Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại Đà Nẵng
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại thành phố Đà Nẵng, chiều ngày 14-4 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2013 và Quý I năm 2014.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo chủ chốt của thành phố Đà Nẵng.

Báo cáo với Thủ tướng về tình hình KT-XH năm 2013 và quý I-2014, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đề xuất một số cơ chế, chính sách để TP Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi phát triển.
 
 Trọng tâm là đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm ban hành Nghị định về một số cơ chế tài chính, ngân sách ưu đãi đối với TP Đà Nẵng như: Cho phép TP được huy động vốn đầu tư bằng 150% mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách TP theo dự toán HĐND TP quyết định hằng năm; cho TP được thưởng 70% của số tăng thu các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư với ngân sách địa phương và thưởng 70% của số tăng thu ngân sách T.Ư hưởng 100%; ổn định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương tối thiểu 85% cho ngân sách địa phương như hiện nay đến năm 2020 để đảm bảo nguồn lực phát triển KT-XH theo tinh thần Kết luận 75-KL/TW.
 
 Đề nghị Chính phủ cho phép mở thêm một số khu vui chơi có thưởng dành riêng cho người nước ngoài ở Bà Nà và bán đảo Sơn Trà và tăng số lượng bàn chơi bài có người chia ở các khu du lịch quốc tế, nhằm phục vụ nhu cầu gỉai trí ngày càng tăng của du khách nước ngoài; ưu tiên hỗ trợ Đà Nẵng trong xúc tiến, vận động, thu hút và bố trí cấp phát 100% nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các dự án nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng. Bố trí vốn hỗ trợ đối với những dự án đã hoàn thành, cũng như nâng cấp Sân bay quốc tế Đà Nẵng lên 6 triệu khách/năm; mở rộng QL14B, xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm, hỗ trợ 50% kinh phí để ngư dân đóng mới tàu công suất 400CV trở lên...
 
 Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những nỗ lực của các ngành các cấp và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đồng thuận vượt lên khó khăn, duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng; hạ tầng được đầu tư khang trang, sạch đẹp; thực hiện tốt an sinh xã hội, không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia; thành phố có nhiều mô hình phát triển tốt cho cả nước học tập. Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc nhở thành phố cần phát huy hơn nữa những tiềm năng lợi thể để phát triển mạnh hơn; tiếp tục phát triển du lịch dịch vụ và công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra giá trị gia tăng cao.
 
 Đối với những kiến nghị của thành phố, Thủ tướng cho biết, đây là những kiến nghị xác đáng, không ngoài mục tiêu tạo thêm động lực cho sự phát triển của Đà Nẵng. Thực hiện Kết luận 75 của Bộ chính trị, Chính phủ sẽ giao các ngành liên quan nghiên cứu, xem xét từng vấn đề cụ thể của thành phố. Ngoài một số vấn đề về liên quan đến cơ chế điều hành tài chính ngân sách, thành phố cần phải tuân thủ theo quy định của luật, hoặc chờ văn bản mới điều chỉnh cho phù hợp; một số dự án lớn như việc di dời ga đường sắt, xây dựng tàu điện ngầm, xây dựng Cảng Liên Chiểu chưa thể tiến hành trong những năm gần đây, phải chờ quy hoạch ngành và điều kiện đầu tư cho phép. Thủ tướng cho biết tinh thần là ủng hộ đối với một số đề xuất của thành phố về xây dựng mở rộng sân bay quốc tế, khu hội nghị quốc tế, bệnh viện phụ sản, bệnh viện đa khoa… Thủ tướng cũng lưu ý về quản lý điều hành đối với các dự án BOT, BT, BTO… đồng thời cũng yêu cầu thành phố quan tâm thực hiện tốt chính sách đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư cho các hộ thuộc diện giải tỏa tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đảm bảo công bằng hợp lòng dân.
 
 Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm, làm việc với lãnh đạo, công nhân viên Tổng Công ty Sông Thu (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng). Sau khi thăm cơ sở đóng, sửa tàu thuyền của Tổng Công ty Sông Thu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hết sức vui mừng biểu dương tinh thần vượt qua khó khăn, thách thức, làm chủ công nghệ đóng tàu tiên tiến trong quá trình đóng mới, sửa chữa những con tàu chuyên dụng của Hải quân, tàu cảnh sát biển, tàu khảo sát đo đạc biển, tàu tuần tra, tàu đa năng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, ứng phó sự cố tràn dầu, tàu cung ứng thuyền viên phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển, đảm bảo QP-AN, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời cũng khẳng định sẽ dành ưu tiên xứng đáng cho ngành đóng tàu biển giúp ngư dân bám biển sản xuất và bảo vệ lãnh hải, lãnh thổ của Tổ quốc. Đây cũng là chủ đề của Hội nghị bàn biện pháp về phát triển ngành thủy sản và chính sách với ngư dân.mà Thủ tướng chủ trì vào ngày 15/4 tại Đà Nẵng với các tỉnh thành khu vực duyên hải miền Trung.

LÊ HOA
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác