Cử tri phản ánh đúng tình hình tại địa phương và cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Đăng ngày 13-10-2021 17:33, Lượt xem: 506

Đây là chia sẻ của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết khi tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cử tri tại chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” lần thứ nhất, HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào sáng 13-10.

Tại chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” lần thứ nhất, HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các cử tri đặt nhiều câu hỏi, chất vấn về các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội và khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch.

Rà soát các chính sách hỗ trợ người dân, đảm bảo không bỏ sót một đối tượng nào

Tại điểm cầu phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, cử tri Hoàng Cảnh Mẫn phát biểu, trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cấp chính quyền đã kịp thời hỗ trợ cho người dân, người lao động. Tuy nhiên, do có nhiều gói hỗ trợ vào nhiều thời điểm nên các tổ trưởng và người dân không biết rõ về nội dung các gói hỗ trợ, việc hỗ trợ chưa được thực hiện, hướng dẫn rõ ràng cho nhân dân.

Đặc biệt, trong thời gian giãn cách nghiêm ngặt toàn thành phố vừa qua, HĐND thành phố đã duyệt hỗ trợ 500.000 đồng/hộ cho 100% hộ dân thành phố, nhưng khi thực hiện vẫn chưa được đầy đủ đến các hộ dân, thực tế đến nay vẫn còn có hộ chưa nhận được tiền. Cử tri Hoàng Cảnh Mẫn đề nghị các đại biểu thông tin rõ hơn về các chính sách hỗ trợ cũng như giải pháp của thành phố để khắc phục những bất cập nêu trên.


Cử tri Hoàng Cảnh Mẫn (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đề nghị các đại biểu thông tin rõ hơn về các chính sách hỗ trợ của thành phố

Giải trình về các chính sách hỗ trợ người dân trong thời gian giãn cách, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, thành phố đã triển khai 3 đợt hỗ trợ nhân dân với số tiền 500.000 đồng/hộ. Trong đó, đợt 1, 2 chỉ hỗ trợ các hộ dân thuộc diện chính sách, khó khăn; đợt 3 hỗ trợ tất cả những hộ còn lại. Tuy nhiên thời gian khảo sát để triển khai hỗ trợ đợt 3 rất ngắn, các địa phương không đủ thời gian khảo sát hết, và  thực tế trên địa bàn phát sinh nhiều hộ dân hơn danh sách đăng ký thường trú/tạm  trú ở địa phương nên cho đến nay còn thiếu một số hộ chưa được nhận tiền.

Tới đây thành phố đã thống nhất sẽ rà soát, bổ sung thêm các hộ còn thiếu (dự kiến hơn 37.000 hộ) để tiếp tục hỗ trợ. Bên cạnh đó, Sở cũng đang làm tờ trình, rà soát để triển khai thêm đợt hỗ trợ mới đối với các đối tượng: thợ xây, ngư dân, sửa xe, bán hàng rong, buôn bán vỉa hè, lái xe công nghệ...

Về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành, cần tiếp tục quan tâm, rà soát các chính sách hỗ trợ người dân, đảm bảo không bỏ sót một đối tượng nào.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết, thực tế, qua triển khai thì số liệu vẫn còn khập khiễng, theo thống kê đã hỗ trợ toàn bộ hơn 400.000 hộ dân trong thành phố nhưng đến nay qua rà soát vẫn còn thiếu khoảng 37.500 hộ. Trong thời gian tới, HĐND thành phố dự kiến hỗ trợ thêm với tinh thần "Không để hộ dân nào bị bỏ sót, không được hưởng chính sách".

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị, việc thông tin các chính sách cần đơn giản, dễ hiểu để các cử tri có thể kiểm tra, giám sát. UBND thành phố cần định nghĩa rõ ràng thế nào là “hộ dân khó khăn do COVID-19”, cần có các tiêu chí cụ thể để các Tổ trưởng, Ban điều hành khu dân cư nắm rõ, triển khai hiệu quả.

Đồng thời, các cấp chính quyền cần lưu ý có phương án kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, nhất là các chứng từ có liên quan trong việc cấp phát quà hỗ trợ; kịp thời xử lý, chấn chỉnh các trường hợp tiêu cực, lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì chương trình

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhận định: “Đà Nẵng là một trong số ít địa phương có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội nhiều nhất, đối tượng được hưởng hỗ trợ nhiều nhất, kinh phí nhiều nhất và có tiến độ triển khai tốt. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn vướng một số khó khăn, rất mong nhân dân chia sẻ”.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, trong một thời gian ngắn vừa phải tập trung chống dịch, công việc ở cơ sở nhiều, vừa triển khai nhiều gói hỗ trợ từ nhiều lực lượng, nhiều nguồn trong khi lực lượng triển khai thực hiện là các Tổ dân phố. Cùng với đó, do thực hiện “Ai ở đâu ở đó” nên mọi việc khi triển khai gián tiếp sẽ có hạn chế, gặp khó khăn; khi người dân có thắc mắc thì cũng khó gặp gỡ giải thích thấu đáo. 

“Trong quá trình triển khai, thành phố luôn nhận được kiến nghị, bức xúc của nhân dân thì thành phố đã cho chính quyền cơ sở đến trao đổi, giải thích, kịp thời hỗ trợ cho người dân. Thành phố cũng có chủ trương những trường hợp chưa được nhận hỗ trợ hoặc đã nhận hỗ trợ rồi nhưng vẫn khó khăn thì dưới cơ sở đề xuất để thành phố có gói hỗ trợ phù hợp.

"Qua đánh giá, mặc dù vẫn còn khó khăn, bất cập nhưng nhìn chung những chính sách của thành phố đến được với nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian vừa qua. Thành phố mong bà con tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát phản hồi để thành phố kịp thời điều chỉnh, để các chính sách đến đúng đối tượng, đúng chủ trương của Trung ương và thành phố", Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nói. 

Triển khai sớm, hiệu quả các giải pháp khôi phục kinh tế

Liên quan đến các giải pháp khôi phục kinh tế - xã hội sau khi dịch cơ bản được kiểm soát, cử tri Phạm Bắc Bình - đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng đặt vấn đề khi nào thì “Kịch bản hỗ trợ Doanh nghiệp để phục hồi kinh tế trong thời gian đến” (thông tin tại Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp ngày 24-9-2021) sẽ được triển khai để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận được thông tin và thực hiện các hồ sơ, thủ tục cần thiết. Đồng thời, ông Phạm Bắc Bình kiến nghị thành phố cần xây dựng Bộ tiêu chí hoặc Kế hoạch ứng phó với diễn biến dịch bệnh gắn liền với doanh nghiệp để doanh nghiệp theo dõi và lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh.  

Trả lời câu hỏi của cử tri Phạm Bắc Bình, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Nguyễn Thị Thanh Hương đã thông tin cụ thể từng vấn đề, chính sách để các doanh nghiệp, người lao động nắm rõ tiến độ triển khai của thành phố.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương khẳng định: “Đối với những nội dung, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được thành phố thông tin tại Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp, thành phố đã và đang triển khai. Thành phố đang cố gắng làm sao để các chính sách đến được với cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hỗ trợ sản xuất kinh doanh”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương thông tin thêm, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, thành phố đã có văn bản kiến nghị Trung ương một số chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương.

Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND thành phố xây dựng Kế hoạch dự thảo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường dựa trên nền dự thảo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và Bộ Y tế. Bản dự thảo của Sở tham mưu UBND thành phố có đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch đối với cơ sở sản xuất kinh doanh rất cụ thể, nguyên tắc tổ chức hoạt động, điều kiện để doanh nghiệp hoạt động trở lại;… theo 4 cấp độ.


Giám đốc Sở Du lịch thành phố Trương Thị Hồng Hạnh trả lời các câu hỏi của cử tri Cao Trí Dũng về vấn đề khôi phục, phát triển du lịch

Về vấn đề khôi phục và phát triển du lịch, theo cử tri Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, ngành du lịch của thành phố đã và đang bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của nhiều ngành nghề liên quan và kéo theo nhiều lao động bị thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bị phá sản.

Ông Cao Trí Dũng kiến nghị thành phố Đà Nẵng cần đẩy mạnh các giải pháp để khôi phục và phát triển du lịch trong thời gian đến. Đồng thời, chuẩn bị sẵn các kế hoạch trung hạn và dài hạn (như khôi phục, phát triển các doanh nghiệp, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch; các biện pháp kích cầu du lịch; việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch mới; nâng sức bền ứng phó trước thiên tai, dịch bệnh…), nhất là trong bối cảnh hiện nay người dân đã có hộ chiếu vaccine và các đường bay khai thác du khách từ nước ngoài đã từng bước khôi phục trở lại.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, khác với năm 2020, biến thể Delta lây lan nhanh đã làm thay đổi cách thức làm du lịch cũng như những kế hoạch của thành phố. Việc khôi phục du lịch gặp nhiều khó khăn như: khung pháp lý về phòng chống dịch, quy định đi lại, hộ chiếu vaccine, nguồn khách bắt đầu có sự cạnh tranh… giữa các địa phương trong nước và trên thế giới khác nhau. Vì vậy, khả năng hoạt động trở lại của doanh nghiệp, lao động ngành du lịch là một thách thức.

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Đà Nẵng dự kiến khôi phục du lịch theo lộ trình dài hạn với phương châm: “Chủ động, thích ứng, linh hoạt để đạt hiệu quả khôi phục du lịch và phải đảm bảo an toàn cho du khách, cộng đồng, nhân viên ngành du lịch”. Slogan du lịch sắp tới của Đà Nẵng là “Enjoy Đà Nẵng”.

Cụ thể, đối với khách du lịch nội địa, Sở Du lịch thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 20-10-2021), khôi phục hoạt động du lịch với hình thức du lịch tại chỗ phục vụ người dân thành phố; giai đoạn 2 (từ 11-2021), thực hiện “bong bóng du lịch” giữa Đà Nẵng với một số địa phương, đầu tiên là Quảng Nam và Quảng Ninh; giai đoạn 3 sẽ được triển khai khi cả nước chuyển trạng thái bình thường mới.

Về đón khách quốc tế, Sở Du lịch dự kiến bắt đầu từ tháng 11 với 2 nhóm khách. Thứ nhất là khách thương mại, Việt kiều nhập cảnh vào Việt Nam làm công vụ, hồi hương… Những người này sẽ cách ly 7 ngày và thực hiện các quy định khác của Bộ Y tế. Nhóm thứ hai sẽ được khai thác theo mô hình tour du lịch trọn gói, khép kín với những thị trường đã mở cửa du lịch, áp dụng hộ chiếu vaccine, trong đó tập trung vào thị trường Hàn Quốc và Nga. Sau đó, thành phố sẽ đón khách bình thường khi Chính phủ cho phép khôi phục đường bay quốc tế.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, thành phố triển khai hoạt động du lịch theo 2 cấp độ nguy cơ thấp (bình thường mới) và nguy cơ trung bình. Khi Đà Nẵng chuyển trạng thái phòng chống dịch ở cấp độ cao hơn sẽ thông báo cho du khách, doanh nghiệp ngành du lịch biết trước 72 giờ.


Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, những phản ánh, kiến nghị của cử tri rất sát thực tế, phản ánh đúng tình hình đang diễn ra ở các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp

Phát biểu tại chương trình, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, những phản ánh, kiến nghị của cử tri rất sát thực tế, phản ánh đúng tình hình đang diễn ra ở các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành có trả lời trực tiếp cho cử tri để cử tri có được câu trả lời đầy đủ, cụ thể. Qua cử tri để giải thích, tuyên truyền cho các cử tri khác để hiểu thêm về các chính sách của thành phố.

Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm triển khai, tham mưu, tiến độ càng nhanh càng tốt để doanh nghiệp được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố. Đồng thời, hoàn thiện 5/13 chính sách mà HĐND thành phố đã ban hành và triển khai trên thực tế chưa hiệu quả thì sớm hoàn thiện để doanh nghiệp dễ tiếp cận và thụ hưởng chính sách.

Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu các cấp chính quyền thành phố tăng cường tuyên truyền, triển khai nhất quán, đồng bộ các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của thành phố đối với doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, trình HĐND thành phố tại Kỳ họp cuối năm 2021. Đồng thời, UBND thành phố đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, điều kiện kinh doanh, cắt giảm các quy định không cần thiết, tạo hành lang pháp lý, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Về du lịch, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho rằng ngành du lịch cần xây dựng kế hoạch khôi phục và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch theo từng giai đoạn ngắn hạn và trung hạn, bám sát kế hoạch phục hồi kinh tế tổng thể của thành phố, chuẩn bị sẵn kế hoạch kích cầu du lịch. Tập trung duy trì tốt công tác phòng, chống dịch gắn với đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá điểm đến Đà Nẵng là điểm đến “An toàn - Hấp dẫn”; xác định công tác tiêm vaccine là chìa khóa và là đòn bẩy để khôi phục du lịch. Tiếp tục hoàn thiện chuyên đề về phát triển du lịch thủy nội địa; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng… Đồng thời, chính quyền thành phố cần tiếp tục xác định công tác chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách và lâu dài, là một trong những giải pháp để sẵn sàng “sống chung với dịch” và là “nền tảng bền vững” để thực hiện mục tiêu kép, hướng đến xây dựng thành phố Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống.

THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác