Quy hoạch chi tiết ngành Bưu chính - Viễn thông thành phố Đà Nẵng đến năm 2020
Đăng ngày 10-04-2017 10:18, Lượt xem: 2755

Phê duyệt Quy hoạch chi tiết ngành bưu chính - viễn thông thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 với các nội dung chính như sau:

I. Quan điểm phát triển

Xây dựng, phát triển ngành bưu chính - viễn thông thành phố trở thành một ngành mũi nhọn, là trung tâm của khu vực miền Trung. Phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính - viễn thông với công nghệ và kỹ thuật hiện đại, nhằm tạo điều kiện ứng dụng phát triển công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố và nâng cao dân trí. 

II. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu tổng quát


- Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính - viễn thông có độ phủ rộng khắp, tốc độ và chất lượng cao, hoạt động hiệu quả. Thực hiện phổ cập các dịch vụ bưu chính - viễn thông đến tất các khu vực, tầng lớp dân cư trong thành phố với chất lượng ngày càng cao; 

- Hình thành xa lộ thông tin nối tất cả các quận, huyện, phường, xã trong thành phố và với bên ngoài. Tạo lập thị trường cạnh tranh với mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường dịch vụ bưu chính, viễn thông,... Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông, đặc biệt là dùng chung hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu phát triển bưu chính


- Nâng cao chất lượng bưu chính, kết hợp cung cấp dịch vụ công ích với dịch vụ thương mại, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, phát triển nhiều dịch vụ và điểm phục vụ mới, gắn kết với phục vụ phát triển kinh tế du lịch thành phố. Triển khai ứng dụng các công nghệ mới vào khai thác bưu chính; 

- Giảm bán kính phục vụ bình quân đạt xuống 0,8km/điểm phục vụ, dân số phục vụ bình quân đạt 1.200 người/điểm phục vụ, mạng đường thư đảm bảo tần suất tuyến đường thứ cấp 3 là 3-4 chuyến/ngày. Cung cấp dịch vụ tra cứu bưu phẩm, bưu kiện trên mạng.

b) Mục tiêu phát triển viễn thông

- Đảm bảo 100% nhu cầu về dịch vụ của người dân đều được đáp ứng, kể cả khu vực vùng núi khó khăn về địa hình;

- Phát triển hạ tầng mạng thông tin di động theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng, đến năm 2020 có 400 trạm phát sóng sử dụng chung cơ sở hạ tầng;

- Ngầm hoá mạng ngoại vi trong khu vực trung tâm thành phố, đến năm 2020 có khoảng 90% cáp chính đi ngầm;

- Hoàn thành triển khai sắp xếp cáp viễn thông kéo treo hiện có cho tất tuyến đường chính trên địa bàn thành phố;

- 50% thôn, xã ngoại thành có điểm truy nhập Internet miễn phí, để nhân dân tiếp cận công nghệ thông tin, sử dụng thông tin khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và nâng cao dân trí, đồng thời sử dụng dịch vụ hành chính công;

- Mật độ điện thoại cố định đạt 31,4 máy/100 dân;

- Mật độ điện thoại di động đạt 150 máy/100 dân (90% dân số sử dụng điện thoại di động);

- Mật độ thuê bao Internet đạt 39 thuê bao/100 dân, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 78% dân số;

- Số hộ dân sử dụng truyền hình cáp (cả truyền hình trên mạng viễn thông) đạt 50%.

III. Định hướng phát triển

1. Định hướng phát triển bưu chính

a) Mạng bưu chính


- Triển khai các thùng thư công cộng tại các nhà cao tầng; tại các khu du lịch, công nghiệp, thương mại; triển khai điểm phục vụ tự động tại các bưu cục cấp 1;

- Lắp đặt các thiết bị bán ấn phẩm tự động như tem, báo, phong bì, bưu thiếp,... tại các khách sạn có từ 3 sao trở lên, tại các khu trung tâm thương mại, khu vực, dọc theo 2 bờ sông Hàn;

- Nâng cao thời gian phục vụ ngoài giờ hành chính, trong các ngày nghỉ, ngày lễ của các điểm bưu điện văn hoá xã, đồng thời cung cấp dịch vụ tin học.

b) Dịch vụ bưu chính

- Bổ sung cung cấp dịch vụ bán hàng lưu niệm, các sản phẩm đặc trưng của địa phương tại bưu cục cấp 2 và cung cấp được tất cả các dịch vụ bưu chính tại bưu cục cấp 3;

- Phát triển các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, trả lương hưu, thu/phát hộ cho các doanh nghiệp đến bưu cục cấp 2 và cấp 3; mở rộng, nâng cao hiệu quả kinh doanh các dịch vụ khác như thu cước viễn thông, bán vé máy bay, bán các sản phẩm lưu niệm của Đà Nẵng,...

- Nâng cấp dịch vụ Datapost để phục vụ cho các nhu cầu sử dụng sản phẩm màu;

- Khai thác gói và bưu kiện B2C (Business-To-Consumer) để phục vụ mua/bán hàng trực tuyến; triển khai dịch vụ tìm kiếm và định vị bưu kiện trong nước;

- Triển khai dịch vụ thư quảng cáo và thanh toán điện tử bưu chính;

- Nâng cấp điểm truy nhập Internet tại 100% điểm bưu điện văn hoá xã thành điểm truy cập Internet, để người dân có thể sử dụng các dịch vụ công qua mạng; đồng thời xây dựng hệ thống thư viện sách về khoa học - kỹ thuật về nông, lâm nghiệp, hướng nghiệp và dạy nghề,...

- Mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt, với bưu cục cấp 1.

2. Định hướng phát triển viễn thông

a) Mạng chuyển mạch


- Phát triển, xây dựng mạng theo mô hình mạng thế hệ mới (NGN) với các dịch vụ gia tăng trên nền truy nhập băng rộng;

- Trong giai đoạn 2011-2015: Chuyển dần thuê bao từ mạng băng hẹp (TDM) sang mạng băng rộng (NGN) tại các quận nội thành. Tiến hành mở rộng các tổng đài vệ tinh còn lại và các tổng đài vệ tinh tại huyện Hòa Vang;

- Trong giai đoạn 2016-2020: Thay thế hoàn toàn mạng TDM truyền thống bằng mạng NGN trên toàn thành phố.         

b) Mạng ngoại vi

Nhanh chóng hoàn thiện mạng ngoại vi theo hướng tăng cường sử dụng cáp sợi quang và nâng cao tỷ lệ cáp ngầm dưới mặt đất để cải thiện chất lượng dịch vụ và mỹ quan đô thị. Cụ thể:

- Giai đoạn 2011-2015: Hoàn thành việc sắp xếp và đi ngầm cáp thông tin trên các tuyến đường chính và khu đô thị mới, mở rộng dung lượng các tuyến cáp quang nối đi liên tỉnh. Triển khai các tuyến cáp quang mới cho các thiết bị Media Gateway và MSAN mới lắp đặt; 

- Giai đoạn 2016-2020: Hoàn thành sắp xếp và ngầm hóa cáp thông tin tại các tuyến đường chính (không tính kiệt, hẽm), trong đó cáp thuê bao đi treo không quá 100m trong nội thành và không quá 200m ở vùng ngoại thành. Nâng cấp các dung lượng các tuyến cáp nhánh sử dụng công nghệ NG-SDH cho tốc độ cao, băng thông rộng, nhằm đáp ứng nhu cầu về băng thông cho các dịch vụ trên nền NGN.

c) Mạng thông tin di động

Mạng thông tin di động sẽ phát triển theo hướng mở rộng, nâng cao chất lượng vùng phủ sóng và đa dạng hoá dịch vụ gia tăng. Tăng chất lượng phủ sóng và dung lượng tại các trung tâm quận, huyện, điểm du lịch, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, vùng ven biển,... 

Phát triển thêm các vị trí trạm thu phát sóng tại các khu vực thuộc huyện Hoà Vang đặc biệt là phía Tây, Tây Bắc thành phố (dọc theo sông Cu Đê) và tại các khu vực có mật độ thuê bao cao: khu vực dân cư mới, khu công nghiệp, khu du lịch,...

Phát triển thêm các vị trí trạm thu phát sóng tại khu vực ven biển (quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn, quận Hải Châu, quận Thanh Khê, quận Liên Chiểu) phục vụ đánh bắt gần bờ và phục vụ du lịch.

Phủ sóng cho các tòa nhà cao tầng, các cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, các khu văn phòng,... đảm bảo chất lượng phủ sóng trên toàn thành phố (giải pháp Inbuilding).

- Giai đoạn 2011-2015: Đến năm 2015 dung lượng mạng khoảng 4.000.000 thuê bao, để phục vụ 1.300.000 thuê bao di động tại thành phố Đà Nẵng và khi có các sự kiện. Phát triển mới khoảng 700 trạm thu phát sóng di động, trong đó có 200 vị trí dùng chung trụ ăng-ten.

- Giai đoạn 2016-2020: Phát triển mạng di động theo công nghệ truy nhập vô tuyến băng rộng và công nghệ 4G. Phát triển 200 vị trí dùng chung trụ ăng-ten.

d) Mạng truy nhập Internet

Mạng truy nhập Internet sẽ sử dụng trên nền mạng chuyển mạch NGN. Đẩy mạnh phát triển các ứng dụng trên mạng như: Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, đào tạo và chữa bệnh từ xa.

- Giai đoạn 2011-2015: Xây dựng xong hạ tầng mạng truy nhập NGN, dịch vụ Internet được cung cấp rộng rãi trên địa bàn toàn thành phố thông qua các nút mạng NGN. 

- Giai đoạn 2016-2020: Tất cả thuê bao Internet chuyển sang hoạt động trên mạng NGN.

e) Mạng truyền hình cáp

- Giai đoạn 2011-2015: Hoàn thiện triển khai mạng cáp truyền hình trên khắp địa bàn thành phố, triển khai cung cấp dịch vụ gia tăng trên cáp truyền hình;

- Giai đoạn 2016-2020: Triển khai cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số. 

g) Mạng truy nhập Internet công cộng

- Phát triển mạng điểm truy nhập Internet công cộng cho các thôn, cụm thôn tại các xã thuộc huyện Hòa Vang và một số phường thuộc quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn để nhân dân tiếp cận thông tin, tiếp cận tri thức qua mạng Internet, đồng thời sử dụng dịch vụ hành chính công của các cơ quan nhà nước;

- Giai đoạn 2011-2015: Triển khai 50 điểm truy nhập Internet công cộng;

- Giai đoạn 2016-2020: Triển khai thêm 50 điểm truy nhập Internet công cộng.

h) Mạng truyền dẫn cho các cơ quan Nhà nước

- Xây dựng mạng truyền dẫn băng rộng (MAN) để kết các cơ quan Nhà nước từ cấp thành phố đến cấp xã, phường để đảm bảo ứng dụng CNTT-TT trong hoạt động, cung cấp dịch vụ công theo mô hình thành phố điện tử;

- Giai đoạn 2011-2015: Triển khai kết nối mạng MAN UBND các quận, huyện đến xã, phường;

- Giai đoạn 2016-2020: Nâng cấp dung lượng truyền dẫn mạng MAN thành phố để đảm bảo cung cấp dịch vụ công theo mô hình chính phủ điện tử;

i) Dịch vụ viễn thông 

- Chú trọng củng cố và nâng cao các dịch vụ viễn thông cố định truyền thống và các dịch vụ qua tăng trên nền dịch vụ truyền thống;

- Triển khai cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, TV, xDSL qua đôi cáp điện thoại cố định, qua cáp truyền hình, bằng cáp quang trực tiếp và qua sóng di động 3G;

- Triển khai các dịch vụ viễn thông gia tăng trên nền hạ tầng mạng NGN;

- Cung cấp dịch vụ trên các lĩnh vực: giải trí, tra cứu, giải đáp thông tin xã hội, thị trường, tư vấn giáo dục, kỹ thuật nông lâm ngư nghiệp, mua bán trực tuyến,... Đồng thời, phối hợp với hệ thống các ngân hàng thương mại mở dịch vụ thanh toán qua điện thoại.

IV. Giải pháp

1. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực


- Nâng cao năng lực cán bộ quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông cấp quận, huyện;

- Triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về viễn thông và Internet ở địa phương. Ưu tiên các chương trình đào tạo lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO), chuyên gia cao cấp về viễn thông và Internet;

- Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tại các điểm Bưu điện văn hóa xã, nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng sử dụng máy tính, Internet;

- Tăng cường thuê dịch vụ, nhân công bên ngoài để tận dụng lực lượng lao động xã hội và tăng năng suất lao động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và Internet.

2. Giải pháp về khoa học công nghệ

- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng mạng lưới theo hướng ứng dụng các công nghệ mới, cung cấp nhiều giải pháp xây dựng hạ tầng hiệu quả và nhanh chóng;

- Tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, góp phần đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và Internet; đặc biệt là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bưu chính;

- Triển khai cung cấp dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân tại điểm truy nhập Internet cộng đồng, các điểm bưu điện văn hóa xã;

- Định hướng tập trung nghiên cứu triển khai ứng dụng dịch vụ mới, dịch vụ giải trí và cung cấp nội dung, hỗ trợ phát triển công nghệ mới, đưa dịch vụ tới gần người dân hơn.

3. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Lập danh sách chỉ giới, vị trí tuyến xây dựng mới cống bể trên các đường thành phố để doanh nghiệp chủ động triển khai đi cáp ngầm; quy định các khu vực quy hoạch xây dựng trụ ăng-ten, độ cao giới hạn và khoảng cách tối thiểu giữa các trụ ăng-ten;

- Quy định xây dựng, dùng chung và khung giá dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp (cống bể cáp, trụ treo cáp, trụ ăng-ten); 

- Xây dựng đường hầm kỹ thuật một số tuyến đường trọng điểm bằng nguồn ngân sách để đi ngầm cáp thông tin, cùng với hạ tầng điện, nước bằng nguồn ngân sách; 

- Xã hội hoá và kêu gọi vốn đầu tư ODA phục vụ việc xây dựng cống-bể, trụ ăng-ten dùng chung;

- Ưu đãi và đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông đến các vùng xa, vùng sâu và phục vụ thông tin phòng chống thiên tai; phục vụ các khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại,... 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác