Hai xã Hoà Châu và Hoà Tiến đạt chuẩn nông thôn mới
Ngày 18-4, tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố", Phó Bí thư Thành uỷ Võ Công Trí đã trao Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cho 2 xã Hoà Tiến và Hoà Châu. Đây là 2 xã về đích sớm nhất trong tổng số 11 xã trên địa bàn huyện Hoà Vang.

Phó Bí thư Thành uỷ Võ Công Trí trao Quyết định công nhận
xã đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Hoà Chân và xã Hoà Tiến.

Thay đổi bộ mặt nông thôn
 

 Có thể nói, Chỉ thị 18 của Ban Thường vụ Thành uỷ đã tạo một động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh của các vùng nông thôn của huyện Hoà Vang trong cuộc thi đua xây dựng nông thôn mới. Trong vòng 3 năm triển khai Chương trình nông thôn mới (2011-2013), thành phố đã huy động được hơn 1.120 tỷ đồng để triển khai chương trình. Đáng chú ý là trước khi có Chỉ thị 18, nguồn vốn đầu tư của nhà nước cho khu vực nông thôn gần 170 tỷ đồng/năm; sau khi chỉ thị được ban hành thì nguồn vốn đầu tư đã tăng nhanh với 347 tỷ đồng vào năm 2012 và đạt 605 tỷ đồng vào năm 2013. Chỉ thị 18 đã thật sự tạo ra một cuộc vận động toàn thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới với sự tham gia của tất cả các sở, ban, ngành, các địa phương, hội đoàn thể, lực lượng vũ trang và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Ngoài việc đóng góp ngày lương, tiền của, nhiều sở, ngành còn tính cực tranh thủ được các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án của Bộ, ngành Trung ương đầu tư trên địa bàn huyện Hoà Vang; hướng dẫn 11 xã đánh giá và thẩm định kết quả đạt được của từng tiêu chí thuộc phạm vi quản lý của ngành và tham mưu UBND thành phố ban hành các chế, chính sách phù hợp, hiệu quả xây dựng nông thôn mới.

Mô hình sản xuất rau sạch tại cách đồng Hồ Bún - Tuý Loan.

Các chương trình, dự án phát triển sản xuất có hiệu quả đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Hoà Vang đến năm 2013 đạt hơn 20 triệu đồng, tăng gần 2 triệu đồng so với năm 2012; đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố giảm từ 16,5% xuống còn 10,3%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên ở khu vực nông thôn đạt 95%. Người dân đã nhìn thấy lợi ích thiết thực từ chương trình nông thôn mới và tham gia ngày càng tích cực, hiệu quả với vai trò là chủ thể của chương trình. Anh Trần Văn Phúc ở thôn An Châu, xã Hoà Phú cho biết, trước đây anh từng đi vào TP Hồ Chí Minh làm ăn trong suốt 10 năm, sau đó về công tác tại một công ty may mặc tại thành phố Đà Nẵng. Nhưng khi biết được thông tin về các cơ chế, chính sách hỗ trợ của chương trình nông thôn mới, anh đã nghiên cứu, tìm hiểu và quyết định về quê vay vốn, mở trang trại nuôi dê. Với đàn dê hơn 100 con, kết hợp chăn thả bò, gà… thu nhập hằng năm của anh đạt khoảng 900 triệu đồng. Hiện nay, với sự hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật từ các tổ chức tín dụng, cán bộ ngành nông nghiệp của huyện và thành phố, anh đang triển khai thí điểm trồng cây thanh long ruột đỏ, kết quả bước đầu rất khả quan, các cây giống phát triển rất tốt.
 
 “Nói gì thì nói, hỗ trợ từ bên ngoài vẫn không thể thay thế được vai trò của chủ thể người dân trên địa bàn Hoà Vang. Do vậy, làm thế nào để phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới là vấn đề chúng ta phải đặt ra và giải quyết cho tốt” – Phó Bí thư Thành uỷ Võ Công Trí chia sẻ.
 
 Phấn đấu thêm 3 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới
 

 Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Bí thư Thành uỷ Võ Công Trí: “Quy mô các dự án sản xuất của nông thôn Hoà Vang còn quá nhỏ, có thể nói đây mới chỉ là thí điểm, việc nhân rộng các mô hình có hiệu quả còn chậm. Chúng ta còn quá nặng về việc xây dựng các công trình, các dự án, nghĩa là việc thực hiện các yếu tố về cơ sở, kỹ thuật thì chúng ta thực hiện rất tốt nhưng việc đầu tư các yếu tố về đời sống tinh thần, đời sống văn hoá vẫn chưa đúng mức. Chưa có giải pháp hữu hiệu giúp nông dân tìm đầu ra. Bên cạnh đó, có nhiều xã chỉ mới đạt chuẩn 1, 2 tiêu chí nông thôn mới, và thực tế một số chỉ tiêu đã đạt được nhưng chưa thật sự bền vững, chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là tiêu chí về môi trường, đời sống văn hoá, nâng cao thu nhập người dân…”
 
 Trong năm 2014, Phó Bí thư Thành uỷ đề nghị tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng xây dựng nông thôn mới với những hoạt động, chương trình thiết thực, có hiệu quả. Huyện Hoà Vang phải cung cấp các địa chỉ, đối tượng, nhu cầu cụ thể để các đơn vị có kế hoạch huy động, hỗ trợ, đặc biệt tại các xã còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh nguồn lực về tài chính còn hỗ trợ về các chính sách, cơ chế, góp ý kiến để các xã thực hiện các mục tiêu có hiệu quả. Đề nghị UBND TP rà soát lại quy hoạch nông thôn kết hợp với quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, các khu dân cư, quy hoạch về giao thông, thuỷ lợi theo hướng hoàn chỉnh, ổn định và có tầm nhìn dài hạn, có tính đến chủ trương đón đầu đô thị hoá đang diễn ra rất nhanh trên địa bàn. Sở Tài nguyên môi trường hướng dẫn quy hoạch bảo vệ môi trường nông thôn theo chuẩn nông thôn mới. Giao Sở KHĐT xây dựng chính sách mời gọi các nhà đầu tư để đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn. Đà Nẵng đã có chính sách ưu đãi đối với các lĩnh vực du lịch, công nghiệp… nhưng chưa có ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp; bố trí nguồn vốn hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ cao; Sở Tài chính xây dựng đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Công tác đào tạo nghề phải được đổi mới toàn diện, sát với thực tế địa phương, gắn với giải quyết công việc, hướng dẫn cách làm ăn, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn. Thành phố tiếp tục thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác trong ngành nông nghiệp, bố trí làm việc tại các xã thuộc huyện Hoà Vang, thu hút sinh viên khá giỏi về công tác tại các HTX.

Lãnh đạo thành phố đi tham quan một số mô hình sản xuất áp dụng khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, cần phát huy trách nhiệm của Huyện uỷ, UBND huyện Hoà vang và các tổ chức, hội, đoàn thể của huyện, đây chính là điểm mấu chốt để có thể thực hiện thành công chương trình nông thôn mới trên địa bàn huyện. Tập trung rà soát, đánh giá các tiêu chí đã đạt được, xây dựng kế hoạch chỉ đạo quyết liệt để nâng cao các tiêu chí chưa đạt được, chưa bền vững; xác định các tiêu chí ưu tiên, có tính đột phá để tập trung thực hiện. Phó Bí thư Võ Công Trí giao nhiệm vụ phấn đấu năm 2014 hoàn thành nông thôn mới tại 3 xã Hoà Phước, Hoà Phong và Hoà Khương. Riêng đối với tiêu chí về hạ tầng, yêu cầu huyện tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án đã được bố trí vốn và đang thực hiện vào tháng 10/2014; đối với công trình chưa được bố trí vốn phải báo cáo UBND TP để phân bổ vốn để thực hiện ngay. Tập trung thực hiện các tiêu chí thuộc về quyết tâm chính trị, cần sự phối hợp của các cơ quan ban ngành như tiêu chí về giảm hộ nghèo, nâng cao đời sống văn hoá, môi trường… Đến cuối năm, Ban Chỉ đạo sẽ rà soát, xử lý trách nhiệm của từng đơn vị liên quan, tiêu chí nào thuộc về trách nhiệm Huyện uỷ, UBND huyện Hoà Vang thì lãnh đạo huyện phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cũng cần bổ sung thêm một số sở ngành, phân công trách nhiệm rõ ràng của các thành viên ban chỉ đạo, đưa lãnh đạo các đơn vị lực lượng vũ trang vào thành viên BCĐ để hỗ trợ, huy động khi cần thiết. Các cơ quan báo Đà Nẵng, đài PT-TH Đà Nẵng, báo Công An, Cổng TTĐT TP xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về nông thôn mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2014.
 
 “Xây dựng nông thôn mới là một công việc lâu dài, phải thực hiện bền bỉ, đặc biệt không nóng vội, không chạy theo thành tích. Vấn đề là thực chất người đời sống người dân như thế nào, cơ cấu kinh tế xã hội trên địa bàn chuyển dịch và phát triển ra sao. Do vậy, phải làm tốt việc huy động sức dân trên cơ sở khả năng đóng góp của nhân dân và hoàn toàn tự nguyện; làm cho hệ thống chính trị và người dân phải xem đây là việc của mình, là chủ thể tạo ra sự thay đổi bộ mặt nông thôn mới” – Phó Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh.

NGỌC THỦY

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác