Tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê: Giải đáp nhiều ý kiến của cử tri
Sáng 28-4, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng do ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính trung ương dẫn đầu, đã tiến hành tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê để chuẩn bị cho kỳ họp thứ VII, QH khóa XIII.

Báo cáo với cử tri, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên chuyên trách Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trước và sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Đoàn đã tổ chức 16 cuộc tiếp xúc cử tri và đã tổng hợp 42 ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố đối với các Bộ ngành trung ương. Đến ngày 25/4/2014, đã có 13 Bộ, ngành trung ương trả lời 34 ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố.
 
 Bà Thúy thông báo trả lời cử tri về vấn đề quy hoạch, xây dựng thủy điện là ảnh hưởng đến, gây hạn hán, lũ lụt, khiến người dân bị thiệt hại nặng nề. Bộ Công thương cho biết, Chính phủ đang hoàn thiện để ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện và Kế hoạch hành động kèm theo. Trong đó, tiếp tục khai thác các lợi thế về tiềm năng thủy điện; quản lý chặt chẽ việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các công trình thủy điện; kiên quyết loại bỏ các dự án thủy điện không đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật và bảo vệ môi trường – xã hội, chỉ đạo cụ thể cho các bộ, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác công trình thủy điện, bao gồm: Tăng cường năng lực quản lý lưu vực sông, điều phối, giám sát việc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa bậc thang, bảo đảm không để xảy ra tình trạng vận hành hồ chứa gây lũ kép; giải quyết các vấn đề liên ngành, liên địa phương trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với quy hoạch, dự án, công trình thủy điện và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Sớm ban hành hướng dẫn cụ thể quy định dòng chảy tối thiểu sau các đập thủy điện...
 
 Về ý kiến cử tri cho rằng, việc bảo vệ người chống tiêu cực chưa được quan tâm, tình trạng người chống tiêu cực đang bị cô lập, không được bảo vệ an toàn. Bà Thúy thông tin: "Thanh tra Chính phủ cho hay, việc động viên, khen thưởng người phát hiện, tố cáo tham nhũng là những chính sách quan trọng được nhà nước quan tâm đã được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật phòng, chống tham nhũng, Bộ luật TTHS, Luật tố cáo... Có thể nói rằng, quy định của pháp luật hiện nay về bảo vệ người tố cáo đã có một bước phát triển rất lớn so với các quy định trước đó và đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tạo niềm tin và đảm bảo chắc chắn để người tố cáo yên tâm thực hiện quyền tố cáo của mình góp phần đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".
 
 Trả lời cử tri đề nghị việc lấy phiếu tín nhiệm các năm tiếp theo nên nghiên cứu điều chỉnh các mức tín nhiệm cho phù hợp hơn, cụ thể là nên lấy phiếu ở hai mức, thay vì ba mức như hiện nay. Ban Công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, năm 2013, lần đầu tiên Quốc hội và Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. "Hiện nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII. Ban Công tác đại biểu xin tiếp thu ý kiến của cử tri, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định", bà Thúy chia sẻ.
 
 Tại cuộc tiếp xúc cử tri ông Võ Khắc Mai (phường Thanh Khê Đông) đề nghị Quốc hội trước khi tiến hành cải cách sách giáo khoa thì nên phải cải cách chương trình giáo dục. Bởi hiện tại chương trình học còn rất nặng nề.
 
 Cử tri Huỳnh Ngộ lại cho rằng, hiện nay các trường ĐH xuất hiện quá nhiều tuy nhiên khi sinh viên ra trường lại không có việc làm. Ông Ngộ đề nghị Quốc hội cần xem xét việc giải quyết số lượng nguồn nhân lực này để phát huy việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
 
 Ông Hồ Văn Hóa (tổ 65, Hòa Khê) lại thắc mắc : "Phí lưu thông mô tô, xe máy ra đời từ 1-7-2013 nhưng đến khi triển khai thu thì thu cả năm 2013 làm dân bức xúc. Trong khi đó triển khai thu thì quá luộm thuộm, giấy biên lai thu thì khó bảo quản. Nếu được thì đề nghị đừng thu phí đối với xe máy, có thu phí thì thu xe ô tô thôi. Vì người dân đang phải gánh nhiều chi phí khác". Đồng thời, cử tri cũng thắc mắc, việc thu thêm phí có làm giảm ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng hoạt động giao thông hay không?
 
 Trả lời ý kiến cử tri, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban nội chính trung ương cho rằng, Bộ GD&ĐT đã vừa rồi có trình Đề án đổi mới sách giáo khoa, tuy nhiên sau đó đích thân Bộ trưởng phải lên rút lại Đề án vì bị dư luận phản bác. "Đúng là bây giờ chương trình học của học sinh là rất nặng. Nếu muốn đổi mới sách giáo khoa thì trước tiên phải đối mới chương trình học tại các cấp", ông Thanh nói.
 
 Về vấn đề thu phí xe mô tô, xe máy, ông Thanh cho hay đây là chủ trương của Bộ GT&VT và Chính phủ đưa ra. Việc thu phí đối với xe máy, ô tô là góp phần để có nguồn quỹ để phục vụ việc tu sửa, sửa chữa các công trình giao thông. Còn về vấn đề giải quyết yếu tố ùn tắc thì việc thu phí này chỉ giải quyết được một phần thôi.

LÊ NHÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác