Chuyện “4 An” ở Cẩm Lệ
Đăng ngày 09-02-2018 09:47, Lượt xem: 460

Năm 2017, Cẩm Lệ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về chương trình “Thành phố 4 An”. Từ những câu chuyện cụ thể về “4An” ở Cẩm Lệ đã gợi mở thêm nhiều điều về một chương trình hành động với những cách làm hiệu quả và thiết thực.

Tạo “niềm tin” cho người đi chợ

Đến các chợ ở Cẩm Lệ, điều chúng ta dễ dàng nhận ra đó sự thay đổi về trật tự đô thị đến mỹ quan trong từng khu chợ. 

Ở chợ Hòa Cầm, cảnh quan đã khang trang, sạch đẹp hơn nhiều so với trước đây. Những tấm bạt dù được căng thẳng tắp, trưng bày nhiều khẩu hiệu tuyên truyền bắt mắt thay cho những chiếc dù cóc tạm bợ. Đường xá thông thoáng, sạch đẹp, chẳng còn cảnh xô bồ, chen nhau mua hàng làm ách tắc đường đi.

Bên trong khu vực hàng thực phẩm, những quầy hàng thịt, cá, rau củ quả được bày trí gọn gàng, có nhiều lối đi cho khách hàng. Đặc biệt, tất cả các quầy bán thịt đều sử dụng bàn inox mới toanh; các quầy cá, tôm, rau, củ đều được kê lên giá cao so với mặt đất, chứ không chỉ trải trên tấm bạt cũ như trước đây.

Theo Phó Ban quản lý các chợ quận Cẩm Lệ Trần Văn Phú, năm 2017, với gần 4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Nhà nước và xã hội hóa, quận Cẩm Lệ đã đồng loạt nâng cấp các hạng mục công trình tại tất cả các chợ trên địa bàn như lót gạch nền, nâng cấp hệ thống cống, công trình vệ sinh, bàn ghế tại các quầy hàng. Song song đó, công tác phối hợp giữa Ban quản lý chợ với các địa phương để duy trì trật tự đô thị; định kỳ kiểm tra chất lượng vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa luôn được chú trọng triển khai.

“Từ khi Nhà nước triển khai nhiều hoạt động về “4 An” ở chợ, cảnh chợ không còn xô bồ, chật chội như trước nữa, đặc biệt các quầy hàng thực phẩm rất ngăn nắp, sạch sẽ. Điều này đã đem lại cho người dân chúng tôi cảm giác yên tâm, tin tưởng hơn cho bữa ăn gia đình.” - chị Hoàng Thị Lan, một người đi chợ Cẩm Lệ chia sẻ.

Nâng cao nhận thức cho giới trẻ

Hình ảnh những chiếc áo xanh tình nguyện của đoàn viên thanh niên tỏa xuống ở các ngã tư trọng điểm để tham gia điều tiết giao thông đã không còn xa lạ ở Cẩm Lệ. Bên cạnh khẩu hiệu tuyên truyền “Tôi là người lái xe có văn hóa giao thông, còn bạn thì sao?”, những cánh tay giang ra báo hiệu dừng đèn đỏ đã thực sự thay đổi hành vi của người đi đường. Hay hành động “giúp” người dân dắt xe lên lề của các bạn trẻ đã làm cảnh tỉnh rất nhiều người còn có thói quen vi phạm giao thông.

Theo Đại tá Đặng Văn Khuôn, Trưởng Công an quận Cẩm Lệ, bên cạnh việc chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, lực lượng cảnh sát giao thông công an quận Cẩm Lệ còn tăng cường kiểm tra, chốt trạm, xử lý vi phạm về giao thông. Năm 2017, trên địa bàn quận xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông, làm 9 người chết, bị thương 2 người, giảm 3 vụ so với năm ngoái. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực của lực lượng liên ngành trong năm qua. 

Cũng theo Đại tá Đặng Văn Khuôn, cùng với nhiệm vụ đảm bảo An toàn giao thông, công tác giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng được chú trọng triển khai. Năm 2017, lực lượng chức năng đã điều tra làm rõ 37/43 vụ phạm pháp hình sự, xử phạt 68 đối tượng, thu giữ 52 xe máy và 180 triệu đồng. 

Bên cạnh việc tổ chức hàng trăm đêm tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các địa bàn dân cư, nhiều mô hình hay, hoạt động hiệu quả về công tác An ninh trật tự cũng đã phát huy hiệu quả. Điển hình như việc chiếu phim tuyên truyền tại các quán cà phê đã thực sự “gãi đúng chỗ ngứa” khi xác định đúng đối tượng cần tuyên truyền.

“Thực sự tuổi trẻ chúng tôi rất ít có hứng thú với những đêm tuyên truyền tại khu dân cư. Nhưng khi được xem các đĩa phim tuyên truyền thì mới có cơ hội hiểu hết được tầm quan trọng của nó, từ đó trang bị những kiến thức, kỹ năng cần có cho giới trẻ để phòng ngừa, tránh xa các hiểm họa về tệ nạn xã hội” - bạn Phạm Văn Tân, một thanh niên tại quán Cóc phố (đường CMT8) bày tỏ. 

Lo miếng ăn, tủ áo quần cho người nghèo

Từ việc chuẩn hóa các điều kiện để đảm bảo vệ sinh thực phẩm tại các chợ; phát triển nhiều mô hình hay để nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông; phòng, tránh các tệ nạn xã hội, Cẩm Lệ đặc biệt chú trọng đến công tác An sinh. 

Theo bà Phạm Thị Nhàn - Chủ tịch UBMTTQVN quận Cẩm Lệ, năm 2017, địa phương đã hoàn thành việc xây mới, sửa chữa 73 nhà ở cho các gia đình có công cách mạng với tổng kinh phí 2,26 tỷ đồng. Bên cạnh đó, địa phương vận động kinh phí từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ sinh kế, học bổng, trao quà cho hộ nghèo với số tiền hơn 3 tỷ đồng. So với những năm trước, đây thực sự là con số “biết nói” về An sinh ở địa phương.

Để có được những kết quả đáng biểu dương như kể trên, Mặt trận các cấp và các Hội đoàn thể đã đồng loạt triển khai nhiều mô hình hay, thiết thực để hỗ trợ người nghèo, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân và các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ. 

Điển hình như mô hình “Tận dụng - Hỗ trợ” của các chị em phụ nữ ở phường Hòa Thọ Đông với việc đi “xin” từng bó rau, củ cải để mang lại những bữa cơm nghĩa tình cho người nghèo. Đến nay, sức lan tỏa của mô hình không chỉ dừng lại ở địa quàn quận mà còn trên phạm vi cả thành phố, thôi thúc nhiều tấm lòng hảo tâm chung tay hỗ trợ.

Hay mô hình “Tổ hỗ trợ nhân công xây nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách” của các bạn trẻ phường Hòa An cũng thực sự là điểm sáng về công tác an sinh ở địa phương. Nói về mô hình này, anh Nguyễn Văn Sử, Phó chủ tịch UBND phường Hòa An cho biết, từ khi triển khai đến nay, hoạt động của mô hình đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ người nghèo với hơn 500 ngày công, số tiền ước tính đạt hơn 100 triệu đồng.

Những đổi thay ở Cẩm Lệ hôm nay qua chương trình “4An” đã nói lên nhiều điều hơn những con số báo cáo. “4 An” ở Cẩm Lệ sẽ không dừng ở chương trình hành động của năm 2017, “Thời gian đến, quận Cẩm Lệ sẽ tiếp tục chú trọng triển khai nhiều mô hình sáng tạo, hoạt động thiết thực hơn nữa để thực hiện hiệu quả chương trình “4 An”, lôi cuốn nhiều tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện” - ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ khẳng định.

TRƯỜNG ĐỨC- HỘI AN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác