Dạy học lấy trẻ làm trung tâm
Đăng ngày 08-07-2020 05:19, Lượt xem: 1066

Từ việc thí điểm Đề án “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” (năm học 2016-2017) tại 7 trường học, đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố triển khai 214 trường, hơn 553 nhóm lớp độc lập. Qua thời gian triển khai, trẻ các trường mạnh dạn, tự tin, thực hiện các kỹ năng vận động chính xác.

Bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Sở GD&ĐT thành phố cho biết, để thực hiện đề án “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, các trường mầm non công lập tham mưu với các cấp lãnh đạo, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục trong việc đầu tư cơ sở vật chất. Qua đó nhiều trường đã xây mới phòng bếp, các phòng học, cải tạo nhiều công trình vệ sinh, xây mới hàng rào cổng ngõ, trang bị các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác chăm sóc và giáo dục trẻ.

Hiệu trưởng các trường mầm non công lập đã triển khai đến các nhóm, lớp độc lập trên địa bàn về thực hiện chuyên đề. Các nhóm, lớp đã xây dựng được môi trường giáo dục đẹp, phong phú, tận dụng được các khoảng không gian trong và ngoài lớp để tổ chức cho trẻ tham gia trải nghiệm, phù hợp với từng độ tuổi của trẻ. Qua đó, trẻ có quyền lựa chọn các hoạt động phù hợp với khả năng và sở thích của mình thông qua việc giáo viên bố trí sắp xếp các góc chơi linh hoạt, nguyên vật liệu đa dạng phong phú và vừa tầm đối với trẻ.

Qua ghi nhận thực hiện đề án tại các trường cho thấy, nhà trường đã tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Những ngày đầu tháng 7, các khối lớp Trường mầm non 19-5 (quận Hải Châu) đang chuẩn bị các hoạt động văn nghệ nhằm chuẩn bị cho công tác bế giảng và lễ ra trường của khối lớp lớn. Với mỗi lớp tham gia mỗi tiết mục văn nghệ nên các cháu ai nấy đều hào hứng luyện tập theo hướng dẫn của giáo viên.


Với việc dạy học lấy trẻ làm trung tâm giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn

Cô Trần Thị Lệ Phúc, chủ nhiệm lớp Lớn 1 cho biết, những năm qua nhà trường luôn chú trọng xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm. Các giáo viên đã tập trung đầu tư cho lớp học, tự làm đồ chơi, bố trí các góc học tập, đổi mới phương pháp giảng dạy, tỏng đó chú trọng dạy kỹ năng cho trẻ. "Giáo viên luôn đặt học sinh làm đối tượng trung tâm, tạo mọi điều kiện để các em phát huy khả năng của mình. Đối với khối lớp Lớn, các em rất tự tin. Đây là nền tảng để các em bước vào lớp 1", cô Phúc chia sẻ.

Trường mầm non Ngân Hà (quận Hải Châu) tổ chức ngày hội "Chiến sĩ tí hon" vào tháng 12 hàng năm. Nhà trường cho các bé đi giao lưu với các chú bộ đội tại Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 699 (Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố), Tiểu đoàn 8 thuộc Quân khu 5. Các bé được tham gia các hoạt động diễu binh, văn nghệ giao lưu, xem các chú bộ đội biểu diễn võ thuật, thi thử tài chiến sĩ gấp chăn theo mẫu mà các chú bộ đội hướng dẫn. Bên cạnh đó, các bé còn được tham gia cắm trại quân đội với các hoạt động sôi nổi khác như đi hành quân, tăng gia sản xuất, bắn súng, ném bóng rổ, lau súng, tập bò trườn, vệ sinh doanh trại, chơi bóng chuyền, đọc báo và sinh hoạt văn nghệ.

Cô Nguyễn Thị Hà Châu, Hiệu trưởng Trường mầm non Ngân Hà cho biết, thông qua hoạt động ngoại khóa, nhà trường muốn tạo ra một sân chơi bổ ích cho trẻ có những trải nghiệm lý thú, mạnh dạn và tự tin hơn khi tham gia các trò chơi vui nhộn, đồng thời biết những kiến thức cơ bản, cùng hóa thân vào vai các chú bộ đội để được trải nghiệm về đời sống sinh hoạt hàng ngày của các chú. Bên cạnh đó, việc tổ chức hoạt động chơi cho trẻ  nhằm tạo cho trẻ môi trường giáo dục mang tính "mở", kích thích sự tập trung chú ý, tư duy và cảm xúc tích cực của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia hiệu quả vào các hoạt động chơi và trải nghiệm đa dạng cũng được các cô giáo


Từ 7 trường thí điểm, đến nay có hơn 200 trường triển khai chuyên đề dạy học lấy trẻ làm trung tâm

Đối với Trường mầm non Dạ Lan Hương (quận Hải Châu), ngoài việc tổ chức các hoạt động dã ngoại, nhà trường chuẩn bị bữa ăn "khác lạ" vào ngày thứ 6 hằng tuần. Các đồ dùng phục vụ bữa ăn được chuẩn bị đầy đủ có trang trí vui mắt, hấp dẫn và sinh động, cô giáo cho trẻ tự phục vụ bữa ăn của trẻ như: dọn, kê bàn ghế, trải khăn bàn, chuẩn bị khăn ăn, bình hoa. Các món ăn do các cô cấp dưỡng nấu cũng khác những ngày đầu tuần. Theo nhìn nhận của Ban Giám hiệu nhà trường, với bữa ăn vào ngày thứ 6, bé nào cũng háo hức ăn, vì mùi vị món ăn cuối tuần ngon hơn, thơm hơn và được trang trí rất đẹp mắt. Sau khi ăn xong, trẻ giúp cô thu dọn đồ dùng và vệ sinh cá nhân và tự kê giường để đi ngủ. Qua các hoạt động này, các bé được học các kỹ năng lao động tự phục vụ, quan tâm và chia sẻ yêu thương với cô và các bạn.

Đánh giá hiệu quả đề án “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Lê Thị Bích Thuận, cho biết sau 5 năm triển khai thực hiện, trẻ các trường khỏe mạnh, hồn nhiên, lễ phép, mạnh dạn trong giao tiếp thân thiện hợp tác với bạn bè, có nề nếp thói quen trong sinh hoạt học tập và vui chơi, lao động tự phục vụ, lao động trực nhật vệ sinh ăn, ngủ phù hợp với độ tuổi, tiếp thu tốt kiến thức qua các hoạt động của cô tổ chức. 100% trẻ được tham gia vào các hoạt động “lễ” và “hội” thông qua các hội thi do lớp, nhà trường, phòng GD-ĐT tổ chức tạo được cơ hội cho trẻ được giao tiếp, trải nghiệm, từ đó giúp trẻ mạnh dạn tự tin, giúp trẻ có kỹ năng thích ứng vào cuộc sống; 100% trẻ đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần.

PHƯƠNG THANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác