Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Ấn Độ tìm hiểu, xây dựng “Công viên Dược phẩm” tại Đà Nẵng
Đăng ngày 27-07-2021 18:43, Lượt xem: 1172

Chiều 27-7, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Công ty Sri Avantika (Ấn Độ) tổ chức Hội thảo trực tuyến kết nối đầu tư xây dựng Công Viên Dược phẩm tại Việt Nam, với sự tham dự của các tỉnh/thành: Đà Nẵng, Long An, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Khánh Hòa, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng

Tại hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, triển khai công tác ngoại giao kinh tế nhằm đón làn sóng chuyển dịch đầu tư, thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao theo tinh thần chung của Chính phủ, thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tích cực tìm kiếm và xúc tiến đầu tư từ các doanh nghiệp sở tại trên nhiều lĩnh vực, trong đó có dược phẩm. Đây là lĩnh vực Ấn Độ đặc biệt có thế mạnh với vị trí thứ ba về khối lượng và thứ 14 về giá trị dược phẩm trên toàn cầu. Các công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đã nhận được chứng chỉ quốc tế từ Mỹ, EU và Australia.

Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, hiện nay, Đại sứ quán đang làm việc với một nhóm công ty dược Ấn Độ mong muốn đầu tư xây dựng “Công viên Dược phẩm” (Pharma Park), mô hình khu công nghiệp chuyên sản xuất dược tại Việt Nam. Nhóm công ty này mong muốn xây dựng một Công viên Dược phẩm tại Việt Nam và sau đó mời các công ty dược từ Ấn Độ, Mỹ và châu Âu sang đặt nhà máy sản xuất tại đây. Khu công nghiệp này sẽ có cả các nhà máy sản xuất dược liệu/phụ liệu và các nhà máy thuốc thành phẩm để khắc phục điểm yếu về nguồn cung dược liệu trong chuỗi sản xuất dược tại Việt Nam.

Đại sứ quán đã tổ chức đoàn công tác tham quan nhà máy sản xuất của nhóm công ty này tại thành phố cảng Visakhapatnam và nhận thấy ý tưởng về Công viên Dược phẩm có nhiều triển vọng. Công viên Dược phẩm Visakhapatnam được nhiều công ty đa quốc gia như Hospira, Hetero, Shasun, Natco, Eisai... lựa chọn đặt nhà máy. Các nhà máy tại khu vực Visakhapatnam đóng góp tới 30% tổng sản lượng thuốc xuất khẩu của cả Ẩn Độ. Đặc biệt, nhà máy sản xuất thuốc thành phẩm số 2 của công ty VKT, với vốn đầu tư 20 triệu USD, mới hoạt động với công suất 25% đã đem về doanh thu năm đầu 10 triệu USD. Nhà máy sản xuất thuốc và dược liệu số 3 của công ty SMS, được xây dựng trên diện tích 40ha với vốn xây dựng 86 triệu USD (2010), có doanh thu hàng năm gần 90 triệu USD và sử dụng khoảng 800 nhân công.

Hội thảo được tổ chức nhằm kết nối nhóm các nhà đầu tư này với các địa phương của Việt Nam để các bên cùng khám phá khả năng hợp tác và đưa ý tưởng Công viên Dược phẩm trở thành hiện thực tại Việt Nam, với một số tiêu chí ban đầu như: vị trí xây dựng “Công viên Dược phẩm” gần các cảng biển nhưng không quá xa thành phố và có hạ tâng giao thông tốt để thuận tiện cho việc nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu thành phẩm; diện tích đất sạch tích lý tường từ 500 - 1000 ha (tối thiểu 300 ha) cùng những ưu đãi cho xây dựng hạ tầng và sản xuất kinh doanh từ chính quyền; nguồn cung năng lượng không gián đoạn; nguồn nước sạch đảm bảo sản xuất; nguồn cung nhân lực dồi dào.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến với nhiều đầu cầu tại Ấn Độ và các tỉnh/thành Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh hoan nghênh và đánh giá cao ý tưởng hình thành mô hình chuỗi giá trị dược phẩm tại Việt Nam thông qua việc hình thành Công viên Dược phẩm; đồng thời cho biết, công nghiệp dược phẩm là một trong những lĩnh vực được thành phố Đà Nẵng ưu tiên và khuyến khích đầu tư phát triển. Với những tiêu chí lựa chọn địa điểm nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề xuất nhà đầu tư tham khảo, tìm hiểu Khu công nghệ cao Đà Nẵng để xây dựng “Công viên Dược phẩm”.

Theo đó, Khu công nghệ cao Đà Nẵng là một trong 3 khu công nghệ cao của cả nước với diện tích hơn 1.184 ha đất sạch đã có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh; có vị trí địa lý rất thuận lợi cả về đường hàng không, đường thuỷ, đường bộ và đường sắt, nằm trên các tuyến cao tốc nối liền với các khu kinh tế trọng điểm miền Trung; hạ tầng kỹ thuật của Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu sản xuất của các nhà đầu tư. Đặc biệt, các dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vượt trội.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh thông tin thêm, thành phố Đà Nẵng hiện đang kêu gọi đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoà Ninh với diện tích hơn 400 ha và Khu công nghiệp Hoà Nhơn với diện tích hơn 360 ha. Vị trí của các khu công nghiệp này giáp các tuyến đường tránh, đường cao tốc, đất đai chủ yếu là đồi núi, đất nông nghiệp, dân cư thưa thớt; thuận lợi cho đền bù và giải phóng mặt bằng; có đầy đủ các điều kiện để phát triển thành khu công nghiệp tập trung, kết hợp với các khu công nghiệp sẵn có khác, tạo thành mạng lưới đa dạng, rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Chính quyền thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thiết lập và triển khai dự án đạt hiệu quả tại Đà Nẵng. Chúng tôi hy vọng sau buổi hội thảo hôm nay, sẽ có cơ hội tiếp tục trao đổi, làm việc với nhà đầu tư về dự án Công viên Dược phẩm và mong được đón tiếp quý vị đến khảo sát thực tế khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát để quý vị có thể cảm nhận trực tiếp tiềm năng phát triển cũng như tính khả thi của dự án tại thành phố Đà Nẵng”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố bày tỏ.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác