Ngày 18-3, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã chủ trì cuộc họp để lấy ý kiến đóng góp của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cuộc họp quan trọng để hoàn chỉnh đồ án trước khi lập các thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và làm cơ sở định hướng cho kế hoạch phát triển của thành phố những năm đến.
Ban Thường vụ Thành ủy đóng góp ý kiến vào Đồ án quy hoạch
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Đồ án quy hoạch) là một đồ án hết sức quan trọng, cụ thể hóa đường hướng phát triển của thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng. Đến nay, theo Ban chỉ đạo tổ chức lập đồ án là UBND thành phố cho biết, đến nay đã cơ bản hoàn thành đúng tiến độ các công việc đề ra, tổ chức hội thảo lấy ý kiến từ cộng đồng, chuyên gia và các doanh nghiệp trên địa bàn; thống nhất với đơn vị tư vấn về các chỉ tiêu chủ yếu; mô hình cấu trúc phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất. Còn một số vấn đề chi tiết, nhỏ lẻ, Ban Chỉ đạo đã và đang tiếp tục làm việc với Đơn vị tư vấn để hiệu chỉnh hoàn thiện.
Theo đồ án quy hoạch, tầm nhìn là xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững. Mục tiêu mà thành phố hướng đến là trở thành một trong những trung tâm kinh tế- xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; Một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; Trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống.
Nhìn chung, nội dung Đồ án lần này so với Đồ án đã được phê duyệt năm 2013, có nhiều ưu điểm về ý tưởng đột phá về mặt tổ chức không gian đô thị, phân khu chức năng rõ nét hơn, định hướng và phân kỳ theo các giai đoạn phát triển phù hợp, không dàn trải, gây lãng phí đất đai, hạ tầng kỹ thuật như hiện nay.
Đồ án đề xuất được các ý tưởng lớn như Mô hình 2 vành đai kinh tế; 5 phân vùng phát triển gắn với 4 cụm việc làm ưu tiên tập trung và một điểm đến du lịch toàn thành phố; 5-7 trung tâm phân tán gắn với phân vùng phát triển; 3 phân vùng kiến trúc cảnh quan; Vùng sinh thái, phân chia thành 12 phân khu, ....
Đồ án cũng đưa ra một định hướng chiến lược hạ tầng đáng chú ý như ý tưởng "thành phố ngàn hồ" thích ứng biến đổi khí hậu, hạn chế lũ lụt vào mùa mưa, tham gia đảm bảo an ninh nguồn nước mùa khô ...
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu ý kiến đóng góp cho đồ án
Tại cuộc họp, một số thành viên Ban Thường vụ Thành ủy đã cho ý kiến để Ban chỉ đạo cùng với tư vấn làm rõ hơn một số vấn đề trong đồ án. Nhiều vấn đề được “mổ xẻ” như việc cân nhắc lại về đề xuất mở rộng sân bay Đà Nẵng vượt quá công suất 30 triệu hành khách /năm. Với việc phát triển các sân bay lân cận như Chu Lai, Phú Bài thì lượng khách đi/đến tại sân bay Đà Nẵng chỉ nên giới hạn mức cao nhất là 30 triệu/ năm; như vậy sẽ giảm suất đầu tư và phù hợp với điều kiện thực tế hạ tầng của thành phố. Về cơ cấu kinh tế, theo đồ án thì ngành dịch vụ sẽ tăng dần tỷ trọng (đến năm 2030 chiếm 71%); tuy nhiên, theo Trưởng ban Tuyên giáo Trần Đình Hồng, nên xem xét đến giới hạn của ngành dịch vụ và điều quan trọng là xem xét đến khả năng đóng góp của ngành, lĩnh vực đó trong nền kinh tế chung của thành phố chứ không phải chỉ xem xét về tỷ trọng GDP. Khu vực ga đường sắt hiện nay, sau khi di dời sẽ trở thành khu vực trung tâm thương mại dịch vụ nhưng cần tăng khả năng kết nối với các đường vành đai, tạo thành một không gian mở; đồng thời cần quan tâm chuyển một phần đất thương mại dịch vụ thành khu công viên, cây xanh giữa lòng thành phố . Khu vực nút giao giữa tuyến đường Hoàng Văn Thái và đường cao tốc sẽ được nghiên cứu để trở thành khu đô thị mới …
Về xây dựng Cảng Liên Chiểu, là một dự án lớn được nhiều nhà đầu tư rất quan tâm, cần phải được nghiên cứu triển khai sớm. Tuy vậy, Cảng Tiên Sa hiện tại vẫn đảm nhận vai trò là cảng hàng hóa trong nhiều năm nữa, vì vậy cần tính toán đến việc vận chuyển hàng hóa bằng xà lan thay vì đường bộ như hiện nay để giảm tai nạn giao thông. Một số nội hàm trong đồ án cần được thể hiện đầy đủ, chính xác hơn phù hợp với các định hướng theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị.
LÊ HOA