Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Đăng ngày 25-10-2021 10:08, Lượt xem: 390

UBND thành phố vừa ban hành Công văn số 6613/UBND-SCT ngày 30-9-2021 yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.

Cụ thể, UBND thành phố giao các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn mới; trong đó tập trung nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hiểu, đánh giá đúng về khả năng sản xuất, chất lượng hàng Việt Nam và các sản phẩm “Tinh hoa hàng Việt Nam”, khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp Việt, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 14-6-2021 về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, khắc phục những bất cập, hạn chế gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Định kỳ hàng năm đánh giá kết quả thực hiện; 5 năm sơ kết, 10 năm tiến hành tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW; biểu dương các tập thể, cá nhân, các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín ở địa phương, đơn vị, cơ sở.

UBND thành phố giao Sở Công Thương là cơ quan thường trực, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm triển khai, đôn đốc việc thực hiện các nội dung tại văn bản này; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố định kỳ, theo yêu cầu. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện, đề xuất triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng và phát triển thương hiệu... Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt nhằm giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, phát triển các sản phâm đặc trưng của thành phố có khả năng cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế.

Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố trên cả nước; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam tại các khu vực tập trung đông dân cu, khu công nghiệp, khu chế xuẩt, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo hướng bền vững.

Sở Công Thương  có trách nhiệm tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ giới thiệu các sản phẩm hàng Việt Nam uy tín, chất lượng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm OCOP Đà Nẵng… vận động doanh nghiệp, tổ chức đưa hàng Việt Nam về nông thôn, các xã cách xa trung tâm huyện Hòa Vang và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lồng ghép với quảng bá, giới thiệu hàng Việt Nam tới tay người tiêu dùng. Tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hóa.

UBND thành phố cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam. Hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí và hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sản phẩm thế mạnh, sản phẩm đặc trưng của thành phố; các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam nói chung và của Đà Nẵng nói riêng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành triển khai Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2276/QĐ-UBND ngày 23-5-2019; nghiên cứu, xây dựng mô hình các chuỗi cung ứng bền vững từ sản xuất - phân phối - tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế, Cục Hải quan, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ quan báo, đài tiếp tục xây dựng các chuyên mục, chuyên đề, bài viết tuyên truyền về sản phẩm thế mạnh, sản phẩm đặc trưng của thành phố trên các kênh truyền hình, báo đài; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ giới thiệu, quảng sản phẩm, hàng hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng.

UBND thành phố đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội/hội doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình, hoạt động triển khai Cuộc vận động trên địa bàn thành phố như tham gia các hội chợ triển lãm, chương trình bán hàng Việt, đưa hàng về nông thôn...; tham gia cung cấp hàng hóa cho các điểm bán hàng Việt “Tự hào hàng Việt Nam”, đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ nhằm bảo vệ uy tín của doanh nghiệp, hàng Việt Nam và quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phầm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam; công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hoá Việt.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, kiến nghị, các sở, ban, ngành, đơn vị phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ cho phù hợp, kịp thời.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác