Bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống
Đăng ngày 18-03-2020 11:12, Lượt xem: 2416

Ngày 18-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53/KL-TW của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, nhằm đánh giá tổng thể kết quả và tác động của Đề án sau 10 năm thực hiện; chỉ ra những mặt được, chưa được, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53/KL-TW của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”

14 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2009-2019, GDP toàn ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đạt 2,61%/năm; sản xuất hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; vận hành theo cơ chế thị trường, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Trong đó, giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng 2,9%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8,99%/năm, với 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm.

Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới. Giai đoạn 2009 – 2019, sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này và vai trò của Việt Nam trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác ngày càng tăng.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng cơ bản nhất là thủy lợi đã có bước phát triển đáng kể, được cải tạo, nâng cấp, đảm bảo tưới cho 7,2 triệu ha trồng lúa (chiếm 95% diện tích lúa) và tiêu cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp; hệ thống kinh doanh dịch vụ logistics đang được hình thành và phát triển; khoa học công nghệ có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 2010 - 2019 cả nước đào tạo 9,6 triệu lao động nông thôn, trong đó có 1.084 ngàn/1.400 ngàn lao động nông thôn học nghề nông nghiệp, trên 90% lao động sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng thu nhập cao hơn; thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần.

Trước năm 2011, tỷ trọng giá trị sản phẩm lương thực, thực phẩm được sản xuất, chế biến, tiêu thụ qua hợp đồng rất thấp, chỉ chiếm từ 3-15%. Đến nay, cả nước có 579,3 nghìn ha cánh đồng lớn, trong đó diện tích trồng lúa 516,9 nghìn ha (chiếm 89,2%); đã phát triển mô hình chuỗi với 1.484 chuỗi (tăng 1.040 chuỗi so với năm 2016), 2.374 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi.

Theo đánh giá chung, việc thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của phát triển lương thực thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. So với mục tiêu đến năm 2020 tại Kết luận 53-KL/TW và Nghị quyết số 63/NQ-CP, dự kiến có 14 chỉ tiêu đạt và vượt, gồm 3 chỉ tiêu về lúa gạo, 2 chỉ tiêu về rau, 2 chỉ tiêu về cây ăn quả, 2 chỉ tiêu về chăn nuôi, 3 chỉ tiêu về thủy sản, 2 chỉ tiêu về đảm bảo khả năng tiếp cận lương thực.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng

Tại Đà Nẵng, sau 10 năm Kết luận số 53/KL-TW, thành phố đã quy hoạch, đầu tư hạ tầng sản xuất 7 vùng chuyên canh rau an toàn, với diện tích sản xuất 86,2 ha; hình thành 4 vùng chuyên trồng hoa, diện tích 22 ha; tổ chức sản xuất và xây dựng 9 cánh đồng sản xuất theo hướng hữu cơ, với diện tích 221 ha; sản xuất áp dụng chương trình quản lý cây trồng tổng hợp ICM khoảng 350 ha và 226,5 ha sản xuất giống lúa. Thành phố đã tổ chức các vùng tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, vùng nông nghiệp sinh thái và xây dựng chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn, nông nghiệp sạch trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, đã quy hoạch vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, diện tích 50 ha tại thôn Trường Định, xã Hòa Liên để thu hút đầu tư nuôi tôm thâm canh kết hợp du lịch sinh thái nông nghiệp; phê duyệt 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích hơn 500 ha, để kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực: trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín ứng dụng công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản . Hiện Đà Nẵng đang lập Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích 140 ha, tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh.

Thay đổi nhận thức về vai trò của nông nghiệp trong phát triển kinh tế, hội nhập

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, đề án bảo đảm an ninh lương thực không chỉ căn bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân mà còn xuất khẩu; trong hoàn cảnh biến động, thiên tai, dịch bệnh, vẫn bảo đảm cân đối sản phẩm nông nghiệp. Lấy ví dụ về công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đi đôi với tăng cường năng lực sản xuất, Chính phủ luôn chú ý thích đáng đến phát triển bền vững, an sinh xã hội, với tinh thần “quan tâm đến toàn xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị đứt bữa”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vẫn tồn tại những bất cập cần khắc phục như: liên kết sản xuất chuỗi gắn với vùng sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường nhìn chung trên tất cả các ngành hàng còn yếu; phát triển cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ vẫn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiên tiến; lao động nông nghiệp tuy dồi dào, nhưng chất lượng còn thấp, nhu cầu học nghề nông nghiệp của lao động trẻ không cao. Ngoài ra, quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương không ổn định, nhiều nơi chuyển đổi đất lúa nhưng ưu tiên cho mục đích phi nông nghiệp. Việc chậm thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất đang là “nút thắt” lớn cho sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa quy mô lớn.

Với xu hướng tăng dân số toàn cầu, gần 900 triệu người đang thiếu đói, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa cao, dịch bệnh bất thường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vấn đề an ninh lương thực càng trở nên bức thiết hơn; nếu không xác định sự bức thiết về an ninh lương thực trong giai đoạn đến có thể sẽ dẫn đến sai lầm trong chỉ đạo. “Phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm, đồng thời tăng cường khả năng dự trữ; không chạy theo thị trường, nêu cao tinh thần tự cường, chủ động đối với an ninh lương thực.

Theo Thủ tướng Chính phủ, thời gian đến, một trong những mục tiêu quan trọng là  phải đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng ít nhất cho quy mô 104 triệu người vào năm 2030, với cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học trong từng giai đoạn, kể cả lượng và chất, nhằm chống tình trạng thấp, bé, còi của người Việt Nam. Đồng thời, cần tăng nhanh sản lượng sữa từ 1 triệu tấn lên 3 triệu tấn đến năm 2030, cùng với việc tăng nhanh sản lượng trứng, thịt đỏ, thịt gà, thủy sản, rau quả có lợi cho sức khỏe và phù hợp với cơ cấu dinh dưỡng, bởi đây là loại thực phẩm góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc giống nòi.

Về lúa gạo và diện tích đất lúa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, gạo có vai trò quan trọng trong cơ cấu thực phẩm, do vậy, sẽ trình Chính phủ, Bộ Chính trị việc giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa để ít nhất có 35-38 triệu tấn lúa, tương ứng 22 triệu tấn gạo trong cân đối; đồng thời cho biết, Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp về vấn đề giá thịt lợn, bàn giải pháp giảm giá thịt lợn.

Nhấn mạnh quan điểm chuyển nhận thức phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh, đủ ăn, điểm tựa cho sự phát triển thành vai trò mới, là một lợi thế đặc thù, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, hội nhập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 9-10%/năm, phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác