Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương
Đăng ngày 30-07-2021 00:59, Lượt xem: 239

Trong khuôn khổ dự án “Khép kín vòng tuần hoàn: Nâng tầm đổi mới để giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại các thành phố ASEAN”, ngày 29-7, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phối hợp với Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) và Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu (IGES) tổ chức Hội thảo trực tuyến về “Tăng cường các nguồn lực hỗ trợ về quản lý rác thải nhựa đại dương” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng chủ trì hội thảo.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng chủ trì hội thảo

Với gần 60 điểm cầu tại nhiều nơi trên thế giới, hội thảo có sự tham dự của ông Akihiko Haga, Bí thư thứ hai Đại Sứ Quán Nhật Bản tại Việt Nam; ông Stefanos Fotiou, Giám Đốc Ban Môi trường và Phát triển, Ủy ban Kinh tế - Xã hội Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP); ông Kumara, Giám Đốc Trung tâm Hợp tác giữa IGES và Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc về Công nghệ Môi trường (CCET), Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu; bà Nguyễn Mỹ Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Tăng cường quản lý và ngăn ngừa rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho biết, hơn 10 năm trước, sự ra đời Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố Môi trường” của UBND thành phố Đà Nẵng là một quyết định mạnh dạn, sáng tạo và thể hiện sự quyết tâm về bảo vệ môi trường của thành phố. Việc tổ chức thực hiện Đề án sau hơn 10 năm đã đạt được những thành quả ban đầu, được Trung ương, tổ chức quốc tế, cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.

Hiện nay, trước những áp lực rác thải nhựa lên môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương, cũng như cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch Hành động số 122/KH-UBND ngày 24-6-2021 về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, thành phố đặt mục tiêu 100% các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước trên địa thành phố không sử dụng vật dụng/đồ nhựa sử dụng một lần (chai nước, ống hút nhựa, băng rôn, backdrop...) trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện; phấn đấu 90% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác trên địa bàn thành phố thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (bao gồm chất thải nhựa).

Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu vận động ít nhất 80% ngư dân khai thác thủy sản trên địa bàn thành phố cam kết không thải bỏ ngư lưới cụ, rác thải nhựa xuống biển

Đồng thời, vận động ít nhất 80% ngư dân khai thác thủy sản trên địa bàn thành phố cam kết không thải bỏ ngư lưới cụ, rác thải nhựa xuống biển; vận động trên 90% hộ dân sinh sống dọc các con sông không đổ rác thải nhựa trực tiếp xuống dòng sông. Có ít nhất 70% điểm phục vụ ăn uống tại cơ sở lưu trú du lịch cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; có ít nhất 20% các cơ sở kinh doanh nước uống và thực phẩm cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Xây dựng và nhân rộng được ít nhất hai mô hình hiệu quả như mô hình chợ giảm thiểu sử dụng túi ni lông; mô hình trường học giảm thiểu rác thải nhựa.

Giai đoạn 2026 – 2030, thành phố phấn đấu vận động trên 95% ngư dân khai thác thủy sản trên địa bàn thành phố cam kết không thải bỏ ngư cụ, rác thải nhựa xuống biển; ít nhất 80% điểm phục vụ ăn uống tại cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Trên 90% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác trên địa bàn thành phố thực hiện phân loại rác thải tại nguồn (bao gồm chất thải nhựa).

Ở giai đoạn này, các hoạt động và mô hình thí điểm thành công trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được cụ thể hóa bằng văn bản, chính sách của thành phố và nhân rộng ra toàn thành phố. Ví dụ như mô hình “Chợ giảm sử dụng túi nilion” hoặc mô hình ‘Trường học giảm thiểu rác thải nhựa”, “Cơ sở sản xuất thực hiện tốt giảm thiểu sử dụng vật dụng, đồ nhựa dùng một lần và phân loại rác thải tại nguồn”, mô hình “Sự kiện không rác thải nhựa”.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng phát biểu tại hội thảo

Theo ông Tô Văn Hùng, Kế hoạch là cơ sở có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tăng cường công tác quản lý và ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển trong phạm vi thành phố Đà Nẵng; đồng thời, hoàn thiện hệ thống quản lý chất thải rắn của thành phố, đáp ứng với Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn và mục tiêu xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường trong thời gian đến.

“Đây là thời điểm thành phố rất cần sự đồng hành tích cực từ các nguồn lực trong nước và quốc tế để tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, tài trợ, đầu tư kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương; đẩy mạnh việc tiếp nhận, triển khai các mô hình quản lý, hợp tác công tư, áp dụng công nghệ sản xuất các sản phẩm thay thế, tái chế chất thải nhựa và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.

Cộng đồng quốc tế cam kết đồng hành cùng Đà Nẵng giải quyết thách thức liên quan đến rác thải nhựa

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Ban Môi trường và Phát triển UNESCAP Stefanos Fotiou cho biết, tất cả các quốc gia trên toàn cầu hiện đang đề cao và đưa ra những mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững và giảm thiểu rác thải nhựa. Chương trình nghị sự của Liên Hợp quốc đến năm 2050 đã đề ra nội dung giảm thiểu tối đa rác thải nhựa đại dương; đồng thời, khu vực ASEAN cũng đã có những khung chương trình hành động rất cụ thể về giảm thiểu rác thải nhựa, trong đó có Việt Nam.

“Tại Việt Nam, chúng tôi rất vui mừng nhận thấy, cùng với việc Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng nhiều kế hoạch hành động với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này. Những nỗ lực của chúng ta chỉ đang ở mức khởi đầu. Việc Đà Nẵng đề ra một kế hoạch hành động cụ thể để giảm thiểu tác động của rác thải nhựa là một bước khởi đầu rất tích cực, tạo cơ sở cho những hoạt động hợp tác cụ thể giữa thành phố và UNESCAP sớm được triển khai trong tương lai”, Giám Đốc Ban Môi trường và Phát triển UNESCAP nhìn nhận.

Ông Stefanos Fotiou, Giám đốc Ban Môi trường và Phát triển UNESCAP, phát biểu tại hội thảo

Chúc mừng thành phố Đà Nẵng về việc ban hành kế hoạch hành động để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, Bí thư thứ hai Đại Sứ Quán Nhật Bản tại Việt Nam Akihiko Haga cho rằng, Đà Nẵng là một ví dụ rất điển hình tại Việt Nam nói riêng, tại các quốc gia ASEAN nói chung, về nỗ lực triển khai hành động liên quan đến nội dung này. “Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực làm việc với các quốc gia, thành phố của ASEAN để giải quyết thách thức này. Chúng tôi cùng cộng đồng quốc tế luôn sẵn sàng đồng hành cùng thành phố trong vấn đề quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ các nguồn thải trên đất liền”, Bí thư thứ hai Đại Sứ Quán Nhật Bản chia sẻ.

Là tổ chức được lập ra với sứ mệnh giúp chính quyền và các tổ chức trên toàn cầu đưa ra những hành động cụ thể chấm dứt tác động tiêu cực của rác thải nhựa trên toàn cầu, đại diện Tổ chức Liên minh Chấm dứt Rác thải nhựa (Alliance to End Plastic Waste), ông Pranav Goenka khẳng định mong muốn hợp tác, trao đổi chặt chẽ hơn với các địa phương, tổ chức của Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng, về những giải pháp trên nhiều phương diện khác nhau nhằm triển khai hiệu quả và toàn diện hơn các kế hoạch hành động hướng đến mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa vào năm 2030, tầm nhìn 2050.

Tại hội thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng đề xuất 5 nhóm lĩnh vực Đà Nẵng mong muốn các tổ chức quan tâm, hỗ trợ, gồm: xây dựng cách tiếp cận truyền thông toàn diện đối với đối tượng trường học - học sinh, doanh nghiệp...về quản lý rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn; xây dựng hệ thống các tiêu chí và đánh giá các doanh nghiệp thực hành tốt về quản lý chất thải rắn, chất thải rắn - nhựa; hỗ trợ kỹ thuật đối với các giải pháp giám sát nguồn phát thải nhựa, thiết lập hệ thống dữ liệu số về chất thải rắn, chất thải rắn - nhựa; phát triển các đề xuất dự án đầu tư tái chế rác thải nhựa, nhất là loại có giá trị thấp như nilon, bao bì, nhựa dùng một lần, hộp xốp...; hỗ trợ các mô hình cộng đồng, tiểu thương, ngư dân triển khai các sáng kiến, giải pháp thu hồi chất thải rắn, chất thải rắn - nhựa các khoản tài trợ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Kumara, Giám Đốc Trung tâm Hợp tác giữa IGES và CCET, nhận định, vấn đề rác thải nhựa địa phương là vấn đề khá nghiêm trọng hiện nay; chính quyền địa phương đóng vai trò tiên phong trong quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa; đồng thời, việc quản lý rác thải nhựa địa phương đòi hỏi sự liên kết, phối hợp giữa rất nhiều cấp, ngành như: quản lý nước thải, rác thải, du lịch, y tế, môi trường, thuế… “IGES cam kết hoạt động tích cực cùng với thành phố Đà Nẵng nhằm đưa kế hoạch hành động của thành phố vào thực tế, nhất là trong các hoạt động nghiên cứu, nâng cao năng lực quản lý rác thải nhựa đại dương”, Giám Đốc Trung tâm Hợp tác giữa IGES và CCET khẳng định.

Bà Nguyễn Mỹ Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, phát biểu tại hội thảo

Theo bà Nguyễn Mỹ Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là vấn đề toàn cầu; quản lý rác thải nhựa không bị hạn chế bởi gián hạn về địa lý, vì vậy, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức, nguồn lực là rất quan trọng. “Tôi tin tưởng rằng, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế sẽ giúp tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý rác thải nhựa đại dương của thành phố Đà Nẵng, góp phần thực hiện thành công chương trình hành động của Đà Nẵng”, bà Nguyễn Mỹ Hằng phát biểu.

Về phía thành phố Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng khẳng định, Sở Tài nguyên và Môi trường cam kết sẽ chủ trì, làm đầu mối, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan để thúc đẩy, triển khai hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, đảm bảo các quy định của Việt Nam về công tác quản lý, tiếp nhận hỗ trợ. Đồng thời, đề nghị các sở, ban, ngành của thành phố, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung Kế hoạch hành động số 122/KH-UBND, chủ động đề xuất các mô hình, sáng kiến, hoạt động liên quan đến công tác quản lý của đơn vị, góp phần triển khai hiệu quả Kế hoạch mà thành phố đã ban hành.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác