Sở Công thương thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 433/KH-SCT ngày 17-3-2020 về việc chuẩn bị hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường và phục vụ công tác cách ly do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong trường hợp dịch Covid-19 lan rộng; đồng thời, đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, không tăng giá, giữ ổn định tâm lý người tiêu dùng.
Theo đó, công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu (như gạo, đường, muối, mỳ bún phở, dầu ăn, nước mắm, mùng mền gối, xà phòng, kem bàn chải đánh răng) tại các siêu thị, trung tâm thương mại đạt gần 100 tỷ đồng, đảm bảo cung ứng cho thị trường. Trong đó, lượng hàng hóa dự trữ tại Siêu thị BigC Đà Nẵng tương ứng 20,6 tỷ đồng; siêu thị MM Mega Maket tương ứng 4,3 tỷ đồng; siêu thị CoopMart Thanh Khê tương ứng 11,9 tỷ đồng; siêu thị CoopMart Sơn Trà tương ứng 8,7 tỷ đồng; Vinmart – Ngô Quyền Plaza tương ứng 1,7 tỷ đồng; siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng tương ứng 50 tỷ đồng. Riêng mì, bún, phở dự trữ 274.226 thùng, dầu ăn 125.721 lít.
Tại các chợ truyền thống, hàng hóa được đưa về tương đối dồi dào, giá cả không tăng, đủ lượng hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng tại Đà Nẵng. Lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ tại 4 chợ thuộc quản lý của Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng khoảng 982 triệu đồng, bao gồm: 6.450kg gạo; 705 thùng mì tôm; 6.020 lít dầu; 9.600 chai nước mắm; khoảng 2.000 bộ mùng, mềm, gối và các vật dụng cá nhân. Lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ tại các chợ trên địa bàn quận, huyện ước đạt gần 20 tỷ đồng, trong đó hàng hóa được lưu chuyển về chợ theo chu kỳ 2 đến 3 ngày một lần.
Trong thời gian đến, Sở Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, vận động cộng đồng doanh nghiệp, các trung tâm thương mại, siêu thị, đầu mối phân phối tham gia triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu tại thành phố Đà Nẵng; kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình cung ứng hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là tại các khu vực bị cách ly; liên hệ các doanh nghiệp cung ứng suất ăn công nghiệp để mời tham gia cung cấp suất ăn cho các đối tượng được cách ly tại các khu vực cách ly tập trung của thành phố.
Theo kế hoạch, trong trường hợp dịch COVID-19 kéo dài và tiến hành cách ly tập trung với số lượng lớn, cách ly diện rộng, Sở Công Thương đã làm việc với Công ty TNHH An Thạnh tham gia cung ứng suất ăn công nghiệp cho thành phố, trong đó suất ăn dự kiến cho một người/ngày là 80.000 đồng và hợp đồng chính thức được thực hiện ngay sau khi có thông báo của Sở. Ngoài ra, Sở Công Thương đã giao Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng tổ chức thực hiện mua 100 bộ chăn, màn, chiếu gối và các vật dụng thiết yếu cá nhân (bao gồm: 1 xô nhựa, 1 thau nhựa, 1 chổi, 1 xúc rác nhựa, 1 bàn chải đánh răng, 1 tuýt kem loại vừa, bao ni lông bỏ rác 14 ngày, 1 cục xà phòng tắm, 1 chai dầu gội đầu nhỏ, 1 gói bột giặt vừa) để bàn giao cho Ban quản lý Khu Ký túc xá phía Tây thành phố phục vụ cách ly người lây nhiễm Covid-19, đồng thời tiếp tục chuẩn bị 650 bộ như trên để cung cấp ngay sau khi có yêu cầu của thành phố.
Đối với trường hợp cách ly tại chỗ diện rộng, hạn chế việc di chuyển của cư dân trong khu vực (vùng) đang bị cách ly, người dân tự mua sắm hàng hóa thông qua việc đặt hàng trực tuyến hoặc bằng điện thoại thông qua các kênh cung cấp hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm tâm thương mại: Coopmart, BigC, Lotte Mart, Vincom, MM Mega Mart, Vinmart+…, đơn hàng sẽ được các đơn vị phân phối cử nhân viên giao đến tại khu vực cách ly nơi khách đặt hàng đang cư trú, việc giao nhận và thanh toán sẽ được cán bộ tại khu vực hỗ trợ thực hiện và chuyển hàng đến tận tay khách hàng. Trong trường hợp chính quyền hỗ trợ cung cấp lương thực thực phẩm thiết yếu, chi phí bình quân một người được cách ly tạm tính khoảng 60.000 đồng/ngày, tổng 14 ngày là 840.000 đồng; địa điểm giao nhận hàng được tập trung tại vòng ngoài khu vực cách ly; căn cứ trên số lượng người được cách ly, nhà phân phối sẽ vận chuyển đúng, đủ số lượng theo thời gian cụ thể (vào lúc 6h00 sáng hoặc 18h00) mỗi ngày.
Đối với phương án phát triển thương mại sau khi Dịch COVID-19 được kiểm soát, Sở Công thương sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh như: tổ chức các chương trình kích cầu nội địa; xúc tiến thương mại; kết nối cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm… Tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước gửi hàng hóa quảng bá, giới thiệu, trưng bày, tìm kiếm đối tác tại các trung tâm triển lãm giới thiệu sản phẩm xuất khẩu tại một số thị trường.
Đồng thời, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động kết nối giao thương cho doanh nghiệp; vận động doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu của các tỉnh, thành trong cả nước. Triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mang tính hệ thống, đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương để tổ chức triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Sở Công thương giao Phòng Quản lý thương mại chủ trì liên hệ làm việc với các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn thành phố đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian cách ly do dịch Covid-19; phối hợp với Sở Y tế, Ban An toàn thực phẩm thành phố và các công ty cung cấp suất ăn công nghiệp để chuẩn bị suất ăn cho đối tượng được cách ly trong trường hợp cách ly tập trung và cách ly diện rộng.
Đồng thời, giao Phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường làm đầu mối liên hệ với các khu cách ly, phối hợp với Công ty Quản lý và Phát triển chợ cung cấp, bàn giao nhu yếu phẩm theo số lượng yêu cầu của thành phố cho các điểm cách ly tập trung. Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng có trách nhiệm liên hệ các hộ tiểu thương tại chợ nắm bắt thông tin, cập nhật tình hình các sản phẩm, hàng hóa thiết yếu để kịp thời chuẩn bị khi có yêu cầu; chuẩn bị sẵn sàng các hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác cách ly khi có yêu cầu của thành phố.
Sở Công thương cũng đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp phân phối chủ động dự trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm thiết yếu như: gạo, muối, đường, nước mắm, dầu ăn, đồ hộp các loại, mỳ ăn liền, mùng, mền, chiếu, gối, xà phòng, kem và bàn chải đánh răng… cung ứng cho nhu cầu của nhân dân cũng như phục vụ công tác huy động của thành phố khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, tuyên truyền, tư vấn người dân không cần thiết mua tích trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm với số lượng lớn, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình hàng ngày. Đặc biệt, ứng dụng các giải pháp bán hàng online hoặc qua điện thoại và giao hàng trực tiếp đến địa chỉ khách đặt mua hàng hóa để tạo thuận lợi cho người dân đặt mua hàng hóa tại nhà, tránh trường hợp tập trung đông người mua hàng trong cùng thời điểm dễ dẫn đến là nguồn phát sinh, lây lan dịch bệnh Covid-19.
NGÔ HUYỀN