Chính quyền đô thị và vấn đề xây dựng chính quyền đô thị tại Việt Nam
Đăng ngày 02-12-2021 14:38, Lượt xem: 4910

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ với quy mô lớn, hệ thống đô thị quốc gia phát triển nhanh, các đô thị ngày càng được mở rộng, đóng vai trò là trung tâm phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở các cấp độ khác nhau. Quá trình này diễn ra đồng thời với quá trình chuyển đổi nền kinh tế, thể chế kinh tế - chính trị và hiện đại hóa về nhiều mặt dẫn đến sự điều chỉnh không theo kịp yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh phát triển nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn đô thị cũng như đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị (CQĐT). Điều này đòi hỏi cần có tổ chức bộ máy chính quyền địa phương với năng lực điều hành hiệu quả CQĐT, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân ở đô thị.

Theo đóCQĐT là một dạng cụ thể của chính quyền địa phương (CQĐP), được tổ chức phù hợp với các đặc điểm của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các điều kiện tự nhiên của đô thị, nhằm quản lý đô thị và mang đầy đủ đặc điểm cơ bản của CQĐP.

CQĐT vừa thể hiện các vấn đề chung của CQĐP về bản chất, vị trí, vai trò, chức năng đại diện của nhân dân và các mối quan hệ giữa chính quyền các cấp theo quy định của pháp luật, vừa thể hiện các yêu cầu đặc thù riêng của phương thức tổ chức, quản lý và phát triển đô thị.

Cần phân biệt giữa CQĐT với chính quyền nông thôn để có nội dung và hình thức tổ chức thực hiện công tác quản lý và vận hành đô thị hiệu quả.

Nội dung

Đô thị

Nông thôn

Lãnh thổ

Một thể thống nhất, liên hoàn, không thể chia cắt thành bộ phận riêng lẻ.

Lãnh thổ bị chia cắt, đứt đoạn và không liên tục. Địa giới hành chính trùng với địa giới khác, nhất là địa giới kinh tế.

Quy mô dân số

Quy mô dân số lớn, dân tập trung đông, cơ cấu đa dạng phức tạp (dân nhập cư, khách vãng lai). Trình độ dân trí cao, nhu cầu đa dạng có tính chất khép kín và tính tự quản cao. Người dân sống phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường.

Quy mô dân số nhỏ, lẻ, người dân tập trung thưa thớt, phân bố không đồng đều, trình độ dân trí thấp, cơ cấu dân số đơn giản. Người dân có lối sống đoàn kết, cởi mở, mang đậm chất của phong tục, tập quán. Người dân sống không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, có thể tự cung, tự cấp được.

Kinh tế

 Có tính đa ngành, đa lĩnh vực. Kinh tế tập trung chủ yếu là các ngành phi nông nghiệp (công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch..). Có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tạo nguồn thu chủ yếu cho ngân sách Quốc gia.

Tập trung chủ yếu là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Cơ cấu kinh tế có tính chất đơn ngành.

 

Cơ sở hạ tầng

Có tính chất liên hoàn, phức tạp, tạo thành mạng lưới thống nhất, có tính xuyên suốt, đồng bộ bao gồm: cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội.

 Khá đơn giản, chưa có sự liên hoàn và đồng bộ.

Đặc điểm chính quyền đô thị xuất phát từ đặc thù về quản lý nhà nước ở vùng đô thị, CQĐT thường có hai đặc điểm khác biệt so với chính quyền nông thôn. Thứ nhất, được tổ chức rút gọn một số cấp chính quyền. Thứ hai, người đứng đầu chính quyền đô thị do dân bầu trực tiếp hay nói cách khác bộ máy chính quyền được tổ chức theo mô hình thị trưởng. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, dân trí cao, thì đặc điểm thứ hai này được mở rộng áp dụng cả với vùng nông thôn.

Lợi ích xây dựng chính quyền đô thị sẽ mang lại bộ máy quản lý đô thị trở nên tinh gọn do giảm bớt cấp chính quyền, thủ tục hành chính được cắt giảm, thời gian triển khai các kế hoạch được nhanh hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý của một đô thị đông dân sẽ làm cho bộ máy chính quyền thành phố phản ứng nhanh nhạy, hoạt động thông suốt hơn.


Hội thảo "Phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị"  do UBND thành phố tổ chức vào ngày 25-3-2021

Việc tinh gọn bộ máy quản lý sẽ thực hiện tinh giản biên chế, đây cũng là cơ hội để đổi mới, sắp xếp và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, tiết kiệm chi ngân sách từ giảm thủ tục hành chính và tinh giảm biên chế, tăng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, doanh nghiệp.

Xây dựng chính quyền đô thị gắn với xây dựng đô thị thông minh, cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến mạnh mẽ sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân. Ngoài ra, việc xây dựng chính quyền đô thị cũng khiến trách nhiệm của cơ quan hành chính rõ ràng hơn.

Hệ thống đô thị ở Việt Nam phát triển nhanh trong những năm gần đây. Quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước trong thời kỳ mở cửa, hội nhập.

Song song đó, việc đổi mới mô hình, tổ chức, phương thức hoạt động của CQĐT đã và đang là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Các cơ quan nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, trong đó có CQĐT.

Tuy nhiên, việc quản lý đô thị hiện nay cũng tồn tại một số bất cập như việc quy định tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương hiện nay tạo ra một bộ máy quản lý tương tự như nhau giữa các địa phương mặc dù đặc điểm địa bàn quản lý rất khác nhau.

Tổ chức chính quyền theo quy định hiện hành phân thành thang bậc trên dưới theo cơ chế hành chính, cứng nhắc, thiếu linh hoạt, không phù hợp với tính chất, mức độ, đặc điểm phát triển đa dạng của các địa phương, thậm chí gần như nhất loạt, rập một khuôn, không có sự phân biệt giữa đô thị và các vùng miền khác. Do chưa phân định rõ sự khác biệt trong chức năng quản lý hành chính nhà nước ở địa bàn nông thôn và địa bàn đô thị, đặc điểm của cộng đồng dân cư nông thôn và cộng đồng dân cư đô thị, mô hình tổ chức nhà nước hiện hành chế định khung pháp lý chung cho chính quyền địa phương (cả nông thôn và đô thị), dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý như việc phân công theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cấp; giữa phường, thị trấn và xã trên một số lĩnh vực chưa rõ.


HĐND thành phố tổ chức các buổi giám sát việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương trên địa bàn thành phố

Mặc dù Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có bổ sung một số nhiệm vụ đối với chính quyền đô thị, nhưng về cơ bản thẩm quyền, mô hình tổ chức chính quyền ở đô thị không khác ở nông thôn. Chính quyền địa phương phải thành lập số lượng cơ quan chuyên môn thống nhất ở mỗi cấp là khá nhiều, số lượng cơ quan chuyên môn được thành lập theo đặc điểm, yêu cầu của địa phương tương đối ít (thành phố Đà Nẵng thực hiện thành lập đơn vị mới trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu thực tế, là điều kiện cần để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi quy mô quản lý, điều hành ngày càng lớn.

Năm 2016, Sở Du lịch và Sở Văn hóa và Thể thao được thành lập trên cơ sở chia tách từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; năm 2017, UBND thành phố công bố Quyết định số 1268/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Đà Nẵng là địa phương thứ hai sau TP Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm mô hình Ban Quản lý ATTP tập trung, thống nhất). Điều này dẫn đến mô hình tổ chức quản lý nhà nước ở đô thị và nông thôn gần như là tương đồng, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý của mỗi địa phương.

Xét trên toàn cục trong quản lý địa bàn đô thị việc quy định như vậy còn quá đơn giản, khiếm khuyết và không đầy đủ. Đây chính là nguyên nhân làm hạn chế trách nhiệm và quyền hạn của UBND các cấp vì nhiệm vụ điều hành quản lý ở địa bàn đô thị có nhiều khác biệt về tính chất và nội dung quản lý với địa bàn nông thôn, đưa đến những bất cập trong việc quản lý đô thị.

Trước sự phát triển nhanh của tiến trình CNH, HĐH, hội nhập quốc tế của nền kinh tế thị trường, năng lực về thể chế, tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật vẫn còn những hạn chế, tồn tại chưa đáp ứng yêu cầu của tốc độ phát triển, nhất là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công cộng.

Năng lực của CQĐT chưa bắt kịp tốc độ phát triển nhanh của quá trình đô thị hóa, quản lý còn lúng túng, kém hiệu quả; còn hạn chế trong tổ chức kiểm tra, giám sát trật tự xây dựng và an toàn giao thông đô thị; chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, yêu cầu đổi mới vai trò, chức năng của CQĐT, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐT với năng lực thực thi công vụ và ý thức trách nhiệm; đạo đức công chức đang còn bất cập, yếu kém, không tương thích trong một bộ phận đáng kể đội ngũ cán bộ, công chức của CQĐT hiện nay.

Về mô hình thí điểm xây dựng CQĐT hiện nay tại Đà Nẵng, theo đó ngày 19-6-2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 119/2020/QH14 “Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”: Chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND thành phố và UBND thành phố.

Chính quyền địa phương ở các quận thuộc thành phố Đà Nẵng là UBND quận. Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận tại thành phố Đà Nẵng là UBND phường. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của thành phố Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc thí điểm tổ chức mô hình CQĐT tại thành phố Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1-7-2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Trên cơ sở lý luận về CQĐT, quá trình đô thị hóa, thực trạng đô thị ở Việt Nam trong những năm gần đây, hệ thống văn bản liên quan đến CQĐT và việc áp dụng thí điểm tổ chức mô hình CQĐT đối với các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thực hiện ngay ở thành phố Hồ Chí Minh, theo đó, khi triển khai xây dựng CQĐT tại Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề chủ yếu như sau:

Một là, không có một mô hình mẫu về CQĐT áp dụng chung cho tất cả các quốc gia. Mỗi đô thị, tùy thuộc đặc điểm địa lý, số lượng, mật độ dân cư để lựa chọn mô hình chính quyền phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý địa phương. Điều kiện kinh tế - xã hội, thể chế nhà nước, đặc điểm dân cư, truyền thống lịch sử, văn hóa khác nhau của các quốc gia cũng như các đô thị trong một quốc gia là cơ sở tạo nên sự đa dạng về mô hình tổ chức của CQĐT.

Hai là, xây dựng và ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, xây dựng và hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Phải có sự phối hợp triển khai đồng bộ của các cơ quan Trung ương (Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành) trong việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương và CQĐT, để có những thay đổi cơ bản, toàn diện, mạnh mẽ, tạo hành lang pháp lý chắc chắn cho CQĐT hoạt động hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo hướng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý, thống nhất, liên thông, minh bạch. 

Ba là, việc triển khai thí điểm mô hình CQĐT cần có bước đi thận trọng, đẩy mạnh phân cấp cho CQĐT, bảo đảm cho chính quyền mỗi cấp quyền tự chủ (tự quản) trong các lĩnh vực từ ngân sách, tài chính, tổ chức bộ máy, biên chế đến quản lý dân cư, bảo vệ môi trường...

Bốn là, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị phải sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại hoặc bị giải thể sẽ dẫn đến một số cán bộ, công chức phải chuyển đổi công tác, bị dôi dư hoặc không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức bộ máy mới, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và chế độ, chính sách đối với số cán bộ, công chức này... Do vậy, đòi hỏi phải triển khai các biện pháp đồng bộ để giải quyết tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức này. Mặt khác, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục đổi mới tư duy, tác phong, phương pháp làm việc; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, am hiểu pháp luật và xu thế phát triển, hội nhập quốc tế; tinh thông nghiệp vụ và có năng lực để bắt kịp quá trình phát triển theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng đô thị thông minh và hội nhập quốc tế…

Năm là, đẩy mạnh cơ chế giám sát của người dân đối với hoạt động CQĐT. Trong trường hợp không tổ chức HĐND ở cấp huyện, quận, phường, xã thì cần phải xây dựng cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân để tránh lạm quyền khi làm việc theo chế độ Thủ trưởng. Phải tuyển chọn được người lãnh đạo đủ phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và tận tụy để đáp ứng được sự hài lòng của người dân nhằm góp phần phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân. Do đó, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của xã hội đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và CQĐT nói riêng, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với hoạt động của UBND, phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề ở địa phương, thay thế chức năng giám sát do không tổ chức HĐND. 

Sáu là, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị đô thị, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh. Tiếp tục hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả khung kiến trúc CQĐT theo chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu quản lý và phù hợp với việc thí điểm thực hiện mô hình CQĐT. Tăng cường ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin để từng bước mở rộng việc cung cấp các loại hình dịch vụ công và vận hành thông suốt hệ thống thông tin trong hoạt động điều hành, tác nghiệp của các cơ quan, đơn vị, tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Kết nối và vận hành thông suốt các phần mềm quản lý tác nghiệp, điều hành giữa các đơn vị trong thành phố và giữa thành phố với Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xây dựng CQĐT là một yêu cầu khách quan, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế. Với tốc độ đô thị hóa đang ngày càng diễn ra nhanh và quy mô lớn như hiện nay, việc xây dựng chính quyền đô thị là đòi hỏi tất yếu, cần có lộ trình, cách thức triển khai và phải được nghiên cứu nghiêm túc, toàn diện để hướng tới xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đất nước trong giai đoạn mới.

Tiến sĩ Lê Đức Viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác