Phê duyệt Quy hoạch hệ thống thiết chế Văn hóa, Thể thao cơ sở thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Đăng ngày 21-08-2017 08:49, Lượt xem: 1955

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 2558/QĐ-UBND ngày 11 tháng 05 năm 2017 về việc Phê duyệt Quy hoạch hệ thống thiết chế Văn hóa, Thể thao cơ sở thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Theo đó nội dung quy hoạch gồm:

1. Quy hoạch sử dụng đất

a) Cấp thôn:

- Ở khu vực đồng bằng tối thiểu 500m2;

- Ở khu vực miền núi tối thiểu 300m2.

b) Cấp xã, phường:

- Ở khu vực đồng bằng tối thiểu 300m2;

- Ở khu vực miền núi và khu vực thành phố, thị xã tối thiểu 300m2.

c) Cấp quận, huyện: Thiết chế văn hóa, thể thao cấp quận, huyện quy hoạch đất sử dụng tối thiểu 2.500m2, không kể diện tích của các công trình thể thao quần chúng.

d) Cấp thành phố: Thiết chế văn hóa cấp thành phố quy hoạch đất sử dụng tối thiểu 5.000m2. Diện tích đất các công trình thể dục, thể thao thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

- Quy hoạch đất sử dụng xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao trong các Khu công nghiệp tối thiểu là 1.000m2;

- Đối với các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, Nhà nước đáp ứng nhu cầu sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành về việc thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

2. Cơ sở vật chất, kỹ thuật

a) Các công trình văn hóa, thể thao cơ sở được xây dựng với kiến trúc hiện đại, bền vững phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương;

b) Quy mô xây dựng tương xứng với sự phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương;

c) Bảo đảm trang thiết bị chuyên dùng đồng bộ, phù hợp và đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí cụ thể như sau:

- Cấp quận/huyện

+ Đối với khu vực đô thị, đồng bằng: hội trường đa năng phải có đủ bàn ghế tối thiểu cho 350 chỗ ngồi; đủ công suất phục vụ tối thiểu 350 người; đáp ứng tốt yêu cầu tập luyện và biểu diễn; dụng cụ tập luyện và thi đấu thể dục thể thao phải đảm bảo theo công trình thể dục thể thao và phải được trang bị xe ô tô chuyên dùng.

+ Đối với khu vực miền núi: hội trường đa năng phải có đủ, bàn ghế tối thiểu cho 300 chỗ ngồi; đủ công suất phục vụ tối thiểu 300 người đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho tập luyện và biểu diễn; dụng cụ tập luyện và thi đấu thể thao phải đảm bảo theo công trình thể dục thể thao và được trang bị xe ô tô chuyên dùng.

- Cấp xã/phường

+ Hội trường Văn hoá đa năng có đủ bàn, ghế, giá, tủ, trang bị âm thanh, ánh sáng, thông gió, đài truyền thanh đối với khu vực đô thị, đồng bằng và đạt 80% đối với khu vực miền núi.

+ Dụng cụ thể dục thể thao đảm bảo theo công trình thể dục thể thao và các môn thể thao của từng xã đối với khu vực đô thị, đồng bằng là có đủ và đạt 80% đối với khu vực miền núi.

3. Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực

a) Cấp thành phố

100% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên.

b) Cấp quận/huyện

- Đối với cán bộ quản lý:

+ Ở khu vực đô thị, đồng bằng cũng như khu vực miền núi đều phải có trình độ đại học hoặc sau đại học chuyên ngành Văn hóa; Thể dục thể thao;

+ Trung cấp lý luận chính trị trở lên

+ Có thâm niên công tác 03 năm trở lên.

- Đối với cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ

+ Ở khu vực đô thị, đồng bằng 80% số cán bộ quản lý và nghiệp vụ đạt trình độ đại học, cao đẳng; 20% đạt trình độ trung cấp về chuyên môn nghiệp vụ;

+ Ở khu vực miền núi: 60% số cán bộ quản lý và nghiệp vụ đạt trình độ đại học, cao đẳng; 40% đạt trình độ trung cấp về chuyên môn nghiệp vụ;

c) Cấp xã/phường

- Đối với cán bộ quản lý: Ở khu vực đô thị, đồng bằng cũng như khu vực miền núi: có trình độ trung cấp về văn hóa, thể dục thể thao trở lên; được hưởng phụ cấp chuyên trách và bán chuyên trách.

- Đối với cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ

+ Ở khu vực đô thị, đồng bằng: cán bộ nghiệp vụ có chuyên môn về văn hóa, thể thao; được hợp đồng và hưởng thù lao bán chuyên trách. Trong đó 80% số cán bộ quản lý và nghiệp vụ đạt trình độ đại học, cao đẳng; 20% đạt trình độ trung cấp về chuyên môn nghiệp vụ;

+ Ở khu vực miền núi: Có cộng tác viên thường xuyên.

d) Cấp thôn

100% cán bộ kiêm nhiệm phụ trách Nhà Văn hóa - Khu Thể thao được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ.

4. Chương trình đầu tư hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao do ngành Văn hóa và Thể thao quản lý

a) Chương trình đầu tư hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao do ngành Văn hóa và Thể thao quản lý

- Đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa thành phố:

+ Quy mô đầu tư: Đầu tư xây dựng quảng trường; khối hoạt động quần chúng; phòng khiêu vũ; Nhà triển lãm văn hóa nghệ thuật...

+ Tổng mức đầu tư dự kiến: 100 tỷ đồng. Thời gian thực hiện: 2017-2020.

- Chương trình đầu tư hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao các quận huyện:

+ Xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Hải Châu. Thời gian triển khai và hoàn thành: 2017-2018 với mức kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Nguồn ngân sách thành phố và quận;

+ Xây dựng các hạng mục của Nhà Văn hóa quận Sơn Trà, thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Sơn Trà. Thời gian thực hiện: 2017-2019 với mức kinh phí là 26,5 tỷ đồng. Nguồn ngân thành phố và quận;

+ Xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Liên Chiểu giai đoạn 2. Đã triển khai từ năm 2016 và dự kiến hoàn thành năm 2018 với mức kinh phí là 30 tỷ đồng. Nguồn ngân thành phố và quận;

+ Xây dựng Nhà tập luyện; khu nhà tập thể lực chung cho vận động viên tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Cẩm Lệ. Thời gian thực hiện 2018 -2020 với kinh phí vào khoảng 10 tỷ đồng. Nguồn ngân sách thành phố và quận;

+ Xây dựng Nhà biểu diễn đa năng; bể bơi; Nhà thi đấu; Khu triển lãm ngoài trời, sân khấu ngoài trời và hệ thống cơ sơ vật chất âm thanh, ánh sáng; nhạc cụ; đạo cụ; dụng cụ thể dục thể thao tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Ngũ Hành Sơn với mức kinh phí là 27,7 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2019.

- Chương trình đầu tư hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao tại các xã, phường:

Từ năm 2017 đến năm 2020, đầu tư xây dựng mỗi năm 10 Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường theo quy hoạch được duyệt.

 Nguồn ngân sách đầu tư: Nguồn vốn ngân sách thành phố phân cấp cho UBND quận, huyện hàng năm. Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư: 10 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường x 2,5 tỷ đồng/ 01 Trung tâm VHTT/01 năm x 04 năm là 100 tỷ đồng. 

b) Đề xuất chương trình đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ thanh thiếu niên, nhi đồng

- Giai đoạn 2017 - 2020, đầu tư xây dựng 02 Nhà thiếu nhi cấp quận, huyện. Nguồn vốn ngân sách thành phố. Địa điểm dự kiến: quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang.

- Giai đoạn 2020 - 2030, đề xuất xây dựng thêm 02 Nhà văn hóa thiếu nhi cấp quận, huyện tại quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ theo như mục tiêu cụ thể đã đề ra. Kinh phí dự kiến: 7 tỷ đồng/Nhà thiếu nhi.

c) Đề xuất chương trình đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, viên chức, người lao động

- Nhà văn hóa lao động cấp quận:

+ Đến năm 2020: Đầu tư xây dựng Nhà văn hóa lao động tại quận Liên Chiểu. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng Nhà văn hóa lao động tại quận Sơn Trà (đạt chỉ tiêu 30% số đơn vị hành chính theo Quy hoạch).

+ Nguồn vốn đầu tư: ngân sách thành phố và các nguồn huy động xã hội hóa hợp pháp khác.

+ Kinh phí dự kiến: 4 tỷ đồng/Nhà văn hóa.

- Trung tâm Văn hóa – Thể thao tại các Khu Công nghiệp:

+ Đến năm 2020: Quy hoạch và đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao tại Khu công nghiệp Hòa Cầm và Trung tâm Văn hóa - Thể thao tại Khu Công nghiệp Liên Chiểu với ngân sách thành phố và các nguồn huy động, đóng góp, xã hội hóa hợp pháp khác. Ngân sách dự kiến: 4 tỷ đồng/ Trung tâm Văn hóa - Thể thao.

+ Đến năm 2030: Quy hoạch và đầu tư xây dựng  Trung tâm Văn hóa - Thể thao tại Khu Công nghệ cao và Trung tâm Văn hóa - Thể thao tại Khu Công nghệ thông tin tập trung từ nguồn ngân sách thành phố và các nguồn huy động, đóng góp, xã hội hóa hợp pháp khác. Kinh phí dự kiến 4 tỷ đồng/Nhà văn hóa.

File đính kèm
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác