Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố và tình hình kinh tế - xã hội tháng 04 năm 2020
Đăng ngày 20-05-2020 02:10, Lượt xem: 1750

I. HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA LÃNH ĐẠO UBND THÀNH PHỐ THÁNG 04 NĂM 2020

Trong tháng 04 năm 2020, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tập trung triển khai hiệu quả các nội dung công việc theo chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố; một số nội dung công việc nổi bật như sau:

Tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố triển khai hiệu quả nội dung công việc đã được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2019 và các văn bản chỉ đạo, điều hành đã được UBND thành phố ban hành từ đầu năm 2020, cụ thể: Quyết định số 208/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2020 về ban hành nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước thành phố Đà Nẵng năm 2020; Quyết định số 211/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2020 về ban hành Chương trình công tác năm 2020; Quyết định số 308/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2020 về ban hành danh mục 03 nhiệm vụ trọng tâm của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện năm 2020; Quyết định số 5999/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP và giải ngân kế hoạch vốn xây dựng cơ bản năm 2020; Quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2020 về kế hoạch đền bù giải tỏa các dự án trên địa bàn thành phố năm 2020.

Tại cuộc họp UBND thành phố thường kỳ được tổ chức vào ngày 10 tháng 4 năm 2020, UBND thành phố đã thống nhất thông qua một số nội dung sau: hỗ trợ cho các đối tượng, hộ gia đình trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng do tác động bởi dịch Covid-19; đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp đô thị, thương mại cao tầng Phương Trang - khu C5b, khu E, khu F; chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân (giai đoạn 3); chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Cải tạo và bổ sung trang thiết bị Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Ngày 24 tháng 4 năm 2020, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng. Theo đó, đề nghị điều chỉnh tên gọi của Nghị quyết thành thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết. Dự kiến tại phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức vào ngày 16 tháng 5 năm 2020 sẽ thảo luận và có ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

Về tiến độ triển khai lập đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và hợp phần thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030: UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh hồ sơ để UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp của HĐND thành phố vào tháng 5 năm 2020 trước khi báo cáo với các bộ, ngành Trung ương theo quy định.

Về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19): Lãnh đạo UBND thành phố tiếp tục tập trung công tác chỉ đạo việc phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế và các cơ quan liên quan rà soát, giám sát người nhập cảnh từ ngày 08 tháng 3 trên địa bàn; tổ chức khai báo y tế điện tử, duy trì giám sát y tế; kiểm dịch chặt chẽ tại sân bay quốc nội, tại các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ ra vào thành phố để phát hiện các trường hợp đến thành phố từ địa phương có dịch. Đồng thời, tiếp tục triển khai, cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh đến người dân. 

Trong tháng 04 năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành 04 Quyết định quy phạm pháp luật, 400 Quyết định hành chính cá biệt và 789 văn bản chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, kinh tế - tài chính, đầu tư - đô thị, nội chính - pháp chế.

II. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH THÁNG 04 NĂM 2020

1. Về kinh tế

a) Lĩnh vực dịch vụ

Trong tháng, phần lớn các khách sạn, homestay, nhà nghỉ trên địa bàn Đà Nẵng tạm thời đóng cửa, đặc biệt ngành lưu trú chỉ phục vụ lượng nhỏ khách đang lưu trú do không thể di chuyển hoặc về nước vì buộc phải cách ly để phòng dịch. Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước tính tháng 4 năm 2020 là 38,6 nghìn lượt, giảm 93,1% so với cùng kỳ 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 26,5 nghìn lượt, giảm 88% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt 12,1 nghìn lượt, giảm 96,5% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 4 tháng ước đạt 1.177 nghìn lượt khách, trong đó, khách quốc tế ước đạt 471,3 nghìn lượt, giảm 45,3%; khách trong nước ước đạt 705,7 nghìn lượt, giảm 48,6%. Số ngày lưu trú bình quân trên 1 lượt khách là 2,12 ngày, trong đó khách quốc tế là 2,14 ngày và khách trong nước là 2,05 ngày (so với cùng kỳ năm 2019 lần lượt là 2,11 ngày; 2,07 ngày và 2,16 ngày). Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 4/2020 ước đạt 283,3 tỷ đồng giảm 82,8% so với cùng kỳ năm 2019, lũy kế 4 tháng ước đạt 3.711,2 tỷ đồng giảm 41,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các chuyến bay, tàu biển quốc tế đến Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã dừng hoạt động, số lượng đường bay nội địa đến Đà Nẵng hiện nay còn 02 đường bay Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến nay trên địa bàn thành phố có 409 đơn vị kinh doanh lữ hành; 968 cơ sở lưu trú du lịch, 4.694 hướng dẫn viên, tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 nên hiện nay có nhiều doanh nghiệp du lịch đang tạm dừng hoạt động (có 99 cơ sở lưu trú du lịch đang tạm dừng hoạt động đón khách, các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố cũng đang ngừng hoạt động). 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4/2020 giảm ở tất cả các ngành hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 cùng với việc thực hiện chủ trương giãn cách xã hội”, nhu cầu tiêu dùng dân cư giảm đã làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4/2020 ước đạt 3.199,2 tỷ đồng, giảm 30,8% so với cùng kỳ 2019; lũy kế 4 tháng ước đạt 17.097 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch năm, giảm 6,8% so với cùng kỳ 2019 (KH tăng 22,1%). Tình hình kinh doanh, mua bán tại các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố giảm so hơn với bình thường, sản lượng tiêu thụ hàng hóa tại các chợ chậm, khách hàng đến chợ giảm 30-40%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn thành phố tháng 4/2020 tăng 3,38% so với cùng kỳ 2019; CPI bình quân 4 tháng năm 2020 tăng 5,24% so với cùng kỳ 2019. 
Hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố tháng 4/2020 chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2020 ước đạt 127,9 triệu USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ 2019; lũy kế 4 tháng ước đạt 478,9 triệu USD, giảm 4,8% (KH tăng 7-8%). Kim ngạch nhập khẩu tháng 4/2020 ước đạt 109,5 triệu USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ 2019; lũy kế 4 tháng ước đạt 391,7 triệu USD, giảm 3,9%.

Hoạt động vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên kết quả hoạt động tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020 bị giảm sút. Tổng doanh thu ngành vận tải tháng 4/2020 ước đạt 822,9 tỷ đồng, giảm 37,4% so với cùng kỳ 2019; lũy kế 4 tháng đạt 4.447,9 tỷ đồng, giảm 9,4%. Ngành chức năng tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 trên lĩnh vực vận tải.

Tổng doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông thành phố tính đến tháng 4/2020 ước đạt 5.748 tỷ đồng, đạt 17% kế hoạch, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm 4 tháng ước đạt 17 triệu USD, đạt 16,7% so với kế hoạch, giảm 39%. 

Hoạt động ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh. Ước đến cuối tháng 4/2020 tổng nguồn vốn huy động ước đạt 128.300 tỷ đồng, giảm 2,24% so với tháng 12/2019; tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước đạt 175.500 tỷ đồng, tăng 0,08%. Trong tháng, đã triển khai các giải pháp hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng dịch Covid-19 như: tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương báo cáo quy chế nội bộ về việc cụ thể hóa Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, đề xuất và khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.

b) Sản xuất công nghiệp

 Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tháng 4/2020 gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ngưng trệ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19 lan rộng trên toàn thế giới và trở nên nghiêm trọng tại nhiều quốc gia. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thành phố đều gặp khó khăn, số lượng đơn hàng giảm sút mạnh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu và khả năng chi trả tiền lương cho người lao động; bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng nên phải sa thải lao động hoặc cho lao động tạm nghỉ việc, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu những hàng hóa không thuộc các mặt hàng thiết yếu trong giai đoạn dịch bệnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố tháng 4/2020 ước giảm 13,1% so với cùng kỳ 2019, lũy kế 4 tháng ước giảm 3,7% so với cùng kỳ 2019, trong đó: công nghiệp chế biến - chế tạo giảm 3,4%, sản xuất và phân phối điện giảm 2,1%, cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải giảm 3,7%, khai khoáng giảm 29,7%.

 Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có chỉ số sản xuất giảm sâu như: Sản xuất trang phục giảm 40,4%; chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 41,0%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 43,0%. Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp ít chịu tác động bởi dịch bệnh vẫn có mức tăng khá cao như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 30,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất tăng 22,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 54,9%; sản xuất kim loại tăng 11,8%; sản xuất máy móc thiết bị tăng 20,5%.

 Nhìn chung, khó khăn chủ yếu của sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện nay là do sự đứt gãy của các chuỗi cung, cầu hàng hóa trên thị trường cả trong và ngoài nước. Sản xuất và lưu thông, tiêu thụ hàng hóa bị đình trệ, ảnh hưởng đến việc tìm kiếm các đơn hàng mới, do đó ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp và việc làm, thu nhập của người lao động.

c) Hoạt động sản xuất thủy sản - nông - lâm tương đối ổn định và ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thành phố tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ, hoạt động khai thác thuỷ sản trong tháng 4/2020 có nhiều thuận lợi do thời tiết biển không diễn biến phức tạp, sản lượng khai thác thủy sản tháng 4/2020 ước đạt 3.454 tấn, lũy kế 4 tháng ước đạt 13.425 tấn, đạt 35% kế hoạch năm, tăng 2,2% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên sản lượng đánh bắt của bà con ngư dân tiêu thụ thấp, giá cả có xu hướng giảm, các chủ tàu có công suất lớn phải chuẩn bị các điều kiện để dự trữ và bảo quản sản phẩm làm cho chi phí tăng lên, doanh thu giảm nên cũng ảnh hưởng đến đời sống thu nhập của bà con ngư dân. Lúa Đông Xuân 2019-2020 đến nay đã thu hoạch đạt 1.417,9 ha/2.614,7 ha, năng suất đạt 63,8 tạ/ha, sản lượng đạt 1.6693,3 tấn. Tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Tập trung chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng, thường xuyên kiểm tra hiện trường lâm phận quản lý, tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu vực dễ gây cháy để nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời khi có cháy xảy ra; trong tháng, trên địa bàn thành phố không xảy ra cháy rừng.

2. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả mục tiêu của Chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, phát triển hoạt động đối ngoại, doanh nghiệp và khởi nghiệp

Về thu hút đầu tư trong nước, từ đầu năm đến nay, thành phố đã thu hút được 13.097 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 04 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư là 10.815 tỷ đồng (tăng 593% về vốn so với cùng kỳ, chấp thuận chủ trương đầu tư cho 04 dự án đầu tư trong nước theo luật nhà ở với tổng vốn đầu tư 2.282 tỷ đồng. Lũy kế đến nay (15/4/2019), thành phố có 337 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 115.713 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, trong tháng 4 (15/3-15/4/2020), có 12 dự án FDI được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,942 triệu USD (tăng 65,8% về vốn so với cùng kỳ năm 2019; có 19 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng vốn 0,7 triệu USD (cùng kỳ năm 2019 có 18 lượt, tổng vốn 2,363 triệu USD). Lũy kế đến nay thành phố có 846 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,474 tỷ USD.  

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, trong tháng (15/3-15/4/2020), thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 275 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 1.382 tỷ đồng; lũy kế 04 tháng (tính đến 15/4/2020), thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.187 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 6.265 tỷ đồng; giảm 38% về số doanh nghiệp và giảm 44,5% về số vốn so với cùng kỳ 2019; hoàn tất thủ tục giải thể cho 238 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và có 991 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động. Tổng số hồ sơ liên quan đến đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý trong tháng là 2.049 hồ sơ, trong đó có 1.536 hồ sơ trực tuyến (chiếm tỷ lệ 73,9%). Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 30.638 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 210.540 tỷ đồng. 

Thành phố hiện có 03 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi do thành phố quản lý đang được triển khai thực hiện và có 01 dự án do Trung ương là cơ quan chủ quản. Tổng vốn đầu tư 04 dự án trên khoảng 424,311 triệu USD, trong đó vốn ODA và vốn vay ưu đãi là 333,814 triệu USD, chiếm 78,67%, vốn đối ứng đạt 90,497 triệu USD, chiếm 21,33% tổng vốn đầu tư. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay (27/4/2020), thành phố phê duyệt tiếp nhận 11 khoản viện trợ Phi Chính phủ nước ngoài (NGO) với tổng giá trị cam kết 39,15 tỷ đồng.

Các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế được chú trọng. Ngành chức năng đã triển khai công tác tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36; trao đổi với chính quyền các địa phương Nhật Bản về việc tham gia Lễ hội Việt - Nhật 2020; tái xúc tiến ký kết ghi nhớ, thiết lập quan hệ hữu nghị với tỉnh Khon Kaen (Thái Lan); xúc tiến hợp tác với thành phố Brno (Séc); 

3. Quản lý đầu tư - xây dựng cơ bản, quản lý quy hoạch, đô thị và tài nguyên môi trường

Công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục được tăng cường, chú trọng đầu tư có trọng điểm, quy mô hợp lý và nâng cao hiệu quả đầu tư; công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định dự án, thiết kế - dự toán, thẩm định đấu thầu và quản lý chất lượng công trình được thực hiện đúng quy trình và luật định.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc xả nước thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình đã được cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố; xây dựng kế hoạch tuyên truyền Ngày Nước thế giới năm 2020; thực hiện nhiệm vụ Thiết lập và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển và tiếp tục thực hiện giám sát tại bãi rác Khánh Sơn v.v...

4. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội

a) Về Khoa học - Công nghệ: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố. Chú trọng hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, hạt nhân. Tập trung thanh kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến sở hữu trí tuệ. Công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng được triển khai tích cực. Tập trung triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học; lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ. 

b) Về Văn hóa - Thể thao: Ngành chức năng đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng clip tuyên truyền, video đồ họa, 350 phướn tại các tuyến đường chính và phát hành 17.500 áp phích tranh cổ động; thực hiện báo cáo kết quả tuyên truyền kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng bộ thành phố và 45 năm Giải phóng thành phố.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tiếp tục nhận được quan tâm đầu tư, HĐND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư đối với Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2) và Dự án Cải tạo 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng; phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia Hải Vân Quan…

c) Về Y tế: Tính đến hết ngày 20/4/2020, tại thành phố Đà Nẵng ghi nhận 06 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 05 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào thành phố Đà Nẵng, 01 trường hợp mắc bệnh do tiếp xúc gần với bệnh nhân 22 và 23. Toàn bộ 06 bệnh nhân đều đã điều trị khỏi và xuất viện; 06/06 bệnh nhân hoàn thành thời gian cách ly y tế sau khi xuất viện.

Duy trì giám sát y tế, kiểm dịch chặt chẽ tại sân bay quốc nội, tại các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ ra vào thành phố để phát hiện các trường hợp đến thành phố Đà Nẵng từ địa phương có dịch, từ ngày 01/4/2020 đến nay đã rà soát 1.244 trường hợp có liên quan đến địa phương có dịch (Hà Nội, Hồ Chí Minh) đi qua các chốt, chuyển cách ly tập trung 34 trường hợp. Tiếp tục triển khai, cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế về công tác phòng chống Covid-19; thực hiện thường quy công tác giám sát Covid-19 tại cửa khẩu, bệnh viện và cộng đồng theo quy định; tổ chức vận chuyển, cách ly, điều trị các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh theo đúng quy trình; đảm bảo công tác cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh theo đúng quy định; ban hành kế hoạch phân tuyến điều trị Covid-19 cấp độ 3 trở lên (ghi nhận trên 10 bệnh nhân Covid-19 tại thành phố); tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông về bệnh Covid-19 và các biện pháp phòng chống bằng nhiều hình thức.

d) Về Giáo dục và Đào tạo: Trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, ngành giáo dục tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các đơn vị, trường học phòng, chống dịch Covid-19; triển khai dạy học qua internet và trên truyền hình, định hướng tinh giản nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình thành phố tổ chức dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12 và đăng tải các bài giảng ôn tập lớp 12 trên truyền hình lên website của Sở Giáo dục và Đào tạo.

đ) Về Lao động - Thương binh - Xã hội: Tính đến ngày 10/4/2020, trên địa bàn thành phố có 2.391 đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số lao động ảnh hưởng là 58.236 người; 7.097 người đã chấm dứt hợp đồng lao động; 18.801 người lao động nghỉ tạm thời không hưởng lương, nghỉ hằng năm theo chế độ quy định của pháp luật và 32.328 lao động thuộc các diện khác. Trong tháng 4/2020, đã tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm trực tuyến, tạo việc làm cho 2.600 lao động; thẩm định và chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài cho 208 trường hợp.

Về chính sách người có công, thành phố đã thăm và tặng quà gia đình các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, tiền bối và các gia đình chính sách, các đồng chí nguyên là Lãnh đạo chủ chốt của Đặc khu ủy Quảng Đà nhân kỷ niệm 90 năm ngày Thành lập Đảng bộ thành phố Đà Nẵng và 45 năm ngày Giải phóng thành phố; Thực hiện giải quyết trợ cấp hàng tháng và 1 lần cho 47 trường hợp.

Công tác bảo trợ xã hội, giảm nghèo, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm thực hiện đảm bảo đúng định hướng và quy định. Về phòng chống tệ nạn xã hội, trong tháng Cơ sở xã hội Bầu Bàng tiếp nhận 92 học viên vào cai nghiện, giải quyết cho về cộng đồng đúng thời hạn 61 học viên; chấp hành hình phạt tù 01 học viên; công an nhận lại 08 học viên. Hiện Cơ sở đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho 639 học viên.

5. Công tác xây dựng chính quyền - Thanh tra - Tư pháp

Báo cáo Bộ Nội vụ kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức của Bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2015-2020; kết quả thực hiện tinh giản biên chế, nghỉ hưu đúng tuổi, thôi việc và số cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ năm 2019; chất lượng, số lượng cán bộ, công chức năm 2019. 

Trong tháng 4/2020, toàn ngành Thanh tra thành phố đã triển khai các nội dung về công tác thanh tra: thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Sở Y tế và Bệnh viện Đà Nẵng; thanh tra về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế tại BHXH thành phố Đà Nẵng và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng của các cấp, các ngành trên địa bàn đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật; tham gia tiếp dân đối thoại của lãnh đạo UBND thành phố; ban hành kế hoạch đối thoại với công dân 11 vụ việc kéo dài, phức tạp.

 Đẩy mạnh công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ngành chức năng. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác lý lịch tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, đúng quy định. Công tác hành chính tư pháp, quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được đảm bảo.

6. Quốc phòng - an ninh

Duy trì và giữ vững ổn định an ninh chính trị, không để xảy ra các hoạt động gây rối, phá hoại về an ninh chính trị trên địa bàn. Tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kiểm soát. Trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị tiếp tục được duy trì ổn định. Trong tháng, xảy ra 17 vụ cháy nhưng không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản khoảng 4,86 tỷ đồng; xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 05 người, bị thương 04 người, thiệt hại tài sản khoảng 35 triệu đồng; tai nạn giao thông đường thủy, đường sắt không xảy ra.  

Nhìn chung, dịch bệnh Covid-19 tác động rất mạnh và nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó 3 tác động chính vào tăng trưởng: đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng ảnh hưởng đến dịch vụ và du lịch. Trong bối cảnh đó, kinh tế - xã hội thành phố tháng 4/2020 tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, các mục tiêu an sinh xã hội được duy trì thực hiện, đời sống của các tầng lớp nhân dân được quan tâm, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid 19; công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được chú trọng v.v..

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI TRONG THÁNG 05 NĂM 2020

Trong tháng 05 năm 2020, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tập trung triển khai một số nội dung công việc cụ thể sau đây:

1. Đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện chuẩn bị chu đáo các nội dung trình tại kỳ họp (bất thường) của HĐND thành phố dự kiến được tổ chức vào ngày 22 tháng 5 năm 2020. Đồng thời, tập trung triển khai hiệu quả các nội dung công việc đã được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2019.

2. Về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19): Tiếp tục tăng cường công tác giám sát y tế tại cửa khẩu, bệnh viện và cộng đồng, chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ vào thành phố theo quy định. Tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống Covid-19. 

3. Các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện tiếp tục chủ động đề xuất UBND thành phố triển khai các giải pháp hiệu quả nhằm ứng phó với các tác động do dịch bệnh Covid-19 gây ra ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố. 

4. Sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, đẩy mạnh các hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình đại dịch Covid-19 được kiểm soát; các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện tập trung triển khai hiệu quả theo đúng quy định.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo văn kiện Đảng bộ thành phố về nội dung đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025 theo đúng tiến độ đã được quy định tại Kế hoạch số 6834/KH-UBND ngày 08 tháng 10 năm 2019 của UBND thành phố.

7. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, các cơ quan liên quan hoàn chỉnh hồ sơ để UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và hợp phần thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. 

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai việc xây dựng Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định. Đồng thời, tham mưu UBND thành phố việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

9. Tiếp tục đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn mọi hoạt động chống phá, bảo đảm ổn định an ninh trật tự; tiếp tục triển khai kế hoạch tấn công, trấn áp các loại tội phạm.

10. Tiếp tục tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức trên địa bàn thành phố.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TP

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác