Tiếp tục phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững
Đăng ngày 29-12-2020 10:22, Lượt xem: 358

Sáng 29-12, phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với chủ đề năm 2021 "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển", định hướng điều hành và quan điểm chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 (Ảnh chinhphu.vn)

Xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Chính phủ đã trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội chỉ tiêu mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%, cùng một số chỉ tiêu khác như: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...

Với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”, Chính phủ xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành trong năm 2021. Theo đó, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Quyết liệt hành động để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và các đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Theo dõi sát diễn biến, tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Huy động, sử dụng các nguồn lực theo cơ chế thị trường. Nâng cao kỷ cương, hiệu quả trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với thực thi nghiêm pháp luật. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại. Xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, trí tuệ con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường, niềm tự hào dân tộc. Đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh thu hút, trọng dụng nhân tài. Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; làm chủ một số công nghệ mới, công nghệ có tính chiến lược. Thực hiện bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là về giao thông, năng lượng, đô thị lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh, đồng bộ hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia, các dự án liên kết vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển nhanh, bền vững; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực để tạo niềm tin, đồng thuận trong toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đề ra.

Qua thảo luận tại hội nghị, trước tình hình thực tế về yêu cầu phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thống nhất đặt mục tiêu phấn đấu trong chỉ đạo điều hành đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ 2022 trở đi. Theo Thủ tướng Chính phủ, cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng, bởi tăng trưởng không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô, mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời góp phần chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển.

“Chúng ta cũng cần lưu ý rằng yêu cầu tăng trưởng kinh tế về số lượng cần phải gắn chặt với nâng cao chất lượng tăng trưởng và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Tinh thần đặt ra là bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với mặt bằng của khu vực và thế giới, trong đó phấn đấu sớm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Xây dựng hệ thống hành chính gần dân, lắng nghe, phục vụ dân

Để thực hiện thành công kế hoạch năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, địa phương cần chú trọng đổi mới quản trị quốc gia, tiếp tục xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền, bảo đảm vai trò quản lý thống nhất của địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ trưởng, tư lệnh ngành không được im lặng với các đề nghị của các địa phương; đồng thời, các địa phương phải làm ngay hai việc, đó là chuẩn bị mặt bằng cho phát triển sản xuất, và nguồn nhân lực để đón dòng đầu tư mới. Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương và các bộ, ngành phải thường xuyên trao đổi trực tiếp để xử lý vấn đề phát sinh, giải quyết những vấn đề vướng mắc, bức xúc trong sản xuất kinh doanh và đời sống, không để chờ đợi kéo dài, gây mất thời gian, mất thời cơ xử lý. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương ban hành kế hoạch cụ thể của các bộ, ngành, địa phương trước ngày 20-1-2021,  và tổ chức triển khai phải quyết liệt, đồng bộ chứ không nói chung chung đại khái, quan liêu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh chinhphu.vn)

Nhấn mạnh yếu tố con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển. “Chính sự đoàn kết, tự hào dân tộc, tinh thần quyết tâm và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cả hệ thống chính trị và toàn dân sẽ là động lực chính đưa đất nước vươn lên, thu hẹp khoảng cách phát triển của khu vực và thế giới. Tiếp tục phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công gây dựng, nhất là trong 5 năm qua”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu mọi thành quả của công cuộc đổi mới đều là vì nhân dân, phục vụ nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành cần sớm khắc phục những hạn chế, tồn tại, chú trọng hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, tăng tỉ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để ngày càng nhiều người dân được thụ hưởng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. “Một hệ thống gần dân, lắng nghe, phục vụ dân từ công an xã đến cán bộ trung cấp, cao cấp của huyện, tỉnh và các bộ, ngành”, Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu.

Bên cạnh đó, cần chú trọng vấn đề phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ, hài hòa các mục tiêu của tam giác phát triển bền vững, gồm: kinh tế, xã hội, môi trường. Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm, không để trường hợp Formosa thứ hai xảy ra. “Không để tình trạng tăng trưởng nhanh nhưng phải trả giá đắt vì ô nhiễm môi trường để con cháu chúng ta sau này phải gánh chịu. Tôi hoan nghênh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch phát động trồng 1 tỷ cây xanh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch 2021 nhưng cũng phải nghĩ dài hơi hơn, đó là quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia, kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025. Từng cấp, từng ngành phải gỡ nút thắt để bừng lên sự phát triển bền vững, trên tinh thần không để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế mất niềm tin vào Chính phủ, vào Bộ trưởng, vào Chủ tịch, Bí thư các tỉnh, thành phố. Đối với các dịp lễ hội cuối năm và và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương không được lơ là trong phòng chống COVID-19, quản lý thị trường ổn định, bảo đảm cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm. Tất cả các bộ, đặc biệt các địa phương rà soát tất cả các mặt để  chăm lo cho người dân đón Tết vui tươi, an toàn, nhất là người yếu thế, vùng khó khăn, vùng thiên tai.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác