Xây dựng định hướng phát triển công nghiệp – thương mại trong tổng thể quy hoạch chung thành phố
Đăng ngày 26-11-2021 20:50, Lượt xem: 921

Ngày 26-11, Sở Công thương tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo Báo cáo các nội dung đề xuất thuộc lĩnh vực công thương, hiện trạng và định hướng phát triển công nghiệp – thương mại, tích hợp vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Thuý Mai chủ trì hội thảo.

Hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo Báo cáo các nội dung đề xuất thuộc lĩnh vực công thương, hiện trạng và định hướng phát triển công nghiệp – thương mại, tích hợp vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Đánh giá, phân tích rõ chất lượng tăng trưởng tăng trưởng của ngành công nghiệp để có định hướng phù hợp

Giai đoạn 2011-2020, quy mô giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng bình quân 6,4%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thành phố. Cơ cấu giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp đã có sự chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành. Công nghiệp hỗ trợ bước đầu phát triển, thu hút được một số dự án đầu tư mới. Tổng vốn đầu tư thu hút vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2015-2020 ước đạt trên 9.000 tỷ đồng. Tỷ trọng VA của các ngành công nghiệp hỗ trợ trong cơ cấu VA toàn ngành công nghiệp thành phố tăng từ 17,1% năm 2011 lên khoảng 20,9% năm 2020. Dự kiến, khi các dự án lớn đi vào hoạt động sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về tỷ trọng của VA công nghiệp hỗ trợ trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp.

Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1) được đầu tư tương đối hoàn thiện, hứa hẹn sẽ là động lực mới có tính quyết định đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố và toàn khu vực, thông qua phát triển ứng dụng và thương mại hóa công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao phục vụ mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Hoạt động xuất khẩu có sự phát triển đáng kể, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp tăng bình quân 8,8%/năm. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của thành phô cũng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp, giảm tỷ trọng hàng nông lâm sản.

Giai đoạn 2021-2030, đề án đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 12%, trong đó thời kỳ 2021 - 2025 đạt trên 9,5%/năm và thời kỳ 2026 - 2030 đạt 14,5%/năm. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế thành phố đến năm 2025 đạt 24 - 26%; năm 2030 đạt 25 - 27%; thời kỳ 2031 - 2050 đạt trên 30%. Tỷ trọng công nghiệp duy trì ở mức 19-21% trong cả thời kỳ 2021 - 2030. Tỷ trọng các ngành này trong cơ cấu VA toàn ngành công nghiệp chế biến đến năm 2025 chiếm trên 33%, đến năm 2030 chiếm gần 50%; đến năm 2030, giá trị công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 40% trong cơ cấu VA ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của thành phố.

Thu hút và sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành với hệ số ICOR thời kỳ 2021-2025 và 2026-2030 duy trì trong khoảng từ 3-4. Tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp thời kỳ 2021-2025 đạt 8,0%/năm; thời kỳ 2026-2030 đạt trên 9,0%/năm; 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

GS.TS Nguyễn Trường Sơn, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại Học Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo

Tham gia phản biện tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Trường Sơn, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại Học Đà Nẵng, cho rằng, nội dung của báo cáo chỉ mới thể hện được tình hình công nghiệp của Đà Nẵng, thiếu hoặc rất ít việc so sánh với công nghiệp các tỉnh/thành trong khu vực, cả nước hoặc quốc tế; do vậy mới chỉ cho biết được công nghiệp Đà Nẵng thay đổi hay không so với chính mình mà chưa thể so sánh với địa phương khác, nhất là các địa phương trong cùng khu vực.

“Một nội dung rất quan trọng là chất lượng tăng trưởng và sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp. Theo quan điểm của tôi, đây cần là nội dung chính của báo cáo và cần tách thành một phần riêng biệt, với những phương pháp phân tích hiện đại hơn sẽ làm sáng tỏ mối liên hệ nhân quả trong phát triển công nghiệp hiện nay”, GS.TS Nguyễn Trường Sơn nhận định.

Theo GS.TS Nguyễn Trường Sơn, việc đánh giá sự phát triển công nghiệp của thành phố trong thời gian qua nên chú trọng việc so sánh và phân tích kết quả đạt được với các chỉ tiêu kế hoạch hoặc quy hoạch của chính quyền, để từ đó có cơ sở hơn trong việc lý giải nguyên nhân dẫn đến sự thành công hoặc hạn chế từ góc độ quản lý vĩ mô của nhà nước. Bên cạnh đó, để lý giải rõ hơn những thành tựu và hạn chế, cần tập trung phân tích hiệu lực và hiệu quả của các chính sách phát triển công nghiệp của thành phố, môi trường kinh doanh của thành phố bên cạnh phân tích doanh nghiệp.

TS. Võ Văn Lợi, Trưởng khoa Quản lý Kinh tế, Học viện Chính trị Khu vực 3, cho rằng, cần lãm rõ hơn nguyên nhân khách quan, sự tác động mang tính chất toàn khu vực dẫn đến ngành công nghiệp thành phố chưa phát triển mạnh thời gian qua; đồng thời, cần bổ sung thêm quan điểm về liên kết vùng trong quan điểm định hướng phát triển công nghiệp thành phố thời gian đến. “Báo cáo cần đưa ra dự báo gắn với sự tác động của đại dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay, dự báo sự dịch chuyển của đầu tư sau đại dịch, cũng như nhu cầu về lực lượng lao động để định hướng ngành công nghiệp Đà Nẵng phát triển bền vững. Đồng thời, cần đề xuất rõ hơn các cơ chế đặc thù để thu hút các dự án động lực, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ xứng tầm”, TS. Võ Văn Lợi đề xuất.

Đa dạng hóa hình thức kết nối để phát triển thị trường thương mại

Theo đánh giá, giai đoạn 2011-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa theo giá hiện hành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tăng 1,7 lần (nếu chỉ tính trong giai đoạn 2011-2019 thì tăng 1,8 lần). Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng từ 32.474 tỷ đồng vào năm 2011 lên 59.230 tỷ đồng vào năm 2019, sau đó giảm xuống còn 56.632 tỷ đồng vào năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19. Thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố tạo được liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, từng bước phát huy vai trò là đầu mối trung chuyển, giao lưu hàng hoá, dịch vụ.

Trong giai đoạn 2011-2020, thành phố đã phát triển thêm 38 trung tâm thương mại, siêu thị, góp phần nâng cao hiệu quả mô hình bán lẻ hiện đại trên địa bàn thành phố. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2011- 2020; hiện nay, hàng hóa của doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng đã xuất khẩu đi hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hạ tầng logistics của thành phố khá đa dạng, ngày càng được quan tâm đầu tư. Thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều chương trình, dự án, đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và thương mại điện tử.

Mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố đạt bình quân 8 - 10%/năm, tăng 10 - 12%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030; trong đó, phấn đấu tăng tỷ trọng bán lẻ hàng hóa qua hệ thống phân phối hiện đại trong tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng lên mức tối thiểu 45% (năm 2025) và 65% (năm 2030). Đến năm 2025, thành phố Đà Nẵng thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về thương mại điện tử của cả nước; 90% doanh nghiệp có tài khoản giao dịch thương mại điện tử; tối thiểu 50% dân số tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến; các trung tâm logistics tại thành phố đáp ứng được khoảng 30% lượng xử lý logistics cho luồng hàng hóa qua cảng biển.

Thời kỳ 2021-2030, đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt bình quân 8 - 9%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,0% so với cả nước; tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt bình quân 7,5 - 8,5%/năm. Đến năm 2030, trên địa bàn thành phố có 2 chợ bán buôn (chợ đầu mối Hòa Phước, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang); xây dựng mới 20 chợ bán lẻ; đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô và nâng hạng 30 chợ bán lẻ; phát triển mới 10 siêu thị; xây dựng trung tâm thương mại miễn thuế (duty free), cửa hàng (outlet) đẳng cấp tại khu vực Tây Bắc thành phố.

Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, Đại học Kinh tế - Đại Học Đà Nẵng, trong phân tích tăng trưởng kinh tế nói riêng và các hoạt động kinh tế nói chung, cần chia ra hai giai đoạn: từ năm 2011-2019 trong điều kiện bình thường; năm 2020 riêng do đại dịch và dùng để đánh giá ảnh hưởng tới kinh tế và thương mại dịch vụ. Cơ cấu kinh tế nếu chia theo 2 giai đoạn như trên cũng sẽ khác, từ đó chỉ ra những thay đổi của cơ cấu ngành kinh tế, thành phần kinh tế.

“Trong phân tích, đánh giá những đóng góp của ngành thương mại vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng, cần xem xét vai trò của thương mại trên các góc độ: đóng góp vào GRDP thành phố; đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố; đóng góp ngân sách; sự tác động tới ngành dịch vụ; tạo công ăn việc làm”, PGS.TS Bùi Quang Bình nêu quan điểm.

PGS.TS Bùi Quang Bình cũng cho rằng, các kịch bản tăng trưởng cần xem xét lại thực tế giai đoạn 2021-2025 đối với Việt Nam, tất cả các dự báo đều hạ mức tăng trưởng GDP do tác động dài hạn của đại dịch và giá nguyên vật liệu thế giới tăng cao. “Kinh tế thành phố Đà Nẵng năm 2020 và 2021 đều tăng trưởng âm. Năm 2022 nếu có tăng trưởng cũng sẽ khá thấp. Do vậy, báo cáo cần nghiên cứu để đưa ra kịch bản tăng trưởng sát hơn với thực tế tình hình hiện nay”, PGS.TS Bùi Quang Bình  phát biểu.

ThS. Trương Thị Xuyến, Tổ công tác khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Cục Xúc tiên thương mại (Bộ Công Thương) tại Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu phản biện tại hội thảo, ThS. Trương Thị Xuyến, Tổ công tác khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Cục Xúc tiên thương mại (Bộ Công Thương) tại Đà Nẵng đề xuất bổ sung Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17-3-2021 phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 làm căn cứ xây dựng đề án, bởi đây là quan điểm, tiền đề để triển khai có hiệu quả các hoạt động phát triển thị trường thương mại trong nước. Bên cạnh đó, cần làm rõ nguyên nhân sự sụt giảm mạnh vốn đầu tư phát triển ngành thương mại cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư toàn thành phố và trong vốn đầu tư toàn ngành dịch vụ, đặc biệt là sự sụt giảm mạnh và rõ nhất trong năm 2018-2019, từ đó đề ra giải pháp khắc phục và định hướng thu hút vốn đầu tư trong giai đoạn đến.

ThS. Trương Thị Xuyến cũng đề xuất giải pháp phát triển xuất nhập khẩu theo hướng tập trung ưu tiên hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến như hội nghị kết nối giao thương, đoàn giao dịch thương mại, hội chợ triển lãm...; khai thác thị trường đã có FTA với Việt Nam. Phân bổ nguồn lực xúc tiến xuất khẩu phù hợp để duy trì các thị trường truyền thống và khai thác các thị trường tiềm năng, các thị trường mà doanh nghiệp, hiệp hội khó tiếp cận.

“Đối với giải pháp phát triển thị trường, nên bổ sung giải pháp đa dạng hóa hình thức tổ chức các hoạt động thương mại; phối kết hợp, lồng ghép nhiều sự kiện từ các cơ quan Trung ương và các tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp diễn ra trên địa bàn, nhằm tổ chức các hoạt động thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu và tham gia vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ThS. Trương Thị Xuyến phát biểu.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác