Đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công
Đăng ngày 07-07-2020 17:36, Lượt xem: 253

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, sáng 7-7, đại biểu HĐND thành phố tập trung thảo luận về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, phát huy hiệu quả các công trình, thiết chế văn hóa... đồng thời triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố.

Trong 6 tháng đầu năm, cùng với cả nước, thành phố Đà Nẵng đã cơ bản kiểm soát và khống chế thành công đại dịch COVID-19, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, theo đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Tổ đại biểu quận Hải Châu), Đà Nẵng vẫn là địa phương có nguy cơ cao về dịch bệnh Covid-19, trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm âm 3,6%, đây là sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, đây cũng là điều phù hợp với thực tế chung của các tỉnh thành có cơ cấu ngành dịch vụ du lịch thương mại lớn như Đà Nẵng. Các ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp chủ lực cho tăng trường đã chịu tác động dây chuyền của dịch bệnh (từ du lịch giảm, kéo theo ăn uống, lưu trú, lữ hành giảm, thương mại giảm, vận tải giảm, các dịch vụ khác giảm theo...

Về các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Đức Trị (Tổ đại biểu quận Cẩm Lệ) đề nghị thành phố cần tổ chức đối thoại để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình ảnh hưởng bởi COVID-19. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc thu hút đầu tư các tập đoàn đa quốc gia lớn, các tập đoàn công nghệ cao, kêu gọi quỹ đầu tư, quỹ khởi nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp tại Đà Nẵng.

Về vấn đề đầu tư công, giải ngân vốn, lập kế hoạch trung hạn, đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung (Tổ đại biểu đơn vị quận Ngũ Hành Sơn) và đại biểu Trần Thắng Lợi (Tổ đại biểu quận Thanh Khê) cho rằng, đây là giải pháp hiệu quả giúp tăng trưởng kinh tế trong tình hình hiện nay. Kết quả tính toán của ngành thống kê, cứ vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ đóng góp khoảng 0,08 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP toàn thành phố. Cùng với các giải pháp về tháo gỡ khó khăn do đại dịch COVID-19, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn sẽ đem lại diện mạo mới cho thành phố trong quá trình phát triển.

Theo đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, thành phố vẫn có những thành quả; một số ngành vẫn giữ được đà tăng trưởng như: CNTT, tài chính ngân hàng, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, nông lâm thủy sản. 

Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Khu Công viên phần mềm số 2, xúc tiến và tạo điều kiện để nhà đầu tư tham gia đầu tư vào Khu Công nghệ thông tin tập trung 131 ha tại Hòa Liên, cũng như kêu gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu công viên phần mềm mở rộng tại quận Cẩm Lệ; tập trung hỗ trợ, thực hiện kết luận của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố tại buổi làm việc với công ty FPT, thành lập phân hiệu Đại học FPT và các vấn đề khác.

Đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung, Phó ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố phát biểu 

Trong lĩnh vực quản lý đô thị, cùng với các ý kiến về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn, giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại kênh Phú Lộc, Âu thuyền Thọ Quang…của đại biểu Võ Văn Thương (Tổ đại biểu đơn vị quận Hải Châu), đại biểu Phùng Phú Phong (Tổ đại biểu đơn vị quận Hải Châu)  cho rằng, với tốc độ phát triển đô thị khá nhanh, giao thông của thành phố đã bắt đầu xuất hiện nhiều bất cập, trong đó vấn đề ùn tắc giao thông cục bộ ở một số khu vực, một số tuyến đường vào giờ cao điểm đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và ảnh hưởng đến vấn đề phát triển kinh tế của thành phố. Nguyên nhân của vấn đề ùn tắc giao thông cũng đã được nhiều đại biểu đề cập như việc gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, hệ thống tuyến đường giao thông khu trung tâm nhỏ, giao cắt cùng mức...

Theo đề án “Tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố” được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 102/2017/NQ-HĐND gồm có 39 nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp được chia thành 3 giai đoạn thực hiện gồm: giai đoạn 2018-2020, 2020-2025 và giai đoạn sau 2025.

Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án đã đạt được một số kết quả khả quan như phân luồng xe khách trên 30 chỗ vào trung tâm giờ cao điểm, triển khai thi công hoàn thành 10 bãi đỗ xe tạm bàn giao các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà. Tuy nhiên, một số nội dung thì triển khai còn chưa đồng bộ nên vẫn chưa phát huy hết hiệu quả của các giải pháp như thí điểm thu phí đỗ xe trên tuyến Bạch Đằng - Trần Phú, xây dựng cơ chế ưu đãi kêu gọi đầu tư các bãi xe, dự án xe bus nhanh BRT, di dời các tuyến xe bus liền kề ra khỏi trung tâm thành phố.

Đại biểu đề nghị thành phố cần tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp xây dựng các bãi đỗ xe, chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư bãi đỗ xe, xác định lộ trình hạn chế xe cá nhân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hợp phần giao thông của đề án thành phố thông minh. Đồng thời, triển khai các giải pháp thu phí đậu đỗ xe trên các tuyến đường trung tâm đã đủ điều kiện, đảm bảo tiến độ thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, nhất là nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, ĐT 601...

Ở phiên thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh giải trình một số nội dung về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên giải trình về công tác thu tiền sử dụng đất theo Nghị định số 79-2019/NĐ-CP của Chính phủ và công tác cho vay vốn ngân hàng chính sách.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác