Tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025
Đăng ngày 17-12-2021 17:40, Lượt xem: 599

UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND ngày 29-11-2021 truyền thông về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm, kiến thức an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý và người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý của các cấp, các ngành trong công tác truyền thông về an toàn thực phẩm (ATTP); nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm ATTP.

Theo đó, phấn đấu hằng năm 100% người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống có kiến thức và thực hành các quy định về ATTP; 80-90% người tiêu dùng thực phẩm, đặc biệt là các đối tượng phụ nữ, nông dân, công nhân tại các nhà máy có bếp ăn tập thể thuộc các khu công nghiệp, giáo viên, nhân viên của các trường học trên địa bàn thành phố... có kiến thức chung về ATTP và phản ánh các hành vi vi phạm về ATTP qua đường dây nóng về ATTP.

Nội dung truyền thông tập trung vào việc xây dựng kế hoạch truyền thông về ATTP hằng năm và trong các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu... phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, phù hợp với từng đối tượng, từng cấp chính quyền từ thành phố đến quận, huyện và xã, phường. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về ATTP cho đội ngũ cán bộ quận, huyện, xã, phường làm công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP như kỹ thuật lấy mẫu thực phẩm; thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện (thí điểm thực hiện theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 7-9-2021 của Chính phủ); điều tra ngộ độc thực phẩm...

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tuyên truyền sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm; không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các hệ thống quản lý ATTP... trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tuyên truyền, phổ biến các quy định về vệ sinh cá nhân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh phục vụ khách hàng. Tuyên truyền các phương pháp bảo quản và lựa chọn thực phẩm. Tuyên truyền các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, các văn bản liên quan đến công tác quản lý ATTP, các văn bản quy phạm pháp luật mới của Trung ương, thành phố.

Tổ chức tuyên truyền việc áp dụng mã QR code trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm, xây dựng mã vùng trồng cho sản phẩm đặc trưng ở địa phương để người sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm biết được lợi ích thiết thực của việc áp dụng gắn mã truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm. Tuyên truyền phổ biến các mô hình sản xuất kinh doanh, các sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất, kỉnh doanh thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương... Phổ biến, hướng dẫn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm áp dụng các hệ thống quản lý Chất lượng ATTP tiên tiến (GMP, GHP, HACCP, iso 22000, VietGAP...), các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Đồng thời, tuyên truyên, phổ biến vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn. Công khai địa chỉ các cơ sờ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để người tiêu dùng biết, lựa chọn. Tuyên truyền để người tiêu dùng có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP; không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Hướng dẫn cách chọn mua, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Hướng dẫn đọc nhãn mác sản phẩm thực phẩm.

UBND thành phố giao Ban Quản lý An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền về ATTP trên địa bàn; tổ chức các chiến dịch truyền thông với nhiều hình thức đa dạng vào các đợt cao điểm như: Tết Nguyên Đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đối với các chợ đã được công nhận đảm bảo đủ điều kiện ATTP nhằm tạo động lực và khuyến khích nhân rộng việc xây dựng chợ ATTP. Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động đường dây nóng về ATTP của thành phố để tiếp nhận phản ánh, tố giác của nhân dân về cac hành vi vi phạm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông có trách nhiệm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về ATTP, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về ATTP; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp làm công tác đảm bảo ATTP. Tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo chuyên đề về sản xuất thực phẩm an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ; xây dựng mã vùng trồng cho sản phẩm thực phẩm đặc trưng ở địa phương. Sở Công Thương phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về các quy định ATTP tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý; tiếp tục tuyên truyền, vận động Công ty phát triển chợ Đà Nẵng, Ban Quản lý các chợ quận đăng ký xây dựng chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP và duy trì điều kiện đảm bảo ATTP đối với các chợ đã được công nhận trước đó.

UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ATTP, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng vê ATTP. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn xây dựng tin, bài, phóng sự... phản ánh kịp thời các thông tin về tình hình ATTP trên địa bàn và các chủ trương, chính sách mới của Trung ương, địa phương liên quan đến công tác quản lý ATTP. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, thông tin chính xác, rộng rãi các mặt hàng, sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo ATTP và các cơ sở chưa đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố để người tiêu dùng quyết định lựa chọn thực phẩm.

UBND các quận, huyện có nhiệm vụ bố trí kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền về ATTP. Tiếp tục tuyên truyền điều kiện đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biển và kinh doanh thực phẩm theo phân công, phân cấp; tuyên truyền nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; các mô hình điểm về kinh doanh thức ăn đường phố, chợ đêm... Chi đạo Đài phát thanh tuyến quận, huyện và xã, phường tham gia tuyên truyền về ATTP.

Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng thực hiện các bản tin, phóng sự tuyên truyền các quy định về ATTP trên sóng phát thanh và truyền hình; xây dựng chuyên mục truyền hình Vì An toàn thực phẩm với tần suất 2 số/tháng; xây dựng các phóng sự, trailer, khẩu hiệu phát trên sóng phát thanh. Phối hợp với Ban Quản lý ATTP xây dựng mục Tư vấn và cung cấp thông tin về ATTP nhằm giới thiệu, quảng bá các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ATTP tiên tiến (GMP, GHP, HACCP, ISO 22000, VietGAP ...) mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Biểu dương, quảng bá các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, phù hợp quy định của pháp luật.

UBND cũng đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động và giám sát công tác quản lý ATTP trên địa bàn thành phố.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác