Tăng cường thu hút các chuyên gia đầu ngành để phát triển thành phố
"Cùng với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cần coi trọng việc thu hút các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước về làm việc ở Đà Nẵng, phục vụ chiến lược phát triển lâu dài của thành phố, đồng thời tạo điều kiện cho đội ngũ nhân lực tại chỗ có cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm, lĩnh hội kiến thức từ các chuyên gia này." Đó là vấn đề được nhiều lãnh đạo cơ quan, sở ngành thành phố đặt ra tại "Hội thảo đánh giá hiệu quả chương trình thu hút và đề án đào tạo nguồn nhân lực; định hướng công tác thu hút, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ" do Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì ngày 1-10.

Góp phần nâng cao hiệu quả công việc

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố, từ năm 1998 đến nay, thành phố có 1.269 người diện thu hút, 433 học viên tham gia Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) đã tốt nghiệp và được bố trí công việc. Phần lớn cán bộ tiếp cận và thích nghi nhanh với công việc, làm việc hiệu quả, trưởng thành, thành công trên các lĩnh vực, gần 200 cán bộ được bố trí các chức vụ lãnh đạo quản lý và có 34 học viên Đề án 922 đang học chuyển tiếp sau đại học, học bậc cao hơn tại nước ngoài bằng kinh phí tự túc hoặc học bổng của các tổ chức khác.
 
Với tư duy đổi mới, sáng tạo, các cán bộ được đào tạo – thu hút đã có nhiều đề xuất, giải pháp ý tưởng, sáng kiến mới trong quá trình tham mưu, chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu góp phần nâng cao hiệu quả công việc. Điển hình như việc xây dựng phần mềm lõi cho website chuyên ngành dựa trên nền tảng egovFrame, tham mưu dự án “Phát triển công nghệ và truyền thông”, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm trên địa bàn thành phố, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao… Ông Đặng Công Ngữ - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ thành phố khẳng định, chính khả năng ngoại ngữ, hiểu biết quốc tế và tác phong hiện đại, năng động, kỹ năng làm việc hiệu quả và chuyên môn vững vàng của các cán bộ được đào tạo – thu hút này đã tạo ấn tượng tốt với các đối tác nước ngoài, nhà đầu tư. Qua đó, góp phần cải thiện hiệu quả và năng suất công việc của các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động.
 
 
Tuy nhiên, hiện việc bố trí cho các đối tượng nhân lực chất lượng cao vẫn còn chưa hợp lý, khiến nhiều học viên chưa sử dụng hết năng lực, gây lãng phí chất xám. Qua 561 lượt khảo sát của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có 19,8% các đối tượng diện thu hút cho rằng vị trí công việc chưa phù hợp với chuyên môn. 64,6% học viên của Đề án 922 cho biết công việc được bố trí không phù hợp với chuyên ngành đào tạo, lãnh đạo cơ quan thiếu quan tâm, chưa cởi mở, chưa lắng nghe tiếp thu ý kiến từ cấp dưới; 12,5% học viên Đề án 922 cho biết sẽ không tiếp tục làm việc vì môi trường chưa tốt, mức lương chưa đảm bảo cuộc sống, không có cơ hội thăng tiến. Hiện đã có 92 người học viên Đề án 922 vi phạm hợp đồng và xin rút khỏi Đề án, chấp nhận bồi hoàn kinh phí cho thành phố.
 
Cải thiện chất lượng môi trường làm việc
 
Theo chị Phan Thị Thu Trang (học viên Đề án 922 bậc Đại học tại Anh, chuyên ngành Cử nhân Công nghệ sinh học) hiện đang công tác tại Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố, điều kiện làm việc thực tế còn thiếu sự liên kết với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ở cả trong và ngoài nước, đặc biệt cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được cho việc phát triển nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Bà Võ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ - đơn vị tiếp nhận nhiều học viên từ Đề án 922 cũng cho hay: “Khi về Trung tâm Công nghệ sinh học, do không có các cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm tiên tiến, hiện đại nên các cán bộ rất khó làm việc. Đặc biệt, chế độ tiền lương trong cơ quan Nhà nước thấp, trong khi nhu cầu sinh hoạt phí chỗ ở, đi lại... ở thành phố lại cao. Do đó, nhiều người học xong trở về được bố trí công việc rồi nhưng lại mang tâm lý chờ xong hết thời gian quy định làm việc cho thành phố để tìm cơ hội việc làm mới.”
 
Trong khảo sát của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, một số đối tượng đào tạo và thu hút được đánh giá là thiếu động lực làm việc, chưa khiêm tốn và thiếu ý chí phấn đấu. Chị Ngô Lê Uyên Ly, học viên Đề án 922 bậc Đại học tại Anh, chuyên ngành Cử nhân Địa lý và Quy hoạch, hiện công tác tại UBND huyện Hòa Vang chia sẻ, bản thân mỗi cán bộ được đào tạo – thu hút về thành phố cần phải có sự chủ động thích nghi với môi trường làm việc. Bên cạnh năng lực chuyên môn thì cần có kỹ năng mềm, kiên trì, nhẫn nại quan sát để ứng xử hòa hợp trong môi trường làm việc. Chị Uyên Ly cũng đề nghị chính quyền thành phố cần tổ chức các buổi đối thoại, trao đổi với những người cán bộ được thu hút, đào tạo, đi học ở nước ngoài trở về có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm cũng như bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trong quá trình làm việc thực tế.
 
Theo ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, những người học ở nước ngoài trở về thường có tư duy độc lập, đưa ra chính kiến, phản biện; trong khi lãnh đạo cơ quan vẫn giữ tư duy chỉ nghe những điều mình muốn nghe hoặc chỉ muốn cấp dưới làm theo chỉ đạo của lãnh đạo. Về đề xuất chuyển nhượng nguồn nhân lực từ cơ quan nhà nước sang khu vực tư nhân, ông Tiếng cho rằng: “Có thể để nhân tài làm việc ở bên ngoài rồi trở về, chứ được đào tạo xong, làm việc chứng minh năng lực xong lại chuyển nhượng ra bên ngoài thì rất lãng phí.”
 
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thành phố cần coi trọng việc thu hút các chuyên gia có uy tín trên các lĩnh vực mà Đà Nẵng đang có nhu cầu cao như xây dựng hạ tầng và bảo mật công nghệ thông tin, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và quy hoạch hạ tầng, chuyên gia trên lĩnh vực y tế, công nghệ cao …Đặc biệt, phát huy vai trò của các chuyên gia trong nước và nước ngoài; thu hút trí thức Việt kiều, các chuyên gia nước ngoài với nhiều hình thức đóng góp khác nhau.
 
 
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng yêu cầu trong thời gian tới, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cùng lãnh đạo các sở ngành liên quan tập trung nghiên cứu, đề ra những giải pháp phân luồng đào tạo các cán bộ công chức viên chức để bố trí, đảm đương các chức vụ lãnh đạo, quản lý cũng như bồi dưỡng trở thành người có chuyên môn sâu và giỏi trên các lĩnh vực; tham mưu lãnh đạo thành phố trong việc sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020 – 2025. Cùng với xây dựng các khóa học nâng cao kiến thức, trình độ và kỹ năng giải quyết vấn đề, cần tập trung dự báo nhu cầu ngành nghề thu hút và đào tạo sát với tình hình thực tế, tập trung vào các lĩnh vực đang cấp thiết mà thành phố cần có nhân lực để tham gia giải quyết và thực hiện.
CÔNG TÂM​​
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác