Phiên chất vấn và trả lời chất vấn: Nhiều vấn đề nóng được cử tri quan tâm
Đăng ngày 08-07-2020 13:16, Lượt xem: 480

Sáng 8-7, phiên chất vấn kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố khoá IX, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung. Tại đây, hơn 30 nội dung của 18 đại biểu gửi đến được lãnh đạo UBND thành phố và các cơ quan chuyên môn trả lời trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, được cử tri hết sức quan tâm.   

Giải trình về tỷ lệ khảo sát mức độ hài lòng với Sở Công thương

Trước phiên thảo luận, theo ý kiến của nhiều cử tri, HĐND đã nghe Trưởng Ban Pháp chế báo cáo về nội dung thông qua giám sát có 1 đơn vị là Sở Công thương bị người dân đánh giá không hài lòng 100%. Kết quả này dựa vào ý kiến đánh giá của 1 người dân theo hình thức khảo sát trực tuyến.     

Trả lời vấn đề trên, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, theo quy định tại Quyết định số 5489/QĐUBND ngày 16/8/2016 và Quyết định số 5697/QĐ-UBND ngày 11/10/2017 của UBND thành phố Đà Nẵng, hiện nay kết quả khảo sát phải được tổng hợp từ 3 phương pháp khảo sát: Khảo sát bằng phiếu điều tra; Khảo sát, phỏng vấn sâu thông qua điện thoại ghi âm và khảo sát trực tuyến. Vừa qua, số liệu về khảo sát trực tuyến chỉ có 1 người dân đánh giá không hài lòng đối với dịch vụ của Sở Công thương thì điều này chưa phản ảnh chính xác và khách quan về chất lượng thực hiện dịch vụ công của Sở này.  

Thực tế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở Công thương đã tiếp nhận và xử lý 8.145 hồ sơ, trong đó: 8.044 hồ sơ trực tuyến (tỷ lệ 99,3%) và 56 hồ sơ trực tiếp 2 (tỷ lệ 0,7%), kết quả 100% hồ sơ đều được giải quyết đúng và sớm hạn, không có hồ sơ trễ hạn.

Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Mở đầu phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh trả lời chất vấn của 5 đại biểu về các vấn đề chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; kết quả việc di dời Khu công nghiệp Đà Nẵng; kêu gọi đầu tư các khu công nghiệp và một số vấn đề trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Trả lời đại biểu (ĐB) Nguyễn Đức Trị (Tổ đại biểu đơn vị quận Cẩm Lệ) về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho biết: Qua rà soát tổng thể các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, hiện có 14 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn hiệu lực đang được các Sở, ban, ngành triển khai thực hiện; trong đó, có 8/14 chính sách đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện và 6/14 chính sách đề nghị sửa đổi, thay thế hoặc bãi bỏ. Hiện nay, các Sở Công thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp lập hồ sơ rà soát, trên cơ sở đó đề xuất phương án xử lý đúng trình tự, thủ tục theo quy định.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh trả lời chất vấn

Để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian đến, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ trì nghiên cứu, đánh giá, phân tích những ưu điểm, hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp mới, cụ thể nhằm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách trên. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực để các đối tượng có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng. Đồng thời, đối với 6/14 chính sách đề xuất sửa đổi, thay thế hoặc bãi bỏ sẽ giao Sở Công thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ rà soát, báo cáo UBND thành phố xem xét, trình HĐND thành phố điều chỉnh vào kỳ họp cuối năm 2020.  

Trả lời ĐB Lê Văn Quang (Tổ đại biểu đơn vị quận Thanh Khê) về kết quả thực hiện các kiến nghị còn lại qua giám sát chuyên đề của HĐND thành phố đối với việc quản lý tại các khu Công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho biết, Đề án di dời KCN Đà Nẵng đã được UBND thành phố chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng dự thảo để lấy ý kiến các sở ngành liên quan, trên cơ sở đó báo cáo UBND thành phố quyết định trong tháng 9-2020. Theo quy hoạch chung điều chỉnh của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt, khu vực này sẽ được xây dựng thành Khu đô thị đổi mới sáng tạo nên cần theo dõi, tích hợp cụ thể vấn đề này trong Đồ án quy hoạch chung của thành phố.

Đối với KCN dịch vụ Thủy sản Thọ Quang, đến nay, theo chỉ đạo của UBND thành phố, việc chuyển đổi đất sản xuất tại KCN dịch vụ thủy sản sang đất thương mại dịch vụ sẽ được xem xét sau khi hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và khi có văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch .

Triển khai chủ trương và ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, hiện nay Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu CN đang chủ trì, triển khai các thủ tục liên quan để lựa chọn nhà đầu tư các KCN mới (Hòa Cầm – Giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh) theo hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015.

Đến nay, Ban Quản lý đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư 3 KCN mới. Theo đó, có tổng cộng 25 hồ sơ được các nhà đầu tư quan tâm mua để nghiên cứu thực hiện dự án. Hiện nay, Ban Quản lý đã lập Tổ chuyên gia để đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển các KCN mới theo quy định. Dự kiến hoàn thành công tác đánh giá sơ tuyển, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình UBND phê duyệt trong tháng 7-2020.

Về giải tỏa đền bù, hoàn thiện hạ tầng tại KCN Hòa Cầm (giai đoạn 1) và KCN Liên Chiểu đến nay đang được UBND thành phố quyết liệt chỉ đạo giải quyết các vướng mắc để sớm bàn giao mặt bằng.

Trả lời các câu hỏi chất vấn của ĐB liên quan đến lĩnh vực giao thông, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cũng cho biết hiện tại còn nhiều mặt hạn chế, bất cập. Đơn cử như việc tháo dỡ dải phân cách tuyến đường Ngô Quyền được HĐND thông qua đề xuất từ năm 2018 nhưng đến nay gần hai năm vẫn chưa thể hoàn thành thủ tục, việc thi công cũng mất cả năm thì khả năng đến cuối năm 2021 mới hoàn thành được.

Thực trạng các tuyến xe buýt liền kề đang hoạt động tại trung tâm thành phố chất lượng xe rất kém, công tác quản lý vận hành đối với các loại phương tiện trên chưa được tốt, khi thì chạy quá chậm, khi thì phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông của thành phố gây bức xúc cho người dân. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Kim Dũng chất vấn và yêu cầu thành phố cần sớm thực hiện dứt điểm việc di dời tuyến xe liền kề tại trung tâm thành phố.   

Phải đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm

ĐB Lê Thị Thanh Minh (Tổ đại biểu đơn vị Hải Châu) thẳng thắn nêu lên những hạn chế về kết quả triển khai Đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông còn chưa đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan; bãi đỗ xe đầu tư chưa tương thích với yêu cầu như bãi đỗ xe tạm đường 2/9; chưa kiểm soát tình trạng gia tăng phương tiện giao thông cá nhân dẫn đến việc đậu đỗ xe trên hầu hết các tuyến đường trung tâm thành phố gây cản trở giao thông, giảm đáng kể năng lực lưu thông của đường phố.

Trả lời đại biểu Trần Thắng Lợi về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết đến nay thành phố  có 82 công trình động lực, trọng điểm cần đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2016-2020 (trong đó có 55 dự án đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố, vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu; 07 dự án do các Bộ, ngành triển khai và 20 dự án của nhà đầu tư).


Đại biểu Trần Thắng Lợi phát biểu tại phiên chất vấn

Để đảm bảo tiến độ triển khai, UBND thành phố đã phân công Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách địa bàn, lĩnh vực; chỉ đạo các chủ đầu tư, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện; ban hành các văn bản quan trọng để làm cơ sở đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là rút ngắn thủ tục, quy trình cho phép và đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng; định kỳ họp tháo gỡ khó khăn, kiểm tra thực tế các công trình, hằng tháng trước ngày 25 giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo tình hình để có cơ sở chỉ đạo, đôn đốc…

Đến nay trong nhóm 55 công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố và vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, có 2 công trình hoàn thành; 27 dự án đang triển khai thi công, thực hiện đền bù giải tỏa; 26 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, đầu tư theo quy định, trong đó có 14 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đối với các công trình khởi công, hoàn thành chào mừng các ngày lễ lớn năm 2020 (trong đó có 8 công trình hoàn thành và 13 công trình khởi công để chào mừng ngày Giải phóng thành phố, ngày Quốc khánh và Đại hội Đảng bộ thành phố). Phó Chủ tịch cho biết, trong số 8 công trình hoàn thành năm 2020 thì 3 công trình đã hoàn thành, 3 công trình sẽ hoàn thành trong các tháng còn lại của năm 2020 và 2 công trình còn lại chậm tiến độ đang được chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, 13 công trình còn lại hiện có vướng mắc và chậm tiến độ nhưng cam kết khởi công trong năm 2020.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh nhận định, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là 12.373 tỷ đồng (không kể dự nguồn chưa phân bổ), trong đó vốn trong nước 11.007 tỷ đồng để đầu tư cho 536 dự án. Riêng 43 dự án động lực, trọng điểm, được bố trí 5.253 tỷ đồng, chiếm 42% tổng kế hoạch vốn.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh trả lời chất vấn

"Năm 2020, UBND thành phố đã xác định nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 nhằm góp phần phục hồi tăng trưởng, đã quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, quản lý dự án với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các chủ đầu tư, đơn vị…, kết quả đến ngày 30/6/2020 giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 đạt 3.490 tỷ đồng, đạt 28% (không kể dự nguồn chưa phân bổ), riêng giải ngân vốn trong nước đạt 3.270 tỷ đồng, đạt 30% và vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu giải ngân đạt cao, gần 80%; kết quả này tăng rõ rệt so với cùng kỳ các năm trước cả về giá trị tuyệt đối và số tương đối… Ngoài ra, tỷ lệ vốn tạm ứng bằng 14,3% kế hoạch vốn như ĐB đề cập là đúng và có cơ sở theo quy định, vừa là giải pháp đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công" Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nói.

"Kết quả đạt được nêu trên là nỗ lực chung của toàn thành phố trong điều kiện, quy trình và thủ tục để thực hiện việc giải ngân là phức tạp, giải ngân vốn đầu tư có sự khác biệt, cần phải tích lũy và có khối lượng mới được giải ngân. Đây là khó khăn chung mang tính hệ thống của cả nước do các quy định hiện hành mà chúng ta phải tuân thủ và tìm giải pháp tháo gỡ, nhất là đối với các công trình trọng điểm, động lực" Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh chia sẻ thêm.

Sớm đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu về đất đai 

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng trả lời các ý kiến chất vấn của đại biểu về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai, xử lý rác thải và đặc biệt là việc thực hiện các cam kết về xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại bãi rác Khánh Sơn đang được dư luận hết sức quan tâm.


Đại biểu Huỳnh Bá Thành phát biểu tại phiên chất vấn

Ông Tô Văn Hùng cho biết, Sở đã triển khai xây dựng và đang thực hiện thí điểm phần mềm cơ sở dữ liệu về đất đai của thành phố nhằm hướng đến việc công khai minh bạch, quản lý khai thác hiệu quả theo kế hoạch quy hoạch các nguồn lực về đất đai, giải quyết thuận lợi hơn các thủ tục hành chính cho người dân. Về xây dựng nhà máy xử lý rác thải, ông Tô Văn Hùng cho biết thời gian qua có rất nhiều vướng mắc nhưng quyết tâm bằng mọi giá phải hoàn thành các dự án về xử lý chất thải rắn trước năm 2023 để bảo đảm xử lý triệt để rác tại khu vực bãi rác Khánh Sơn.


Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng trả lời các ý kiến chất vấn của đại biểu về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai, xử lý rác thải

Nghị quyết của Quốc hội về chính quyền đô thị tạo đột phá cho thành phố

Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã thông tin khái quát về tình hình phát triển kinh tế của thành phố trong 6 tháng đầu năm sau khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh tập trung cho công tác phòng, chống dịch, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương, chủ động xây dựng kế hoạch của ngành, lĩnh vực phụ trách, có giải pháp cụ thể để thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế -  xã hội.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch của thành phố phụ thuộc vào nguồn khách ngoại tỉnh và nước ngoài nên việc bị ảnh hưởng lớn khi dịch Covid-19 bùng phát là điều dễ hiểu. Đây là lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 3,61% so với cùng kỳ năm trước.

“Chúng ta phải tập trung triển khai các nhiệm vụ đã đề ra về phát triển kinh tế theo 3 trụ cột và 5 lĩnh vực then chốt trên tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, thành phố đã có những chiến lược mạnh mẽ để thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin, công nghệ phụ trợ… bảo đảm đúng định hướng”. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, tại kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị là một bước đột phá, có nền tảng quan trọng, khác hoàn toàn với thí điểm không tổ chức HĐND quận huyện phường trước đây.

“Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp chúng ta giải quyết được rất nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế ra quyết định điều hành của các cấp chính quyền. Nó sẽ linh động hơn, gọn hơn, có hiệu lực hơn, nhất quán hơn, phù hợp với đặc điểm tổ chức đô thị và kỳ vọng sẽ mang lại một cơ chế hoạt động bộ máy hành chính phù hợp với đặc điểm đô thị như thành phố Đà Nẵng” Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chia sẻ.


Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tiếp thu, giải trình tại phiên chất vấn

Liên quan đến Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận đây là Đồ án quy hoạch có tính chiến lược, mang tầm nhìn về chất lượng, đặc điểm, nét đột phá, tư duy quy hoạch dài hạn của thành phố. Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, mặc dù gặp phải rào cản về ngôn ngữ và tư duy quy hoạch khác nhau nhưng các đơn vị liên quan đã phối hợp nhịp nhàng để hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng thẩm định vào tháng 5 vừa qua.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta có sản phẩm quy hoạch mang tính chiến lược, nhất quán nhằm định hướng phát triển tầm nhìn không gian đô thị Đà Nẵng trong tương lai.Tôi mong muốn sau khi Đồ án được thông qua, chúng ta sẽ triển khai khối lượng công việc còn lại như: quy hoạch về phân khu chi tiết, thiết kế đô thị,…để tạo ra hành lang quy hoạch hiệu quả, phục vụ cho thời kỳ phát triển mới của Đà Nẵng; đồng thời giảm đi điểm nghẽn trong quá trình kêu gọi thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố” Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Về viêc triển khai các dự án trọng điểm và công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết, mặc dù chưa đạt tiến độ mong muốn, song tiến độ triển khai các công trình trọng điểm đã có nhiều cải thiện. Đến nay một số dự án đã được khởi công, đang đẩy nhanh tiến độ, trong đó có các dự án trọng điểm động lực như: Nhà máy nước Hòa Liên; Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý; Cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà; Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng giai đoạn 2; Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc Bệnh viện Đà Nẵng;...

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều bất cập do các yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó vướng mắc lớn nhất mà thành phố đang gặp phải là việc giải quyết đất tái định cư.

“Tôi mong muốn chúng ta sớm có kế hoạch xây dựng các khu đô thị để phục vụ việc di dời, giải tỏa của người dân ở quy mô lớn hơn, đồng bộ hơn, bố trí ở một vài khu vực để tạo ra sự kết nối đô thị tốt hơn, có vậy những khó khăn mà chúng ta gặp phải liên quan đến đất tái định cư sẽ giảm nhẹ đi, việc giải phóng mặt bằng sẽ trở nên nhanh hơn”. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ chia sẻ thêm.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng đề cập đến những hạn chế, bất cập liên quan đến các vấn đề như: Kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch ngân sách trung hạn; môi trường; giao thông; việc thực hiện Nghị định 79 của Chính phủ liên quan đến hơn 4000 hộ dân nợ đất tái định cư; tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp;… trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian đến.

LÊ HOA - THỦY THANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác