Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng
Đăng ngày 22-07-2020 16:40, Lượt xem: 838

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng với các định hướng, nguyên tắc đã được đề ra để xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng nói riêng là điểm nổi bật của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được trình bày tại Hội nghị trực tuyến Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam năm 2020.

Đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia

Sáng 22-7, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam năm 2020: Triển khai Nghị quyết (NQ) số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu địa phương và 26 điểm cầu quốc tế. Điểm cầu tại Thành ủy Đà Nẵng do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì.


Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, năng lượng giữ vai trò quan trọng, là nền tảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. ẢNH: TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, năng lượng giữ vai trò quan trọng, là nền tảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng còn gắn kết chặt chẽ với những hoạt động về chính trị - ngoại giao, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Nhận thức được tầm quan trọng này, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển năng lượng trong bối cảnh phát triển mới. 

Tuy nhiên, mục tiêu đảm bảo nguồn cung điện trong giai đoạn tới còn gặp nhiều thách thức khi nhiều dự án nguồn điện bị chậm tiến độ; nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi;… Bên cạnh đó, thị trường năng lượng thiếu sự liên thông, cạnh tranh chưa đồng bộ, chính sách giá còn bất cập và chưa phù hợp với cơ chế thị trường.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; cần nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Ngoài ra, cần áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Đặc biệt, phải kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng.


Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam năm 2020 tại điểm cầu Hà Nội. ẢNH: BÁO NHÂN DÂN

Trên cơ sở đó, vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết số 55-NQ/TW hướng đến đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

5 dự án tiêu biểu về hợp tác năng lượng được ký kết

Với chủ đề “Thống nhất ý chí, hành động nhanh, quyết liệt và đồng bộ đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống”, các đại biểu tham dự Hội nghị đã trao đổi, đối thoại các vấn đề xoay quanh NQ số 55-NQ/TW: Làm rõ các quan điểm, định hướng lớn, những điểm mới có tính đột phá của NQ 55, chương trình và kế hoạch hành động và Chính phủ và Quốc hội trong triển khai thực hiện NQ; kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng quốc gia, đầu tư nâng cấp hạ tầng năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ hiện đại cho ngành năng lượng theo tinh thần NQ 55; đề xuất, thành lập cơ chế, chính sách để hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế;…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra những giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện năng và kiểm soát sự phát triển đúng hướng, hiệu quả bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy quá trình hiện đại hoá”.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. ẢNH: TTXVN

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, NQ 55 có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách. NQ 55 cũng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng với các định hướng, nguyên tắc đã được đề ra để xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng nói riêng.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết một dự án tiêu biểu hợp tác về năng lượng. Trong đó có: hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển Dự án Nhà máy điện khí tại Cà Ná giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nam và tỉnh Ninh Thuận; Hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển Dự án Nhà máy điện khí tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô giữa Công ty cổ phần Chân Mây LNG và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Hợp tác nghiên cứu đầu tư Dự án điện gió ngoài khơi Lagan Bình Thuận giữa CIP, Asiapetro, Novasia và UBND tỉnh Bình Thuận; Hợp tác giữa các nhà thầu chế tạo trong nước Vietsovpetro/PVC MS với nhà đầu tư Enterprise Energy trong lĩnh vực điện gió; Hợp tác về việc thu xếp tài trợ 11.000 tỷ đồng giữa Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital thực hiện các dự án năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời và điện áp mái.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì điểm cầu tại Thành ủy Đà Nẵng

Chiều nay, các đại biểu sẽ tham dự 04 hội thảo chuyên đề: Chuyên đề 1: Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chuyên đề 2: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho phát triển bền vững năng lượng Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chuyên đề 3: Phát triển điện gió trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chuyên đề 4: Phát triển năng lượng mặt trời và các năng lượng mới trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

NGUYÊN THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác