Năm 2021 phấn đấu có ít nhất 10-12 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên
Đăng ngày 01-04-2021 01:23, Lượt xem: 494

UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 15-3-2021 về việc triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2021, nhằm phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng trở thành sản phẩm chủ lực, có uy tín, chất lượng và cạnh tranh trên thị trường.

Kế hoạch đặt mục tiêu tập trung hỗ trợ phát triển các chủ thể kinh tế (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) tham gia chương trình nhằm phát triển nội sinh và giá trị gia tăng, đem lại lợi ích cộng đồng dân cư địa phương. Đồng thời, củng cố, kiện toàn bộ máy OCOP các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã, đảm bảo đủ nguồn lực, kiến thức, kinh nghiệm để triển khai chương trình tại địa phương. Phấn đấu 100% cán bộ OCOP cấp huyện, cấp xã được tập huấn, cung cấp thông tin, tài liệu về các nội dung cơ bản của Chương trình, nhất là các bước trong chu trình OCOP.

Theo kế hoạch, trong năm 2021, thành phố sẽ đẩy mạnh xây dựng nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng OCOP, phấn đấu phát triển từ 2-3 điểm bán hàng OCOP, ngoài sản phẩm OCOP địa phương, kết nối sản phẩm OCOP của các địa phương khác trong thành phố, kể cả các sản phẩm OCOP của các địa phương ngoài thành phố. Bên cạnh đó, tổ chức ít nhất 2 hội chợ, phiên chợ OCOP để giới thiệu, quảng bá, liên kết tiêu thụ và bán sản phẩm OCOP của thành phố. Phấn đấu có ít nhất 80% sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng 3 sao năm 2020 có nhu cầu tham gia Hội chợ OCOP trong và ngoài thành phố được hỗ trợ tham gia.

Về phát triển sản phẩm, kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu hỗ trợ, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng và có ít nhất 10-12 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trong đó huyện Hòa Vang ít nhất 5 sản phẩm, các quận còn lại có ít nhất 2 sản phẩm. Phấn đấu có sản phẳm đạt từ 90 điểm trở lên để tham gia đánh giá cấp Trung Ương để đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao.

UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các nội dung Chương trình OCOP năm 2021 trên địa bàn thành phố với vai trò là cơ quan thường trực. Củng cố, kiện toàn Tổ giúp việc Hội đồng để tiếp tục làm việc với từng quận, huyện kiểm tra, tư vấn, hướng dẫn việc rà soát, xác định sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình, đồng thời hướng dẫn cho các chủ thể sản xuất về phát triển, hoàn thiện sản phẩm và các nội dung liên quan khác nhăm thực hiện tốt Chương trình OCOP năm 2021.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, tham mưu UBND thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo đúng quy định, thực hiện công bố công khai sản phẩm; tham mưu tổ chức trao giấy chứng nhận cho các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; phối hợp với UBND quận, huyện hướng dẫn các chủ thể sản xuất thực hiện việc sủ dụng và in logo trên sản phẩm được công nhận theo đúng quy định hiện hành.

Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương, tham mưu triển khai phát triển trung tâm, điểm bán hàng, cửa hàng OCOP ở những địa phương có đủ điều kiện theo tiêu chí tại Quyết định số 920/QĐ-BCT ngày 16 tháng 4 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và phối hợp thực hiện truy xuất nguồn gốc, thông tin sản phẩm OCOP. Tập trung ưu tiên sử dụng kinh phí sự nghiệp thủy sản nông lâm để hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương; hỗ trợ các chủ thể OCOP theo Nghị quyết 329/NQ-HĐND của HĐND thành phố.

Mặt khác, phối hợp với các ngành liên quan để thực hiện công tác kết nối, hỗ trợ các chủ thể OCOP trong việc chuẩn hóa, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu ra thị trường quốc tế và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP tại các địa phương trong, ngoài thành phố và quốc tế.

UBND thành phố giao Sở Công Thương chủ trì tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP; các hoạt động khuyến công, thông tin thị trường trong nước và quốc tế liên quan đến sản phẩm OCOP. Lồng ghép kinh phí đã bố trí trong dự toán năm 2021 để hỗ trợ các chủ thể đầu tư thiểt bị, nâng cấp sản phẩm theo chương trình khuyến công, hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu, hỗ trợ điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và các nội dung hỗ trợ khác từ các chương trình, dự án của Sở.

Bên cạnh đó, tổ chức các buổi tiếp xúc, gặp gỡ giữa siêu thị, trung tâm mua sắm với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm đạt OCOP nhằm kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và hỗ trợ triển khai đưa các sản phẩm OCOP lên Sàn Thương mại điện tử thành phố (danangtrade.com.vn). Phối hợp cùng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham mưu, hướng dẫn các địa phương triển khai phát triển trung tâm, điểm bán hàng, cửa hàng OCOP ở những địa phương có đủ điều kiện theo tiêu chí tại Quyết đtịnh số 920/QĐ-BCT ngày 16 tháng 4 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tham mưu Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, trong đó có sản phẩm gắn với Chương trình OCOP; hỗ trợ, hướng dẫn cho các địa phương, các chủ thể thực hiện các hoạt động về tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tư vấn phát triển nhãn hiệu sản phẩm OCOP, ghi nhãn hàng hóa, sử dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc theo quy định. Ưu tiên sử dụng kinh phí đã bố trí để hỗ trợ các chủ thể đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện chuẩn hóa sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố cũng giao UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP; hướng dẫn cộng đồng, dân cư đề xuất ý tưởng sản phẩm. Đồng thời, củng cố, kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành chương trình OCOP; bố trí cán bộ tham mưu, giúp việc theo hướng chuyên nghiệp, có kiến thức, kinh nghiệp trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn.

UBND các quận, huyện  có trách nhiệm chỉ đạo UBND xã, phường căn cứ vào phương án kinh doanh thực tế của các chủ thể để xác nhận về tỷ lệ lao động, nguyên liệu địa phương theo quy định tại Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 8-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP năm 2021 tại các địa phương; tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẫm cấp quận, huyện, lựa chọn các sản phẩm đạt ba sao cấp quận, huyện tham gia, đánh giá, xếp hạng tại cấp thành phố đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra thực tế sản xuất, tư vấn, hướng dẫn chủ thể phát triển sản phẩm tuân thủ đúng các bước của Chu trình OCOP, chú ý việc triển khai sản xuất phải đảm bảo phương án sản xuất kinh doanh của chủ thể đã xây dựng. Chủ trì tổ chức hướng dẫn các chủ thể OCOP đã được công nhận, phân hạng cấp thành phố thực hiện việc sử dụng, in logo sản phẩm OCOP được công nhận đảm bảo đúng quy định hiện hành; thực hiện việc kiểm tra sản phẩm hàng năm của các chủ thể trên địa bàn, đề xuất xử lý các chủ thể vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu Logo OCOP và các quy định khác của pháp luật.

Riêng UBND huyện Hòa Vang có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng thí điểm mô hình làng văn hóa du lịch theo Bộ Tiêu chí sản phẩm OCOP.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác