Nâng cao hiệu quả phân loại chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng tại nguồn
Đăng ngày 27-11-2021 17:52, Lượt xem: 1825

Chiều 26-11, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến Đánh giá công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phục vụ mục tiêu quản lý chất thải bền vững. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng và PGS. TS. Phạm Duy Hoà, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo Đánh giá công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phục vụ mục tiêu quản lý chất thải bền vững

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn bước đầu đạt hiệu quả, công tác quản lý chất thải rắn xây dựng chưa được quan tâm đúng mức

Trong khuôn khổ chương trình Hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ cho phát triển bền vững (SATREPS) do Cơ quan Khoa học và công nghệ Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ, tháng 6-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam” với trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Với mục tiêu xác định thực trạng về quản lý chất thải rắn xây dựng tại Đà Nẵng nhằm đề xuất những định hướng giải pháp quản lý phù hợp cho thành phố, sau hơn một năm thực hiện khảo sát, nhóm nghiên cứu Đại học Xây dựng Hà Nội đã hoàn thành báo cáo “Quản lý chất thải rắn xây dựng tại Đà Nẵng: Hiện trạng và đề xuất”.

Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy, công tác quản lý chất thải rắn xây dựng tại Đà Nẵng hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, công tác tuyên truyền, tuân thủ các chính sách về quản lý chất thải rắn xây dựng ở mức độ thấp; hoạt động tái chế chất thải rắn xây dựng chủ yếu ở việc tái sử dụng cho khâu san lấp mặt bằng, tình trạng đổ chất thải rắn xây dựng trái phép diễn ra khá phổ biến. Thành phố chưa có doanh nghiệp thu gom chất thải rắn xây dựng chuyên nghiệp; quy hoạch các bãi tập kết, chôn lấp chất thải rắn xây dựng chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, nhận thức của các bên liên quan về tầm quan trọng của việc xử lý và tái chế chất thải rắn xây dựng còn khá thấp; tốc độ đô thị hóa nhanh chóng; thiếu hướng dẫn chính thức trong việc vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng, và định mức cho những hoạt động này.

Tình trạng đổ trái phép chất thải rắn, chất thải xây dựng tại các bãi đất trống

Đà Nẵng đã có kế hoạch tổng thể quy hoạch các bãi tập kết, chôn lấp chất thải rắn xây dựng trên toàn thành phố kể từ nắm 2016. Tuy nhiên, quy hoạch này vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Trong số 14 địa điểm được quy hoạch, chỉ có một địa điểm đã đi vào hoạt động. Việc đổ chất thải rắn xây dựng bất hợp pháp vẫn phổ biến trên địa bàn thành phố, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan của một thành phố du lịch.

Báo cáo tại hội thảo, Phó Chi cục Trưởng Cục bảo vệ môi trường thành phố Nguyễn Thị Kim Hà cho biết, thực hiện Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 theo Quyết định 577/QĐ-UBND ngày 11-4-2019, giai đoạn 2019-2021, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố được thu gom, xử lý trên 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế, tái sử dụng ước đạt từ 8 - 12%. Tổng khối lượng rác tái chế được thu gom đạt 1.500 tấn, rác nguy hại là 3,34 tấn và rác có kích thước lớn là 1.100 tấn.

Tỷ lệ các tổ dân phố thực hiện phân loại rác tại nguồn chiếm tỉ lệ 83% trên tổng số tổ dân phố thành phố. Tuy nhiên, tỷ lệ các hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn chỉ đạt ở mức trung bình (63%). Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện phân loại rác tại nguồn ở mức trung bình (dưới 60%), đặc biệt quận Liên Chiểu có tỷ lệ phân loại rác tại nguồn thấp nhất (16%).

Mô hình thu gom pin cũ tại khu dân cư

Cùng với việc triển khai phân loại rác tại nguồn, hệ thống văn bản chính sách, quy định về quản lý phân loại rác tại nguồn, quản lý rác tại nguồn cơ bản được ban hành đồng bộ. Các ngành, quận/huyện sớm hoàn thiện phương thức phân loại, lưu chứa và thu gom phân loại rác tại nguồn cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa bàn dân cư. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật về thu gom và vận chuyển chất thải rắn trong đô thị dần được cải thiện, hướng tới ổn định trong năm 2022-2023, góp phần hoàn thiện phương thức triển khai 3R - Giảm thiểu (Reduce), tái chế (Recycle) và tái sử dụng (Reuse) giai đoạn đầu, đặc biệt đối với nhóm rác thải kích cỡ lớn và phế thải xây dựng.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, dù còn nhiều khó khăn, bất cập, qua 2 năm triển khai thực hiện, công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố bước đầu đạt thu được những kết quả nhất định, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, sự tham gia vào cuộc của nhiều hội đoàn thể. Hoạt động truyền thông được chú trọng thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của cộng đồng. Nhiều mô hình hay, hiệu quả được triển khai và nhân rộng như: “Thùng thu gom rác thải nhựa” đặt tại các khu du lịch, di tích, công cộng; mô hình thu gom pin cũ tại khu dân cư; “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”; “Tận dụng vải bạt cũ may túi”; “Trồng cây chuối lấy lá” hạn chế sử dụng túi nilông…

Tiếp tục quản lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng tại nguồn

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng nhận định, trong công tác quản lý tổng hợp về rác thải, triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một trong những giải pháp cơ bản, góp phần xử lý chất thải rắn ở các đô thị theo hướng tuần hoàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên từ rác. “Giải pháp này đã được lãnh đạo thành phố, Lãnh đạo HĐND thành phố rất quan tâm, đánh giá hết sức cần thiết để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, thành phố môi trường trên tinh thần Nghị quyết 204/NQ-HĐND của HĐND thành phố về quản lý chất thải rắn đến năm 2025 và đề ra mục tiêu cụ thể về phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn. Và đặc biệt, công tác này hoàn toàn phù hợp với Luật bảo vệ môi trường 2020 sắp có hiệu lực từ năm 2022”, ông Tô Văn Hùng thông tin.

Bên cạnh chất thải rắn tái chế, vấn đề quản lý, xử lý chất thải rắn xây dựng đang là vấn đề nóng, chưa được giải quyết cơ bản ở các đô thị nói chung và ở thành phố Đà Nẵng nói riêng. Vẫn còn tình trạng chủ đầu tư, người dân đã tìm mọi cách để giảm chi phí xử lý chất thải nên đã đổ trộm chất thải rắn ra đường, khu vực ít dân cư, những lô đất trống hay các khu vực ven hồ, ao... Điều này góp phần ô nhiễm môi trường, gây xấu cảnh quan, ảnh hưởng đến sự phát triển hạ tầng đô thị của thành phố trong tương lai.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận báo cáo nghiêm cứu trong khuôn khổ dự án dự án “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam”

PGS. TS. Phạm Duy Hoà cho biết, thời gian đến, dự án “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam” tiếp tục nghiên cứu tập trung vào thực trạng thu gom, thành phần vật liệu và dòng chất thải rắn xây dựng từ các công trình xây dựng, phá dỡ; tình trạng đổ chất thải rắn xây dựng trái phép, đặc biệt tại các khu vực ảnh hưởng cảnh quan du lịch của thành phố; nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý và mô hình tái chế chất thải rắn xây dựng phù hợp cho đối với Đà Nẵng; đề xuất xây dựng đề án tổng thể về quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng nhằm bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Về phía thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xây dựng và nhân rộng các mô hình về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, quản lý rác thải nhựa; thúc đẩy tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đồng thời, tăng cường kêu gọi các dự án quốc tế hỗ trợ các địa phương thực hiện quản lý chất thải rắn, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và quản lý rác thải nhựa; nghiên cứu phương thức tổ chức phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt sát với quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Hoạt động truyền thông tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của cộng đồng

Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện nghiên cứu về phương thức tổ chức phân loại chất thải rắn xây dựng tại nguồn, tổ chức triển khai ở một số quận, huyện; xây dựng Bộ tiêu chí và thực hiện đánh giá kết quả thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt cho từng nhóm đối tượng; hoàn thiện Bộ cơ sở dữ liệu về chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố; tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ  thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách quản lý chất thải rắn xây dựng đến người dân và các bên liên quan; xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư xử lý và tái chế chất thải rắn xây dựng trên địa bàn thành phố.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, việc UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 1099/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030, đánh dấu bước quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng đô thị sinh thái, phát triển bền vững của thành phố; phù hợp với tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội ban hành. Với đề án này, hiện nay, các sở, ngành, địa phương của thành phố đã và đang nỗ lực thực hiện, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước.

“UBND thành phố cũng vừa phê duyệt Quyết định số 3743/QĐ-UBND ngày 23-11-2021 về tiếp nhận Dự án “Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải tại thành phố Đà Nẵng do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ (giai đoạn 2) với tổng mức tài trợ trên 15 tỷ đồng. Đây là một trong những nguồn lực kỹ thuật rất lớn để thành phố triển khai công tác quản lý, phân loại chất thải rắn đạt hiệu quả hơn nữa”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho biết.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác