Vì một thành phố Đà Nẵng“an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái”
Đăng ngày 13-12-2017 22:43, Lượt xem: 3201

Sáng 13-12, UBND thành phố chủ trì tổ chức diễn đàn đối thoại với đại diện các tầng lớp phụ nữ thành phố về “Phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” năm 2017 dưới sự chủ trì của ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố kiêm Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, và bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LTPN) thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và Chủ tịch Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Thu Hà đồng chủ trì diễn đàn

Những con số “biết nói”

Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang là vấn đề báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đó là mối đe dọa cho tất cả phụ nữ và là một trở ngại cho những nỗ lực để thúc đẩy phát triển, gìn giữ hòa bình và bình đẳng trong mọi xã hội.

Tại Việt Nam, số liệu từ các nghiên cứu cho thấy 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong 3 dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần ít nhất một lần trong đời; và trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình (BLGĐ) mà còn là đối tượng dễ bị buôn bán, lạm dụng tình dục và bạo lực ngoài môi trường gia đình. Từ năm 2012 đến nay, tại Đà Nẵng đã xảy ra 21 vụ hiếp dâm và cưỡng dâm, và 121 vụ xâm hại trẻ em. Trong năm 2016 và 2017, Tòa án nhân dân thành phố đã giải quyết 4.200 vụ ly hôn; trong đó 3.516 vụ là do mâu thuẫn gia đình và 63 vụ là do đánh đập, ngược đãi. Trong 7 năm gần đây, trung bình mỗi năm xảy ra 160 vụ bạo lực gia đình.

Biết bao những người phụ nữ trẻ em gái bị chồng, bị những người thân quen đánh đập, hành hạ

Những vết thương do bạo lực gây ra trên cơ thể những người phụ nữ, những bé gái sẽ lành, nhưng vết thương trong tâm hồn của họ sẽ theo họ suốt cuộc đời. Cùng với đó, những vụ án mạng liên quan đến bạo lực là những “hồi chuông cảnh tỉnh”, khiến cho tất cả mọi người không thể thờ ơ với tình trạng bạo lực đang hàng ngày, hàng giờ xảy ra và cướp đi sinh mạng của những người phụ nữ, những đứa trẻ vô tội. Một minh chứng điển hình tại Đà Nẵng là vụ người cha ở Sơn Trà chỉ vì mâu thuẫn với vợ mà trong đêm đã tẩm xăng đốt vợ con khiến vợ và con lớn bị bỏng nặng và con nhỏ tử vong…

Theo Hội LHPN thành phố, trong những năm qua, công tác phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới luôn được thành phố quan tâm với nhiều văn bản, chính sách đã được ban hành; đồng thời, các cấp, ngành trên địa bàn cũng đã có nhiều hoạt động tích cực, qua đó đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống BLGĐ nói riêng và phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng.

Nguyên nhân và giải pháp

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ngày càng gia tăng và các biện pháp chế tài, xử lý đối với tình trạng này.

Theo Chủ tịch Hội LHPN Nguyễn Thị Thu Hà, những số liệu được công bố nêu trên chỉ là những mảnh ghép nhỏ, và vẫn còn nhiều “góc khuất” vì “đây vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, gắn liền với truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi địa phương và nhận thức, suy nghĩ của người dân”. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Hội An nhận định những con số thống kê chỉ là bề nổi và chưa hoàn chỉnh vì còn nhiều vụ việc chưa được phát hiện do nhiều phụ nữ vẫn còn cam chịu. Bà cho rằng nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng BLGĐ là do kinh tế khó khăn, chồng nghiện bia, rượu, ghen tuông và không hiểu biết pháp luật. Nhận định này của bà An được Chủ tịch Hội Phụ nữ CATP Lê Thị Thu Huyền cho là không chính xác và chỉ ra rằng trên thực tế nhiều người chồng không nghiện rượu vẫn bạo hành vợ. "Bạo lực gia đình hầu hết là do nam giới gây ra, nhưng thời gian qua công tác tuyên tuyền chủ yếu lại cho nữ giới", Chủ tịch Hội Phụ nữ CATP nói. Bà cho rằng đối tượng cần được tuyên truyền phải là nam giới thì mới cho kết quả khả quan.

Chủ tịch Hội Phụ nữ CATP Lê Thị Thu Huyền: "Bạo lực gia đình hầu hết là do nam giới gây ra, nhưng thời gian qua công tác tuyên tuyền chủ yếu lại cho nữ giới"

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng cho rằng tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn rất phổ biến trong gia đình cũng như ngoài xã hội, vẫn còn quan điểm là vợ của mình thì mình có quyền đánh, vì vậy nam giới cần được tuyên truyền những kiến thức pháp luật để họ điều chỉnh hành vi.

Chủ tịch Hội bảo vệ phụ nữ và trẻ em thành phố Lê Thị Tám lại nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng và chính quyền địa phương vì có một thực tế là tuy đã phát hiện ra hành vi bạo lực nhưng việc tự đứng ra tố giác lại không hề đơn giản. “Năm 2013, tại phường Hòa An có trường hợp một cháu bé 11 tuổi bị một người hàng xóm 22 tuổi xâm hại nhiều lần nhưng không tố giác. Đến khi xâm hại cả mẹ cả con thì người mẹ mới mạnh dạn làm đơn tố giác”, bà đơn cử. Vì vậy, bà cho rằng nếu cả gia đình và cộng đồng đều nâng cao nhận thức về việc phải biết tự bảo vệ mình thì mới có hiệu quả cao.

Cũng tại buổi đối thoại, tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn thành phố cũng như những giải pháp của ngành giáo dục trong thời gian tới đã nhận được sự quam tâm của nhiều đại biểu. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Nguyễn Minh Thành cho biết, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT thành phố sẽ triển khai rà soát lại nội quy và quy chế tại các cơ sở GD&ĐT trên địa bàn, đồng thời triển khai tập huấn xử lý tình huống cho giáo viên chủ nhiệm, đội ngũ bảo vệ và có thể đưa vào giảng dạy trong chương trình môn Giáo dục công dân. Chị Lê Thị Thu Huyền thì kiến nghị phải tổ chức thêm nhiều khóa giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử khi xảy ra tình huống bạo lực học đường và kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại.

Liên quan đến các vụ việc xâm hại trẻ em gái, đại diện TAND thành phố đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có thể hiểu được quy định của pháp luật đối với hành vi đó sẽ bị xử lý như thế nào. Bà cũng thông tin cho hay, đối với tội Hiếp dâm trẻ em, khung hình phạt áp dụng đối với các trường hợp giao cấu với trẻ em < 13 tuổi  theo Bộ luật Hình sự 1999 (hiệu lực đến 31-12-2017) là 12 – 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình; trong khi đó, theo Bộ luật Hình sự 2015 thì có tình tiết tăng nặng đối với tội Hiếp dâm trẻ em <10 là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, để hạn chế tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, cần phải có những biện pháp chế tài mạnh mẽ và triển khai các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp hiệu quả hơn. Sự hỗ trợ được thể hiện không chỉ bằng hành động quyết liệt và những giải pháp cụ thể của chính quyền mà còn phải có sự đồng thuận về nhận thức của cộng đồng, xã hội và toàn thể người dân. “Chỉ có sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị thì mới có thể tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, căn cơ về mặt nhận thức”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Thu Hà và các đại biểu trao đổi bên lề diễn đàn

Bên cạnh việc tiếp tục duy trì các thành quả đã đạt được trong công tác phòng chống BLGĐ, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, người đứng đầu UBND thành phố cho rằng cần tăng cường các giải pháp để tiếp tục thực hiện các mục tiêu vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vì một thành phố Đà Nẵng“an toàn và thân thiệnvới phụ nữ và trẻ em gái”. Ông cũng đề nghị Hội LHPN các cấp thực hiện công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái theo chức năng, nhiệm vụ và giám sát việc triển khai thực hiện Kết luận diễn đàn; trong đó yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các bà mẹ và trẻ em nhằm đảm bảo an toàn trong chính các gia đình mình.

Đồng thời, cần xác định vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, hội đoàn thể và các địa phương trong việc thực hiện công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; tăng cường sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước nhằm bảo đảm triển khai các hoạt động trong Kế hoạch do thành phố ban hành được đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả. Các địa phương, cơ quan, đơn vị ưu tiên bố trí ngân sách về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Cùng với đó, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện tốt 2 mục tiêu cụ thể của Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được UBND thành phố ban hành, bao gồm phấn đấu đến năm 2020 có 100% nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, hỗ trợ và can thiệp kịp thời; 70% người gây bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, tư vấn hoặc có hình thức xử lý phù hợp; và đến năm 2030 ttiếp tục duy trì và nâng cao kết quả thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch giai đoạn 2017-2020.

QUỲNH ĐAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác