Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải quyết tâm với mục tiêu tăng trưởng từ 3% trở lên trong năm 2022
Đăng ngày 30-12-2021 08:37, Lượt xem: 968

Sáng 29-12, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (ảnh chinhphu.vn)

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục

Theo báo cáo, năm 2021 với phương châm thích ứng linh hoạt, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tập trung vượt qua thách thức, khó khăn, khai thông thị trường xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư, tăng sức cạnh tranh quốc gia của nông sản hàng hóa. Giá trị gia tăng toàn ngành tăng khoảng 2,85 đến 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%, tỉ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%.

Đặc biệt, ngành đã chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực như gạo, trái cây, thủy sản, gỗ... tại các thị trường trọng điểm. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục, ước đạt 48,5 tỷ USD, tăng 14,9% so với mức 41,2 tỷ USD của năm 2020, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao. Trong đó, nông sản chính 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%.

Sản lượng lúa đạt 43,86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỉ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021. Đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển, với 28 triệu con lợn, tăng 7,1%; đàn gia cầm đạt khoảng 525 triệu con, tăng 5,8%; đàn bò khoảng 6,5 triệu con, riêng đàn bò sữa đạt 375,2 nghìn con, tăng 13,2%. Tổng sản lượng thủy sản đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020; trong đó khai thác trên 3,9 triệu tấn, tăng 0,9%; nuôi trồng 4,8 triệu tấn, tăng gần 1,1%.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng

Tại Đà Nẵng, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thiên tai, thời tiết và dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Cảng cá Thọ Quang phải tạm dừng hoạt động đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản, sản lượng khai thác năm 2021 giảm 4,2% so với năm 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp ước năm 2021 giảm 2,38% so với năm 2020. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước cả năm 2021 đạt 2.313 tỷ đồng, giảm 2,68% so với năm 2020.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Trung ương và thành phố, cơ cấu tàu thuyền của thành phố chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, tàu công suất lớn, đặc biệt tàu từ 400Cv trở lên tăng nhanh, giảm tàu công suất dưới 90Cv. Tổng số tàu cá trên địa bàn thành phố hiện nay là 1.237 chiếc (không kể 452 thúng chai lắp máy), tổng công suất 397.977cv; công suất bình quân 323 cv/tàu. Đồng thời, ngành cũng tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Kế hoạch tuyên truyền khai thác IUU.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện 2 Đề án: “Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” và “Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm H5N1, Lở mồm long móng ở trâu bò trên địa bàn huyện Hòa Vang”. Đến nay, tất cả 6 quận trên địa bàn thành phố đã hoàn thành mục tiêu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dại ở động vật nuôi. Đà Nẵng là một trong hai tỉnh, thành của các nước được Cục Thú y cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh Dại sau thành phố Hồ Chí Minh.

Nâng cao năng suất lao động dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian điểm lại tình hình kinh tế - xã hội đất nước trong năm 2021, cả thuận lợi và khó khăn; qua đó khẳng định, trong thành tựu chung của đất nước, có đóng góp rất quan trọng của ngành nông nghiệp, với vai trò trụ đỡ trong lúc khó khăn. “Với quan điểm nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực, ngành nông nghiệp có thêm nhiều tín hiệu đáng phấn khởi trong việc chuyển sang phát triển theo chiều sâu, bền vững. Nhận thức về vị trí vai trò của nông nghiệp được nâng lên. Đặc biệt, phần thu về của Việt Nam trong kim ngạch xuất khẩu nông sản cao so với nhiều mặt hàng khác, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, nhiều người nông dân biết làm giàu bằng bàn tay, khối óc của mình”, Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận.

Bên cạnh những thành tích đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại như: ngành nông nghiệp phát triển chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh, nhất là kinh tế biển; chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng mà vẫn còn bị động, còn phụ thuộc nhiều vào thị trường, khí hậu... đi cùng với công tác dự báo còn những hạn chế. Phát triển ngành chưa bền vững theo chiều sâu, chưa dựa nhiều vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Đồng thời, thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường. Chưa xây dựng được các thương hiệu quốc gia mang tầm quốc tế. Việc bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, nguồn sinh thủy, tài nguyên nước còn nhiều bất cập, hạn chế, nạn phá rừng chưa được giải quyết triệt để. Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả. Đời sống một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo còn khó khăn.

Trên cơ sở khắc phục những hạn chế, bất cập, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải lựa chọn các công việc trọng tâm, trọng điểm, cân đối nguồn lực và thời gian để triển khai bảo đảm khả thi, hiệu quả nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo. “Ngành cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm dự báo chiến lược kịp thời, chính xác hơn, tổ chức thực hiện phải thiết thực, hiệu quả và mang lại giá trị gia tăng cao hơn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.

Theo đó, cần quyết tâm hơn nữa, đặt mục tiêu cao hơn cho năm 2022, cụ thể là tăng trưởng từ 3% trở lên, xuất khẩu cao hơn năm 2021; bám sát tình hình thực tiễn để triển khai, cụ thể hóa đường lối, chính sách, chủ trương về phát triển nông nghiệp trong Nghị quyết Đại hội XIII và đại hội đảng các cấp; coi trọng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp với tầm nhìn xa và tư duy đổi mới, sát thực tiễn; rà soát kỹ, phát hiện các điểm nghẽn, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp bền vững, theo chiều sâu, nâng cao năng suất lao động dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Đồng thời, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành và các sản phẩm, khai thác hiệu quả tối đa 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch với các sản phẩm đủ tiêu chuẩn; đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC, gỡ “thẻ vàng”, ngăn chặn, xử lý nghiêm tầu cá khai thác trái phép, đồng thời xử lý tốt vấn đề môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao năng lực cán bộ; tập trung làm tốt công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực, giám sát, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật; đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp; phối hợp với các bộ ngành, địa phương làm tốt công tác thống kê để có số liệu đầu vào chính xác phục vụ hoạch định chính sách phù hợp, hiệu quả, sát thực tế, giải quyết các vấn đề yếu kém, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị vào phát triển nông nghiệp.

“Phải triển khai bài bản, đồng bộ các nhiệm vụ trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, dự báo thị trường, vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mẫu mã, bao bì, nhãn mác sau thu hoạch, giải pháp về thị trường, vốn cho người nông dân và doanh nghiệp… Đây là những vấn đề rất cơ bản cần lộ trình để giải quyết với sự chia sẻ, chung tay của các bên và sự hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở dự báo thật tốt về thị trường, tình hình liên quan, xây dựng chiến lược, quy hoạch, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long, có lộ trình giảm khí thải metan theo cam kết tại COP26 trong trồng trọt, chăn nuôi và phát triển rừng. Phát triển kinh tế vùng, xây dựng chuỗi sản phẩm, liên kết vùng, liên kết quốc tế.

“Phải nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và những người yếu thế. Đây là mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Phải tập trung hoàn thành xây dựng nông thôn mới, phát huy bản sắc từng vùng miền gắn với phát triển du lịch; bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn. Làm sao để người nông dân không cần “ly nông, ly hương” vẫn có thể nâng cao đời sống, thu nhập, phấn đấu làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác