; tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến chuyên gia, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phiếu điều tra, khảo sát; khảo sát trực tuyến.

Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các quy định có liên quan đến công tác PBGDPL thuộc phạm vi của Đề án; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL của Đề án, đảm bảo xây dựng nguồn nhân lực toàn diện về kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền và tâm huyết với công tác PBGDPL

UBND thành phố cũng yêu cầu Công an thành phố tăng cường đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL cho phù hợp vói từng nhóm đối tượng, thời điểm, địa bàn, lĩnh vực. Trong đó, tập trung vào 4 nội dung chính: (1) Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; (2) Quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, trong đó chú trọng tuyên truyền, PBGDPL về: thi hành án hình sự; xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội; quản lý cư trú; căn cước công dân; đăng ký, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; tín ngưỡng, tôn giáo; đất đai, biên giới, chủ quyền biển, đảo; quản lý xuất nhập cảnh; an ninh mạng; phòng, chống dịch bệnh và quy định liên quan đến tái hòa nhập cộng đồng...; (3)Ý thức tôn trọng, bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt việc tốt trong thực hiện pháp luật; gương người lầm lỡ thành công tái hòa nhập cộng đồng; (4)Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn; hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra; các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm; trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong giúp đỡ, hỗ trợ và tham gia đẩu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đề ra một số nhiệm vụ như: xây dựng, học tập và nhân rộng các mô hình điểm về PBGDPL cho các đối tượng của Đề án; biên soạn tài liệu pháp luật, tài liệu nghiệp vụ PBGDPL phục vụ công tác tuyên truyền, PBGDPL thuộc phạm vi của Đề án; tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm tính phổ cập, sáng tạo, tiết kiệm, đúng đối tượng cần tuyên truyền. Xây dựng các tình huống, kịch bản triển khai công tác PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, trật tự tại từng địa bàn, lĩnh vực cụ thể; rà soát nhu cầu về trang bị, cơ sở vật chất phục vụ thực hiện Đe án, đảm bảo đầu tư có trọng điểm, tiết kiệm, hiệu quả.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện có nhiệm vụ tích cực huy động, tạo điều kiện thuận lợi cho các cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia PBGDPL cho các đối tượng của Đề án thông qua các chương trình phổ biến, tư vấn pháp luật, tư vấn tâm lý, tư vấn, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, cung cấp tài liệu, trang thiết bị phục vụ PBGDPL... theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện của từng sở, ngành, địa phương. Phát huy vai trò của gia đình, người có uy tín trong cộng đồng, các hội, nhóm tại khu dân cư trong quản lý, PBGDPL cho các đối tượng.

UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Thành Đoàn Đà Nẵng, Hội LHPN thành phố; các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện trong phạm vi chức năng, quyền hạn cùa mình và nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch, ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra. Hằng năm, xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án, chủ động, sáng tạo trong việc đề ra các nội dung triển khai, và báo cáo kết quả về UBND thành phố thông qua Công an thành phố.

Căn cứ quy định về công tác thi đua, khen thường, Công an thành phố chủ trì, phối họp Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng) và các sở, ngành, địa phương liên quan đề xuất Chủ tịch UBND thành phố khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án vào thời gian sơ kết (năm 2024), tổng kết (năm 2027) thực hiện Đề án.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác