Chủ động thích ứng linh hoạt với dịch, xây dựng các kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế - xã hội năm 2022
Đăng ngày 21-10-2021 16:29, Lượt xem: 833

Sáng 21-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại tổ về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội; giải pháp phòng, chống dịch COVID-19; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022, … và một số nội dung quan trọng khác.

Tại điểm cầu Đà Nẵng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng chủ trì buổi thảo luận tổ số 4.

Xây dựng các kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế - xã hội năm 2022

Qua thảo luận, đa số ý kiến phát biểu đều đồng tình cao với nhiều nội dung trong báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ.

Góp ý vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho rằng, tác động của dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều lao động mất việc làm, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, nhiều người lao động từ các thành phố về quê. Do đó, Chính phủ cần rà soát, bổ sung các đối tượng yếu thế được thụ hưởng theo chính sách của Nghị quyết số 68/NQ-CP và một số nghị quyết khác của Chính phủ, có đánh giá tác động qua việc hỗ trợ của người dân về sự thay đổi, chuyển biến, đánh giá tính hiệu quả của chính sách.

Theo đại biểu Minh, cần xây dựng phương án, giải pháp ứng phó với hệ lụy từ làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương; khắc phục đứt gãy nguồn cung lao động, thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để khôi phục năng lực sản xuất...; đồng thời xử lý nghiêm minh những trường hợp trục lợi chính sách để tuyên truyền, răn đe, rút kinh nghiệm cho các gói hỗ trợ khác của Chính phủ thời gian tới.


Đại biểu Nguyễn Duy Minh tham gia ý kiến tại tổ

Đại biểu Nguyễn Duy Minh cũng kiến nghị, qua báo cáo thẩm tra cho thấy ít doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ. Ngoài ra, việc hỗ trợ tiền điện đợt 4 cho người dân, doanh nghiệp tương đối ít; nhiều địa phương trong đó có thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách nhưng không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện sinh hoạt.

Liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn đại biểu chuyên trách Quốc hội thành phố bày tỏ quan điểm, Chính phủ nên tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hiệu quả, sát với doanh nghiệp để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, như chính sách tài khóa, tiền tệ, đặc biệt cần chú trọng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.


Đại biểu Trần Chí Cường tham gia ý kiến tại buổi thảo luận

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, thời gian qua, cùng với kiểm soát dịch, Chính phủ đã có nhiều giải pháp giữ vững kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát; có 8/12 chỉ tiêu đạt được theo kế hoạch đề ra; công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tội phạm được kiềm chế.

Về tình hình thời gian tới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, hiện nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguồn tiêm vaccine không đồng đều, giá dầu tăng nhanh, nguy cơ thiếu hụt nguồn khí đốt, thiếu nguồn lao động ở các quốc gia... sẽ có những tác động lớn đến nền kinh tế của Việt Nam.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng kiến nghị, Chính phủ cần phân tích sâu sắc, rõ nét hơn bối cảnh quốc tế và trong nước tác động như thế nào đến phát kinh tế -xã hội năm 2022. Cụ thể như đánh giá về sức chống chọi của doanh nghiệp Việt Nam; phân tích những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt hiện nay; vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng.

Về kịch bản tăng trưởng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của cả nước là 6-6,5%, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị trên cơ sở diễn biến của tình hình, nên có nhiều kịch bản phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng kế hoạch dự kiến nguồn vaccine và thuốc chữa bệnh ngừa COVID-19 trong năm 2022

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, hầu hết ý kiến của các đại biểu đều khẳng định, đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch COVID-19 với biến thể Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn nhiều so với chủng gốc trước đây đã gây nên những tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp... công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn.

Tham gia ý kiến thảo luận, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, thời gian tới, bên cạnh thuận lợi, nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ ưu tiên lúc này là tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19.


Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng tham gia ý kiến tại buổi thảo luận

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, sau các đợt bùng phát dịch cho thấy việc đánh giá và dự báo của các cơ quan chuyên môn về tình hình dịch bệnh còn bộc lộ một số hạn chế, khiến công tác chuẩn bị của các địa phương, đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhất là các điều kiện, trang thiết bị, lực lượng phòng, chống dịch.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, trong thời gian đến có thể xuất hiện thêm biến chủng virus COVID-19 mới. Vì vậy, việc đánh giá, xây dựng kịch bản phòng, chống dịch cần được lưu ý, nếu không có sự chuẩn bị, rút kinh nghiệm thì chúng ta sẽ gặp khó khăn, lúng túng và hậu quả sẽ khó lường.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng kiến nghị, Chính phủ cần có kế hoạch dự kiến nguồn vaccine và thuốc chữa bệnh COVID-19 trong năm 2022. Đây là một trong những nhiệm vụ cần đặt ra và ưu tiên hàng đầu. Nhất là khi hiện nay, Việt Nam đang thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch bệnh.

Ngoài ra, các đại biểu cũng bày tỏ tin tưởng, từ bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục có sự đổi mới tư duy, nhận thức phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát, phòng, chống hiệu quả hơn, sớm có các kịch bản phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất kinh tế - xã hội của nước trong tình hình mới.

THỦY THANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác